Thực hiện cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Nhằm nâng cao chất lượng điều hành quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng nền hành chính minh bạch liêm chính chuyên nghiệp hiệu lực hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân; đồng thời phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Đồng Tháp năm 2024 (Chỉ số PAPI).

UBND tỉnh chỉ đạo cải thiện Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công tỉnh Đồng Tháp năm 2024

Theo đó, phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2024 tỉnh Đồng Tháp đạt từ 42,41 điểm trở lên (tăng ít nhất l,09 điểm so với năm 2023), nằm trong nhóm trung bình cao. Trong đó, 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt từ 4,16 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,23 điểm so với năm 2023); Công khai minh bạch trong hoạch định chính sách đạt từ 4,84 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,17 điểm so với năm 2023); Trách nhiệm giải trình với người dân đạt từ 4,10 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,10 điểm so với năm 2023); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt từ 7,04 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,08 điểm so với năm 2023); Thủ tục hành chính công đạt từ 7,46 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,15 điểm so với năm 2023); Cung ứng dịch vụ công đạt từ 7,33 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,08 điểm so với năm 2023); Quản trị môi trường đạt từ 4,35 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,06 điểm so với năm 2023); Quản trị điện tử đạt từ 3,14 điểm trở lên (tăng ít nhất 0,22 điểm so với năm 2023).

UBND tỉnh giao Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc kiểm tra kết quả thực hiện tại các ngành, các cấp; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền triển khai quán triệt hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí thành phần Chỉ số PAPI; thành lập Đoàn công tác đến làm việc trao đổi với UBND các huyện, thành phố có điểm thực hiện khảo sát PAPI; kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện PAPI đối với các cơ quan đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh (cùng với việc kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh năm 2024).

Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện rà soát đánh giá thực chất việc triển khai và kết quả thực hiện những nội dung còn hạn chế theo Báo cáo PAPI đã công bố và Báo cáo phân tích, trên cơ sở đó chủ động triển khai các nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Riêng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các tiêu chí của PAPI và UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện gửi về UBND tỉnh qua Sở Nội vụ; đồng thời báo cáo tình hình, kết quả thực hiện định kỳ lồng ghép vào chế độ báo cáo cải cách hành chính hiện hành.

Cùng với đó, bằng các hình thức phù hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt 8 chỉ số nội dung của PAPI; quan tâm công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc hướng dẫn thực hiện 8 chỉ số nội dung và 28 chỉ số nội dung thành phần của PAPI. Phân công lãnh đạo phụ trách và công chức, viên chức theo dõi tham mưu thực hiện các nội dung của PAPI...

UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện PAPI; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc giám sát kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung thành phần của PAPI thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND cấp xã; chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch và chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ bảo đảm thực chất hiệu quả các nội dung thành phần của PAPI...

Thanh Trúc