Thúc đẩy chuyển đổi số bảo đảm tính bao trùm, bền vững

Phiên thảo luận chuyên đề 1.

Tạo cơ hội bình đẳng

Các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình này là phải hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy, bảo đảm tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

Nghị sĩ Timor Leste cho biết, tại Timor Leste, bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí internet vẫn đắt nhất thế giới. Vì vậy, nghị sĩ Timor Leste mong muốn các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, nghị sĩ Timor Leste nêu rõ, Quốc hội nước này đã xây dựng và phát triển đạo luật về bảo vệ trẻ em và chống tội phạm mạng. Nghị sĩ Timor Leste hy vọng các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế đạo luật bảo vệ phụ nữ trên môi trường mạng để quốc gia này tham khảo và thực hiện.

Đại diện Nghị viện Bồ Đào Nha thảo luận tại phiên họp.

Đại diện Nghị viện Bồ Đào Nha cho rằng, trong cách mạng số, kĩ năng số là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó là thực hiện cách mạng số, chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, mọi người dù ở độ tuổi nào, khu vực nào, trình độ nào… cũng đều có khả năng thụ hưởng dịch vụ.

Đại biểu Bồ Đào Nha nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trên, cần phải đào tạo kĩ năng số ở quy mô toàn xã hội để người dân hiểu về an ninh mạng, quyền riêng tư trên mạng, phòng, chống tin giả, mở rộng mạng lưới kết nối, bao phủ internet… Đây là những bước đi quan trọng vì tương lai bền vững hơn, bảo đảm người dân có cơ hội tiếp cận bình đẳng.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên thảo luận.

Nghị sĩ Bolivia cho biết, kinh nghiệm phát triển công nghệ số, bảo đảm quyền tiếp cận internet và công nghệ số của các nước là rất cần thiết để học hỏi, áp dụng, đảm bảo lợi ích người dân, phát huy hơn nữa những tác động tích cực mà công nghệ số đã mang tới cho đất nước Bolivia thời gian qua. Nhờ sự phát triển công nghệ, việc học tập, thăm khám bệnh từ xa cũng được hiện thực hóa. Một vấn đề lớn đặt ra là đảm bảo tính công bằng về cơ hội tiếp cận của người dân đối với công nghệ số. Để giải được bài toán này, không chỉ cần chia sẻ kinh nghiệm, mà còn cần có các kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để đảm bảo cơ hội tiếp cận đồng đều.

Nghị sĩ Ai Cập cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần tiếp tục mở rộng và tăng cường cơ sở hạ tầng số, tăng cường xây dựng và đào tạo kĩ năng cho người dân. Thành tựu này có thể giải quyết các thách thức để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình số tương lai và kết nối trên nền tảng số đối với tất cả mọi người.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Quyên Thanh thảo luận tại phiên họp

Hoàn thiện chính sách chuyển đổi số

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong các hoạt động nghị viện cũng không tách rời xu thế chung của quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số là hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, Quốc hội Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số hướng đến mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử và được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các hoạt động điều hành của chủ tọa, sự tham gia của các đại biểu Quốc hội được thuận lợi hơn. Thông qua ứng dụng phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các đại biểu Quốc hội được tiếp cận dễ dàng các tài liệu dạng điện tử thay vì văn bản giấy trước đây, thuận tiện hơn trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin...

Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi số thời gian qua của Quốc hội Việt Nam tiếp tục đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động của Quốc hội trong kỷ nguyên số.

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Brando Benifei phát biểu ghi hình.

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Brando Benifei cho biết, Đạo luật về trí tuệ nhân tạo là nỗ lực đầu tiên trên thế giới trong việc định hướng tác động của trí tuệ nhân tạo đối với mọi mặt đời sống. Ý tưởng then chốt là cần học hỏi từ những gì đã diễn ra để đề phòng rủi ro, mở rộng cơ hội sử dụng trí tuệ nhân tạo để giảm thiểu bất bình đẳng, hoặc các rủi ro có thể phát sinh. Hiện nay, các quốc gia thuộc Nghị viện Châu Âu đang thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến luật, tập hợp những cách làm tốt đã có, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh tận dụng tốt trí tuệ nhân tạo mà hạn chế được rủi ro từ công cụ này. Nghị sĩ cho rằng, điều quan trọng là có chính sách tổng thể ở cấp toàn cầu để giảm thiểu rủi ro từ trí tuệ nhân tạo.

Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc nêu rõ, chuyển đổi số phải nằm trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ có công nghệ mà cả trong đời sống xã hội… Do đó, Hàn Quốc đã thông qua luật về Luật Trí tuệ nhân tạo và robot làm khung khổ pháp lý phù hợp để giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ số là không giới hạn và vai trò của hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại biểu Hàn Quốc cho rằng, các nghị sĩ trẻ cần linh hoạt hơn trong áp dụng công nghệ số, xã hội số để có các quy định phù hợp trong luật. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của các nghị sĩ với hiện tại và tương lai.