Thông qua Quy hoạch điện VIII: 100% thành viên ủng hộ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quy hoạch điện VIII là cả một công trình công phu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Ở công đoạn cuối của công trình này, trước khi đưa lên Bộ Công thương ký để trình Thủ tướng Chính phủ để lấy ý kiến, xem xét việc phê duyệt và ký ban hành, bản dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ Ban ngành, các đơn vị và cả các cá nhân là những chuyên gia, nhà khoa học liên quan.

"Chúng tôi đã đăng tải toàn bộ dự thảo Quy hoạch điện VIII trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương và rất nhiều cơ quan khác đã lấy dự thảo này để lấy ý kiến các Hội viên và các đối tượng có liên quan khác. Khi nhận được đầy đủ các ý kiến, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình và hoàn thiện đề án Quy hoạch điện 8. Toàn bộ nội dung chính của việc tiếp thu giải trình của Bộ Công thương cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử vào ngày 17/3/2021 theo quy định.

Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Hội đồng có 30 thành viên gồm 3 ủy viên phản biện và 27 ủy viên từ các bộ ngành, trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định. Hội đồng đã tổ chức 2 buổi thẩm định do Chủ tịch Trịnh Đình Dũng chủ trì. Tại buổi họp lần thứ 2, theo quy định là buổi cuối, với sự tham dự của 26 thành viên. 100% thành viên đã nhất trí thông qua toàn bộ nội dung của Quy hoạch điện 8 với số phiếu là 26/26 thành viên.

Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, nhưng có định hướng đến năm 2045.

Bộ Công thương đánh giá Quy hoạch điện VIIIđược xây dựng bài bản công phu, đạt được nhiều góp ý, ý kiến của nhiều đối tượng liên quan. Các chuyên gia cũng đánh giá là phương án phát triển điện lực đã đáp ứng được tiêu chí đặt ra tại Nghị quyết số 55 năm 2020 về Định hướng chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như nhiều chỉ đạo quan trọng khác của Đảng và Chính phủ và đưa ra 3 nhóm cơ chế và 11 giải pháp trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những lần xây dựng Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn trước để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, với Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện sẽ được phát triển theo hướng đa dạng hơn, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý hơn giữa từng khu vực, từng miền, không phụ thuộc vào bất kỳ một loại hình nguồn điện nào, đồng thời hạn chế tối đa việc phát triển các nguồn điện gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường, phù hợp với các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc chống lại các nguy cơ gây biến đổi khí hậu.

Tính mở và linh hoạt của Quy hoạch điện VIII cũng sẽ là những điểm mới trong cách thức tiếp cận xây dựng Đề án lần này.

Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch cho Bộ Công Thương, cũng là sự tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như từ thực tiễn của quá trình xây dựng và triển khai Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Do đó, quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, trong đó tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, nhưng có định hướng đến năm 2045.

Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm của năng lượng tái tạo mà không đưa tên các dự án cụ thể.

Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể.

Quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII được duyệt, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án sẽ tuân thủ theo các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng Quy hoạch điện VIII sẽ được phê chuẩn ban hành ngay trong nhiệm kỳ của Chính phủ lần này.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho Lao Động biết, ngày 18.3 đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Hội đồng thẩm định thống nhất kết luận Quy hoạch đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tại cuộc họp, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.

Trong đó, có nhiều kiến nghị của các bộ ban ngành, tổ chức, chuyên gia độc lập được đơn vị soạn thảo, tư vấn tiếp thu ý kiến và sẽ bổ sung, chỉnh sửa trước khi trình Thủ tướng.

Trong văn bản góp ý với Quy hoạch điện VIII, Liên minh Năng lượng Việt Nam, một số tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than và Đại sứ quán Đan Mạch đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII, nhất là trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

"Đối với quy mô các nhà máy nhiệt điện than quy hoạch đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt, mà không thể loại bỏ như nhà máy nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II.... Sau 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng" - đơn vị lập quy hoạch cho biết.

Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG, thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy, và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng.

Ngoài ra, chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều (chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỉ USD/năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.

Cúc Phương