Thơ của Heinrich Heine được phổ nhạc nhiều nhất thế giới

Tại Viện Goethe ở Hà Nội, 6/10/2017, “Đêm thơ Heine với âm nhạc cổ truyền Việt Nam”.

Thơ Heine đã được phổ gần 1 vạn nhạc phẩm

“Với gần 10.000 nhạc phẩm thuộc đủ mọi thể loại, Heinrich Heine là nhà thơ duy nhất của mọi thời đại và mọi nước có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên hành tinh này.”

Một số tài liệu, có Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, khẳng định vậy. Phổ thơ Heinrich Heine thành 1 vạn nhạc phẩm gồm ca khúc, aria (hát có hoặc không nhạc đệm trong opera), hợp xướng... quả là con số khổng lồ. Dẫu chưa có những so sánh khả tín với các nhà thơ khác kim cổ Đông Tây, nhưng con số 1 vạn nhạc phẩm đủ khả năng tạo lập biệt danh “thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất thế giới” cho Heine.

Phổ thơ Heinrich Heine gồm nhiều nam nữ nhạc sĩ thuộc nhiều quốc tịch và nhiều thế hệ, có lắm tên tuổi lẫy lừng. Phương diện này, Việt Nam đã đóng góp sâu sắc, độc đáo. Rằng thi tập “Lyrisches Intermezzo” của Heinrich Heine (xuất bản lần đầu năm 1823) được nữ dịch giả Chu Thu Phương chuyển sang Việt ngữ với nhan đề “Khúc đệm trữ tình” (NXB Văn Học, 2015) gồm 67 bài.

Dựa theo đó, nhạc sĩ Đàm Quang Minh chọn 10 bài để lồng vào các điệu thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam gồm chèo, tuồng, hát xẩm, chầu văn, ca Huế, ngâm thơ. Phải lắng lòng suy tưởng, dày công bẻ làn nắn điệu và dùng kỹ thuật luyến láy hầu chữ nghĩa tương thích với giai điệu cùng tiết tấu. Đoạn luyện tập nhóm Đông Kinh cổ nhạc gồm các ca nương Thanh Hoài, Minh Gái, Kiều Oanh, Thúy Ngần, Hiếu Thảo hát múa theo đàn trống. Sau nửa năm làm việc cật lực, kết quả quá mỹ mãn: “Đêm thơ Heine với âm nhạc cổ truyền Việt Nam” được tiến hành thành công tại Viện Goethe ở Hà Nội tối 6/10/2017, kỉ niệm 200 năm ngày sinh Heinrich Heine.

Sơ lược thân thế Heinrich Heine

Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà báo Christian Johann Heinrich Heine, giấy khai sinh ghi Harry Heine, chào đời ngày 13/12/1797 trong gia đình Đức gốc Do Thái tại TP Düsseldorf, hiện là thủ phủ của Nordrhein-Westfalen - bang đông dân nhất Tây Đức.

Heine có cha là thương gia, mẹ là ái nữ của một bác sĩ. Gia đình này bà con với Karl Marx (1818-1883).

Năm 1814, Heine học kinh doanh nhưng tự xét chẳng thích thương mại nên sau, chuyển qua học luật. Năm 1825, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật xong, Heine có những thay đổi đáng kể:

1. Bỏ đạo Do Thái, chuyển sang đạo Tin Lành thuộc Giáo hội Luther / Lutheranism.

2. Tập trung làm việc bản thân đam mê là viết lách, chủ yếu sáng tác văn chương, mà thơ ưu tiên nhất.

Cũng nên thêm rằng về tình ái, từ năm 1815, Heine 18 tuổi đã yêu Amalie là em họ. Khổ thay! Heine tỏ tình với Amalie, rồi với em gái của Amalie là Therese, đều bất thành. Bởi thế, qua thơ, Heine bày tỏ tình đơn phương nhưng quyết tâm, quyết liệt, da diết, khát vọng và… thất vọng.

Sau các chuyến du lịch một số quốc gia Âu châu, Heine từ năm 1831 sang Paris, thủ đô nước Pháp, sống đến cuối đời. Tại Paris, Heine giao du các nhà văn nổi tiếng như Pierre-Jean de Béranger (1780 -1857), Honoré de Balzac (1799 - 1850), George Sand (1804 -1876); liên hệ những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng; kết thân Kark Marx. Vorwärts (tạm dịch: Tiền Phong), tờ báo tiếng Đức xuất bản ở Paris, mà Marx tích cực tham gia, nhiều lần đăng tác phẩm của Heine.

Tại Paris, Heine sống chung rồi cưới Mathilde, phụ nữ Pháp không biết tiếng Đức. Vợ chồng chẳng thể sinh con.

Từ năm 1848, Heine lâm bệnh, dẫu liệt giường vẫn loay hoay với bản thảo. Đến ngày 17/2/1856, Heine từ trần, được an táng trong nghĩa trang Cimetìere de Montmartre tại Paris như ước nguyện.

Tranh chân dung Heinrich Heine trên tem bưu chính của Đông Đức năm 1972.

Đôi nét về thơ Heinrick Heine

Trong mục từ Hainơ, “Từ điển văn học” bộ mới (NXB Thế Giới, 2004) trích lời Ănghen: Hainơ là “nhà thơ vĩ đại”. Còn tập 2 “Từ điển bách khoa Việt Nam” (2002) nhận định: “Hainơ là nhà thơ vĩ đại của Đức, và Pháp cũng coi ông như nhà thơ của họ.”

Thơ của Heine phản ánh nhiều đề tài. Bài thơ này mang rõ chất… tạo hình:

«Les censeurs allemands —— —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ———— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— ——Imbéciles —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— —— —— —— —— —— ——

—— —— —— —— ——»

Les censeurs allemands: Kiểm duyệt Đức. Imbéciles: đồ ngốc. Đều tiếng Pháp.

Tính đến nay, có bài thơ của Heinrich Heine đã được phổ nhạc tới 121 lần; còn đây, bài “Im wunderschönen Monat Mai” (tiếng Đức, nguyên nghĩa “Trong tháng 5 đẹp đẽ”) mang sắc thái dân gian, đã phổ nhạc những 84 lần:

Im wunderschönen Monat Mai,

Als alle Knospen sprangen,

Da ist in meinem Herzen

Die Liebe aufgegangen.

*

Im wunderschönen Monat Mai,

Als alle Vögel sangen,

Da hab ich ihr gestanden

Mein Sehnen und Verlangen.

Bản Việt dịch bởi Phanxipăng:

Vào tháng 5 xinh xắn

Mọi loài cây nẩy chồi

Và tình yêu bừng nở

Ở trong trái tim tôi.

*

Vào tháng 5 xinh xắn

Mọi loài chim hát ca

Xin trao người thương quý

Trái tim tôi trổ hoa.