Thị trường lao dốc, F0 hò nhau tháo chạy, giới đầu tư dè dặt viễn cảnh

Ảnh minh họa

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP.HCM và thông tin thắt chặt các dịch vụ không thiết yếu tại Hà Nội từ 0h ngày 13/7 khiến cung giá thấp tiếp tục kích hoạt trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tuần. VN-Index ghi nhận mức thấp nhất trong phiên tại 1.270 điểm. Lực cầu được kích hoạt về cuối phiến giúp chỉ số thu hẹp đà giảm và đóng cửa tại 1.296,3 điểm, giảm 50,84 điểm (3,77%).

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường với 317 mã giảm, vượt trội so với 40 mã tăng. Tuy nhiên vẫn xuất hiện những mã cổ phiếu nỗ lực đi ngược xu thế chung, đáng chú ý là các mã thuộc ngành bán lẻ như MWG tăng 0,1%, MWG, FRT đóng cửa cũng tăng tốt 3,6%, MSN tăng 2,6%.

Nhóm dầu khí chứng kiến PVD và PVS giao dịch khởi sắc trở lại sau chuỗi ngày giao dịch thận trọng, lần lượt tăng giá 2,7% và 3,8%. Một số cổ phiếu khác vẫn đóng cửa tăng giá trong phiên đầu tuần, có thể kể đến như NVL (1,5%), VJC (0,9%), PVT (0,9%),…

Đáng chú ý, thanh khoản bùng nổ trong phiên đầu tuần, khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt 912,7 triệu đơn vị, tăng mạnh 27,8% so với phiên gần nhất và tăng 33,7% so với mức bình quân 20 phiên. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE ghi nhận ở mức cao với 31,6 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại tích cực mua ròng gần 1,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Anh H.T.L, một nhà đầu tư chứng khoán cho rằng, việc VN-Index mất 77 điểm trong phiên hôm qua và kịp hồi lại chỉ giảm hơn 50 điểm cuối phiên, xét về con số tuyệt đối là lớn, nhưng xét về phần trăm thì chưa hẳn. Thậm chí mức giảm cuối phiên 12/7 còn thấp hơn mức giảm cuối phiên 6/7, tức mới chỉ thứ 3 tuần trước. Nhưng có vẻ như nhà đầu tư bắt đầu bắt đáy khi giá trị giao dịch trên cả 3 sàn lên đến 37.877 tỷ đồng, cao hơn 30% so với bình quân giao dịch 10 phiên trước đó.

Chị Hồng Minh, một nhà đầu tư F0 nói: “Phần lớn các nhà đầu tư F0 đang hoang mang dẫn đến việc dẫm đạp lên nhau tháo chạy, điều này chỉ có lợi cho những “cá mập” đang thao túng thị trường. Do vậy, các nhà đầu tư F0 nên bình tĩnh, không nên bán khi thị trường đang đi xuống, nhưng cũng không vội mua mà hãy ngồi im quan sát”.

Phiên giao dịch hôm qua (12/7), thị trường chứng khoán chứng kiến sự biến động mạnh của VN-Index.

Trên một diễn đàn về chứng khoán, nhà đầu tư T.H.N.N đặt câu hỏi: “Tại sao cứ mãi để “cá mập” làm chủ thị trường? Như thế này không còn là chứng khoán nữa mà là cờ bạc. Nhà cái giàu lại càng giàu, cá con cả đời không ngóc lên được”.

Trong khi đó, nhà đầu tư G.C.L cho rằng mỗi nhà đầu tư nên tự đặt câu hỏi và tự trả lời trước khi quyết định mua vào. “Giá cổ phiếu 1 năm qua đã tăng như thế nào? Tăng vì điều gì? Vậy khi giảm sẽ vì điều gì? Đều có lý do của nó? Vậy lý do của nó tăng điên loạn vì điều gì thì giảm cũng sẽ là tác động bởi điều đó mà thôi. Nên cũng đừng ngạc nhiên để rồi đi tìm đủ mọi lý do khi thị trường đảo chiều”, anh G.C.L nói.

Nhận định về thị trường trong những phiên tới, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ xuất hiện các phiên hồi phục đi kèm với khối lượng giao dịch sụt giảm trong các phiên giao dịch sắp tới. Trong trường hợp đợt hồi phục này giúp chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự 1.337 thì nhiều khả năng chỉ số sẽ quay trở lại xu hướng tăng sau đó.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SHS cho biết, thông thường sau những nhịp giảm mạnh, thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại là không thực sự tốt do sóng tăng 5 đã kết thúc và sóng điều chỉnh a vẫn chưa đạt đến mục tiêu quanh 1.210 điểm. Do đó, diễn biến giằng co và rung lắc trong phiên tiếp theo (13/7) được đánh giá cao hơn.

“Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 13/7, thị trường có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.260-1.300 điểm (fibonacci retracement 31,8% sóng tăng 5 - ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy một phần nhỏ tỷ trọng quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm trong phiên hôm qua nên tiếp tục theo dõi và có thể gia tăng tỷ trọng nếu VN-Index điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.260 điểm”, SHS nhận định.

Cùng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán BVSC kỳ vọng thị trường sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật tại vùng 1.240-1.280 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Trong kịch bản hồi phục (nếu có), chỉ số sẽ thử thách vùng 1.333 - 1.349 điểm. Mặc dù vậy, xu hướng ngắn hạn của thị trường đang có phần tiêu cực khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang chịu áp lực chốt lời mạnh và đã xuyên phá các vùng hỗ trợ ngắn hạn.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp hơn 30% cổ phiếu. Các nhà đầu tư đang có vị thế cổ phiếu cao trên 50-60%, đặc biệt đang sử dụng margin cần quyết liệt bán đưa trạng thái tài khoản về mức an toàn. Đối với các nhà đầu tư đang có vị thế tiền mặt lớn, có thể xem xét mở vị thế mua tỷ trọng thấp tại vùng hỗ trợ 1.240-1.280 điểm.

Hiền Anh