Thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ biên giới

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân địa phương. Ảnh: Đức Trí

Đồn Biên phòng Cà Xèng được giao quản lý đoạn biên giới dài 34,175km với 7 mốc quốc giới và phụ trách địa bàn 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trên địa bàn, có trên 40% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự địa bàn, trong đó, chú trọng việc huy động sức dân hỗ trợ BĐBP thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở địa bàn biên giới với nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng. Từ đó, giúp người dân nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đơn vị đã triển khai, duy trì có hiệu quả mô hình Tổ tự quản đường biên, cột mốc, Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản...; phát huy vai trò các tổ đội công tác địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình. Đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, ngăn chặn các hành động tiêu cực trong cộng đồng dân cư, không để trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Đặc biệt, Đồn Biên phòng Cà Xèng luôn quan tâm và phát huy vai trò đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.

Tính đến nay, trên địa bàn 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn có 822 gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; 15 tổ/115 thành viên đăng ký tham gia tự quản an ninh, trật tự thôn, bản. Trong 3 năm qua, người dân đã cung cấp trên 600 nguồn tin giúp cho BĐBP chủ động trong việc đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế khu vực biên giới như: Đi lại, hoạt động trái phép trong khu vực biên giới; khai thác lâm thổ sản trái phép; sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản...

Ông Đinh Văn Long, người dân xã Thượng Hóa chia sẻ: “BĐBP thường xuyên sát cánh, hỗ trợ nhân dân trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, đồng thời tuyên truyền để chúng tôi hiểu hơn về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chúng tôi hiểu rằng, mình cần có trách nhiệm hỗ trợ BĐBP thực hiện nhiệm vụ”.

Nói về vai trò của nhân dân, Thiếu tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng xác định rõ, muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, phải dựa vào nhân dân, huy động sức dân. Muốn làm được điều đó thì phải tập trung chăm lo nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn”. Với phương châm đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã triển khai nhiều mô hình, công trình giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tiêu biểu như mô hình lúa nước Rục Làn với diện tích gần 10ha; mô hình vườn rau xanh, “Nuôi giống gà bản địa bằng phương pháp bán chăn thả”; công trình “Ánh sáng vùng biên”; Chương trình “Nâng bước em tới trường”... Hiện nay, đơn vị đã phân công 30 đảng viên phụ trách 140 gia đình trên địa bàn 2 xã có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, không sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật...

Từ cách làm thiết thực phù hợp với thực tế trên địa bàn, những năm qua, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Cà Xèng phụ trách đã phát triển sâu rộng. Chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, nhân dân các dân tộc nơi biên giới an tâm, gắn bó với quê hương, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Viết Lam