Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ đóng góp tích cực cho đất nước

Các đại biểu dự phiên họp thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Qua thảo luận, các đại biểu ghi nhận ngành tài chính, ngân hàng đã có nhiều đổi mới, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và giúp GDP tăng trưởng liên tục ở mức cao. Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua sẽ mang lại nhiều tiến bộ và có đóng góp tích cực cho đất nước.

Thế nhưng, để ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn vì mục tiêu chung phát triển đất nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một điều về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại dự thảo luật để Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp như các quốc gia khác trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phát biểu ý kiến.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp giống như một đứa trẻ sơ sinh. Doanh nghiệp khởi nghiệp khát vốn như đứa trẻ khát sữa mẹ. Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp rất dễ dàng tiếp cận vốn vay, vì ngân hàng chỉ cần thuê tư vấn độc lập đánh giá dự án có khả thi hay không là có thể cho vay vốn và dùng chính dự án làm tài sản thế chấp. Còn ở Việt Nam, muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp ngoài dự án, mà trong điều kiện bình thường phải sau 3-5 năm tích lũy mới có tài sản. Tức là sau 5 năm khởi nghiệp, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn vay, giống như em bé 5 tuổi mới được tiếp cận sữa mẹ, và như thế sẽ có nhiều em bé còi và tỷ lệ 90% doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ sẽ không được cải thiện”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu thực tế.

Về vấn đề tài sản thế chấp khi vay vốn, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, “khẩu vị ưa thích” của hầu hết các ngân hàng thương mại hiện nay là tài sản cá nhân, đặc biệt là giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, sổ đỏ của người quản lý công ty làm tài sản thế chấp, cùng với tài sản hình thành từ dự án. Như vậy, thay vì sử dụng biện pháp bảo đảm an toàn vốn vay bằng các nghiệp vụ thẩm định, đánh giá dự án thì ngân hàng lại trói buộc trách nhiệm cá nhân của người quản lý và trách nhiệm của doanh nghiệp, gây tổn thương cho doanh nhân. Điều này là trái với chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta.

Đại biểu cũng nhận thấy, điều này cũng trái với chủ trương nêu trong Nghị quyết số 41 của Trung ương về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Đồng thời việc yêu cầu lấy sổ đỏ thế chấp vi phạm Hiến pháp năm 2013 tại các Điều 21, 22 và 32 về quyền riêng tư của sở hữu các nhân; vi phạm Luật Doanh nghiệp năm 2020 tại các điều 50, 77, 111 về trách nhiệm công ty TNHH và công ty cổ phần...

Do vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung thêm một điều trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) yêu cầu các tổ chức tín dụng công nhận tài sản cá nhân của người quản lý doanh nghiệp làm tài sản thế chấp cho các khoản vay đầu tư phát triển dự án.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu.

Quan tâm đến quy định về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ, tổ chức tín dụng bao gồm nhiều loại hình, trong đó chỉ ngân hàng thương mại mới có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng - theo đó, sẽ có mức độ ảnh hưởng lớn tới tính an toàn của hệ thống.

Các loại hình tổ chức tín dụng còn lại đều bị giới hạn ở những mức độ khác nhau về phạm vi và quy mô và đối tượng và loại nghiệp vụ được phép kinh doanh - đó là mức độ rủi ro được chấp nhận.

Mặt khác, gần như chỉ có loại hình ngân hàng thương mại mới có khả năng gây nên các vấn đề hoảng loạn hay tháo chạy ngân hàng và đe dọa rủi ro lan truyền, làm mất an toàn hệ thống...

Bên cạnh đó, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, khi có những sự cố như vậy xảy ra, kinh nghiệm quốc tế đều chỉ ra rằng, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước các sự cố ngân hàng, nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống. Đại biểu ghi nhận dự thảo luật lần này đã cầu thị và nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi cơ bản, đáp ứng yêu cầu.

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.