Thương hiệu Việt Nam- Vị thế mới, giá trị mới

Toàn cảnh tuần lễ. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 19/4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021 chủ đề “Thương hiệu Việt Nam - Vị thế mới, giá trị mới”.

Trong khuôn khổ "Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021" diễn ra từ ngày 19-25/4, có chuỗi hoạt động truyền thông đại chúng, quảng bá ngoài trời, treo băng rôn... trên đường phố tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.

Bên cạnh đó, còn có các diễn đàn, hội thảo như: Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021; Hội thảo Tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt...

Thông qua những chương trình hành động cụ thể, "Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021" kỳ vọng góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, "Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021" quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Đỗ Thắng Hải cho rằng, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/ 2003/QĐ - TTg ngày 25/11/2003. Đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến hành nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, nâng cao vị thế và giá trị gia tăng trong từng ngành hàng, lĩnh vực của nền kinh tế khi Việt Nam ngày càng tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.

Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên 319 USD). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021). Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng bượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam./.

Chi Mai