Thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh

Huyện Bảo Lạc chú trọng phát triển giống dược liệu hà thủ ô đỏ.

Nhằm cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của giai đoạn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế đặt ra nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu đảm bảo cung ứng thuốc chủ động, kịp thời, có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý theo từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển dược liệu trong tỉnh; phát triển vùng trồng dược liệu quý có giá trị cao, tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách; quy hoạch; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc; đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; công nghệ thông tin và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược; thông tin, truyền thông.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược đến các ngành, các cấp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, dự án đầu tư phát triển ngành Dược. Phối hợp với các ban ngành liên quan đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh; đề xuất các chính sách liên quan nhằm huy động các nguồn lực đầu tư các dự án phát triển vùng nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược trong toàn tỉnh. Thành lập tổ cán bộ chuyên trách hướng dẫn, giám sát kế hoạch thực hiện Chiến lược.

Các sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai hoặc phối hợp với Sở Y tế thực hiện Kế hoạch.

UBND các huyện, Thành phố: Căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch của địa phương; ưu tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược, ưu tiên bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích phát triển ngành Dược địa phương trong giai đoạn mới...

P.V