Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Trong năm 2020, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về tài chính và tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh. Những kết quả đạt được đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong quá trình điều hành, thực hiện cơ chế, chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN...

Cùng vượt khó

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây xáo trộn nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế và DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm do các thị trường đóng cửa, nhất là đóng cửa quốc gia và thực hiện giãn cách xã hội. Trong hoàn cảnh đó, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về tài chính và tiền tệ để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Về chính sách tín dụng, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13-3-2020 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19... rất thiết thực, phù hợp thực tế. Theo đó, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với năm nhóm khách hàng (DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao). Những cơ chế, chính sách đó đã tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ trực tiếp cho DN, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định hoạt động cũng như phục hồi và tăng trưởng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã có khoảng 254.550 khách hàng được hỗ trợ theo Thông tư số 01 với tổng vốn tín dụng đạt 794.625 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm lãi suất cho 21.171 khách hàng với tổng dư nợ 55.000 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 171.973 khách hàng với tổng dư nợ 202.381 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp đối với 61.406 khách hàng với tổng dư nợ đạt 538.168 tỷ đồng. Nhờ vậy, DN đã giảm được chi phí sản xuất nhờ việc giảm chi phí vay vốn tín dụng (lãi suất vay vốn giảm); giảm bớt áp lực trả nợ vay nhờ việc cơ cấu lại nợ (điều chỉnh kỳ hạn nợ; gia hạn nợ). Cùng với đó, thông qua việc tiếp tục cho vay vốn mới với lãi suất thấp, những chính sách nêu trên đã hỗ trợ DN duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) vượt qua khó khăn.

Cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN còn tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao năng lực, khả năng chống đỡ khủng hoảng. Khác với những giai đoạn trước đây, trong năm 2020, dù nền kinh tế nói chung gặp khó khăn nhưng hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ về cơ bản vẫn ổn định và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Hoạt động sản xuất - kinh doanh mặc dù tăng trưởng chậm và thấp, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, một số hoạt động dịch vụ có xu hướng tăng trưởng tốt. Thực hiện giãn cách xã hội, người dân, DN đã và đang sử dụng phổ biến hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho sinh hoạt tiêu dùng và đi lại.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý

Những kết quả đạt được trong quá trình điều hành, thực hiện cơ chế, chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2020 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý. Trước hết là bài học về chính sách trúng, đúng và kịp thời. Chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN trong năm 2020 đã đạt được mục tiêu và phát huy hiệu quả nhờ được triển khai linh hoạt và kịp thời khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều DN đang gặp khó khăn đã phục hồi, có tiền trả nợ ngân hàng và tăng trưởng. Đây là bài học kinh nghiệm lớn đối với công tác quản lý, xây dựng, triển khai và thực thi chính sách; luôn còn nguyên giá trị trong mỗi thời kỳ khi nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng, thiên tai và dịch bệnh.

Cùng với đó là bài học về công tác tổ chức triển khai thực hiện; chế độ báo cáo và công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Trong đó, có việc tổ chức và thực hiện các giải pháp, hành động cụ thể như: Phối hợp sở, ngành, quận, huyện nắm bắt nhu cầu, phản ánh kịp thời từ phía DN, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, để tháo gỡ và giải quyết nhu cầu vốn tín dụng; thực hiện đối thoại với DN và chương trình kết nối ngân hàng - DN... đã tạo điều kiện đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống có hiệu quả. Một số TCTD đã ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01 kết hợp làm tốt công tác truyền thông đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện thông tư này và hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là các ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch như du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn.

Tiếp đó là bài học về ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng - cơ sở vững chắc bảo đảm cho sự duy trì, phục hồi và tăng trưởng kinh tế - nhờ việc tăng khả năng chịu đựng của các TCTD trước tác động nghiêm trọng của đại dịch. Đồng thời, khai thác tốt sức mạnh xã hội, cộng đồng kinh tế, tinh thần trách nhiệm và sự chia sẻ nhằm phát huy hiệu quả mối quan hệ đồng hành và cộng sinh giữa ngân hàng và DN.

NGUYỄN ĐỨC LỆNH