Thu gần 30.000 tỷ đồng tiền thuế bất động sản, chứng khoán từ đầu năm

Tổng cục Thuế vừa có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước tháng 7 và lũy kế 7 tháng từ đầu năm. Theo đó, tổng thu ngân sách tháng 7 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, tương đương 9,3% dự toán và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số này, thu từ dầu thô ước đạt 3.100 tỷ, bằng 13,4% dự toán và tăng 68,2% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân đạt 74,6 USD/thùng, cao hơn 65,8% giá dự toán và 85,6% giá cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 670.000 tấn, bằng 8,3% dự toán nhưng giảm 14% so với sản lượng cùng kỳ.

Thu thuế 7 tháng vẫn cao kỷ lục

Cũng trong tháng 7, số thu nội địa vào khoảng 101.300 tỷ, bằng 9,3% dự toán và tăng 2% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận chia lại, xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước là 79.000 tỷ, tăng 8,4%.

Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này tiếp tục thực hiện gia hạn thuế và tiền thuê đất trong tháng 7 theo Nghị định 52/2021 với giá trị khoảng 20.000 tỷ.

Tính chung 7 tháng từ đầu năm, tổng thu ngân sách do Tổng cục Thuế quản lý đạt 763.805 tỷ đồng, hoàn thành 68,4% so với dự toán cả năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý 7 tháng đầu hàng năm cao nhất cả về số thu và tỷ lệ hoàn thành so với dự toán.

Thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý 7 tháng vẫn cao kỷ lục. Ảnh: Nam Khánh.

Tuy vậy, cơ quan Thuế cho biết diễn biến thu qua các tháng đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4. Trong đó, thu thuế, phí nội địa từ mức tăng 15,9% hồi tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6% và giảm 10,4% trong tháng 7 vừa qua.

Trong cơ cấu thu 7 tháng, số thu từ dầu thô đóng góp 22.023 tỷ, bằng 94,9% dự toán nhưng giảm 5% so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Thuế, số thu này giảm chủ yếu do cùng kỳ phát sinh khoản thu từ kết dư chi phí của Liên doanh Vietsovpetro.

Trong khi đó, thu nội địa 7 tháng đạt khoảng 741.781 tỷ, bằng 67,8% dự toán và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tính riêng số thu từ thuế, phí nội địa đã đạt 590.373 tỷ, tăng 18,6%. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì mức tăng là 8,2%.

Thu thuế ngân hàng, bất động sản, chứng khoán tăng mạnh

Lý giải số thu thuế, phí tăng tốt thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tình hình kinh tế hồi phục từ cuối năm 2020 và duy trì đến nửa năm nay đã giúp nhiều nguồn thu cải thiện. Ngoài ra, số thu còn ghi nhận tăng đột biến từ một số nguồn được hưởng lợi các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ thực hiện trong năm 2020, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ôtô...

Cụ thể, ở khối ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi ở mức cao, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ, cắt giảm chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro... đã góp phần tăng lợi nhuận. Điều này dẫn đến số thuế TNDN quý IV và nộp sau quyết toán tăng cao 72,9% sau 7 tháng đầu năm, tương đương mức tăng ròng 6.000 tỷ. Với tỷ lệ này, số thu thuế TNDN từ nhóm ngân hàng vào khoảng 14.230 tỷ đồng.

Tương tự, cơ quan Thuế cho biết thị trường bất động sản cũng tăng từ cuối năm 2020 và đầu năm nay, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động này lên mức 25.000 tỷ, cao hơn 61,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, thị trường chứng khoán sôi động từ giữa năm 2020 và kéo dài đến nay cũng giúp số thu thuế từ kinh doanh chứng khoán cao gấp 2,47 lần, đóng góp hơn 5.000 tỷ đồng vào ngân sách 7 tháng.

Ngoài ra, số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước giai đoạn này đã tăng 47,1%, đạt gần 35.000 tỷ đồng; thu thuế TNDN từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp, chuyển nhượng vốn cũng tăng 2,6 lần, đạt gần 5.700 tỷ đồng…

Quang Thắng