Thú chơi cây Tết của cha

Những ngày tháng COVID này, bí bách, tù túng, thất vọng, hụt năng lượng. Vẫn nhớ da diết những người xưa, cảnh cũ, những ngày Tết cha con quây quần bên nhau. Không dịch bệnh, sức khỏe đủ dùng để chơi Tết, răng miệng còn nguyên để hưởng thú vui ẩm thực. Đó là những năm cuối của thế kỷ trước...

Những năm đầu của công cuộc đổi mới. Đời sống phất lên nhanh chóng. Ngoài lương bố tôi đi làm bệnh viện, lần đầu đã biết đến tiền thưởng Tết. Cha tôi có thêm tiền, tôi cũng bắt đầu đi làm có lương, thực phẩm đã có cô em, bà chị đôn đáo lo giúp. Tôi và bố để ý đến mấy thứ chơi ngắm trong nhà. Bố tôi rất tin tưởng tài chọn đào quất của tôi. Quả thật khiếu thẩm mỹ, duyên mua cây của tôi đã không làm ông thất vọng. Những năm chơi đào cành đã không còn. Nhà mới có phòng khách rộng hay ngoài hiên đều thích hợp với đào cây. Thế cây đẹp hơn, đào con nguyên rễ nên tươi lâu hơn. Bố còn thích chơi lộc cây lúc đào sắp tàn, vuốt ve những quả đào non tơ mới trổ.

Thú chơi cây cảnh trong các gia đình quyền quý xưa (ảnh minh họa).

Giữa đào và quất, bố tôi luôn đề cao đào, quất không có cũng không sao. Nhưng nếu ai đó tặng bố tôi ít cây củ bày trong nhà ông sẽ ca ngợi lắm. Bố vợ tôi cũng là dân văn thơ có vài năm tặng ông hoa thủy tiên bày phòng khách. Chiếc bình thủy tinh trong suốt đựng nguyên củ thủy tiên, rễ hoa trắng phau xuề xòa trong nước. Thứ hoa có hương thơm nồng nàn, cánh trắng nõn, nhụy vàng rất nhiều nhựa và phấn vàng. Lý tưởng nhất là nó nở tưng bừng trong 3 ngày Tết chính, thế là tuyệt lắm rồi cũng không nên tham lam quá. Thứ sỏi ta bày để trang trí cho bát thủy tiên cũng cầu kỳ lắm thay, đều sỏi và cũng sạch sẽ đến trắng ngần. Chẳng biết tôi nhớ có chính xác không các cụ ngày xưa còn nhâm nhi kẹo mạch nha bọc quanh viên sỏi, rồi mới đưa viên sỏi sạch đường đó bày biện vào bát hoa thủy tiên? Cạnh bát thủy tiên, bố thường bố trí quả phật thủ cắm ngược trên cốc nước, để cuống có thể hút nước mà nuôi quả. Không bao giờ bố tôi tiếc tiền chơi phật thủ. Quả phải to, nhiều tay, đều nhánh. Những ai thân quý, khi còn khỏe mạnh, ông đều mua phật thủ biếu tận nhà. Thủy tiên, phật thủ vừa có hương, vừa có sắc làm phòng khách ấm cúng nhiều lên. Một lọ hoa to thứ mà trăm nhà Hà Nội có cả trăm không làm ông xuýt xoa nhiều. Tất cả chúng tôi chắc là cả ông nữa đều nhìn vào đó mà nhớ đến thời bao cấp khốn khó, đến người mẹ đoản mệnh của chúng tôi. thuở bao cấp làm gì có nhiều thứ để chơi. Một lọ hoa chủ đạo là violet và hoa bướm, thêm mấy cành thược dược, nhà khá giả sẽ có thêm vài bông lay-ơn. Thế là Tết nhất đấy, cánh hoa violet sẽ rụng lả tả mặc dù tôi đã thả mấy viên B1 vào lọ, nước cắm hoa sẽ bốc mùi nhưng tôi vẫn muốn lưu lại vì nó vẫn còn đẹp và... không còn gì để chơi nữa? Lọ hoa tưởng nhớ thời bao cấp làm người ta vừa giận, vừa thương, vừa muốn nó biến đi, vừa muốn nó lưu lại... Ai sống qua thời đó chắc cùng cảm nghĩ như tôi.

Tuổi già ập đến nhanh quá. Tôi chỉ muốn chiều ông tất cả những gì ông muốn để thưởng thức trong dịp Tết. Có những đứa con sinh sống ở nước ngoài, bản thân đã có lần du lịch châu Âu nên ông không thể phủ nhận cái đẹp của hoa tulip. Có vài năm tôi đã thành công trong việc mua được những khóm tulip tươi mới màu huyết dụ và vàng tươi còn nguyên củ. Hoa tulip đẹp quá nên không ai còn hỏi thăm thủy tiên hay phật thủ nữa. Hoa mận trắng, hoa đỗ quyên có Tết lác đác tôi mua về trang trí cho hiên nhà ông đều khen nhưng không mặn mà lắm. Bên cạnh đó là những câu chuyện tôi nghe từ ông về hàng loạt sự tích, những thú chơi của người Việt cổ, hoa đỗ quyên vốn từ Trung Quốc... dần đầy trong bộ nhớ.

BS. Hoàng Cương (Viện Mắt TW)