Thi môn Lịch sử sẽ giúp học sinh yêu thích lịch sử hơn

Với chương trình ôn tập bài bản tại trường học, các em học sinh sẽ giảm bớt mối lo với môn thi Lịch sử (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị)

Ngày 12/3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 tại Hà Nội là môn Lịch sử. Đây là năm thứ hai Hà Nội áp dụng thi bốn môn để tuyển sinh vào lớp 10, kể từ năm 2019. Riêng năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội bỏ môn thi thứ tư do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mặc dù khá bất ngờ khi môn Lịch sử là môn được chọn là môn thi thứ tư của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của liên tiếp hai năm học 2019-2020 và 2021-2022 song đa số phụ huynh học sinh, học sinh và giáo viên đều đồng tình trước quyết định này cho rằng chọn thi môn lịch sử là phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Hồng Vũ – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Đối với giáo viên dạy môn Lịch sử và học sinh của quận Tây Hồ, việc Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn môn Lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 THPT không phải là bất ngờ và không gặp khó khăn gì trong việc ôn tập. Bởi trong nhiều năm gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đã duy trì hình thức thi môn thứ tư bằng bốc thăm ngẫu nhiên. Môn Lịch sử cũng đã được thi lặp lại nhiều lần. Do vậy, giáo viên và học sinh luôn sẵn sàng chuẩn bị tâm thế từ đầu năm học. “Việc tiếp tục chọn môn Lịch sử làm môn thi cũng là động thái hướng học sinh đến việc học đều ở các môn học khi học sinh đang ngày càng có xu hướng rời xa môn học xã hội, chỉ chú trọng học các môn tự nhiên”, ông Lê Hồng Vũ nói.

Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thuộc trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn môn Lịch sử là rất phù hợp về thời gian học tập và nội dung chương trình học của học sinh. Sự phù hợp còn thể hiện ở chỗ, so với các môn học còn lại, môn Lịch sử có phông kiến thức khá rộng, liên kết với môn khác như Địa lý, Giáo dục công dân... Không chỉ vậy, từ nay đến Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022, học sinh còn hơn 2,5 tháng để học và ôn thi môn Lịch sử. Cho nên các em sẽ yêu thích lịch sử hơn và có trách nhiệm với xã hội hơn. “Hiện nay môn Lịch sử được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, lại có các tài liệu tham khảo, tài liệu học nâng cao rất tốt. Chứ không phải bắt buộc học sinh học thuộc về năm, tháng xảy ra sự kiện, bắn chết bao nhiêu, bị thương bao nhiêu người”, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu cho biết.

PGS.TS Sử học Nguyễn Quang Liệu , Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Ảnh: KL)

Theo cô Nguyễn Bạch Loan – Hiệu trưởng trường THCS Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), đa số học sinh, phụ huynh học sinh và cả giáo viên Lịch sử khá bất ngờ khi môn Lịch sử được chọn là môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 bởi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lựa chọn môn Lịch sử là môn thi thứ tư. Tuy nhiên đa số phụ huynh học sinh, học sinh và giáo viên đều đồng tình trước quyết định chọn môn thi thứ tư trong kì thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 và cho rằng chọn thi môn Lịch sử là phù hợp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc học của học sinh bị gián đoạn một số thời gian nên lựa chọn thi môn Lịch sử là rất phù hợp về thời gian học tập và nội dung chương trình của môn học. Bên cạnh đó, kể từ khi công bố môn thi thứ tư cho đến kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 học sinh còn 2,5 tháng để học và ôn tập, các em sẽ tập trung hơn và có cơ hội yêu thích môn Lịch sử hơn, nhất là Lịch sử Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Bạch Loan cũng cho biết thêm, môn Lịch sử đã được chuẩn bị ngân hàng đề phong phú có hiệu chỉnh từ năm 2019, có rất nhiều bộ sách ôn thi tham khảo. Đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử đa số tâm huyết, yêu nghề đã có kinh nghiệm dạy và ôn thi của kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019-2020. Kết quả môn Lịch sử thi vào lớp 10 THPT năm 2019-2020 có điểm rất cao, nhiều điểm 9, 10… đa số học sinh và phụ huynh học sinh hài lòng. Chính vì vậy, các học sinh có thể hoàn toàn yên tâm ôn tập môn Lịch sử để đạt được kết quả cao nhất.

Cũng như nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 THPT, anh Nguyễn Văn Việt (Thanh Xuân, Hà Nội) lại tỏ ra rất bất ngờ và lo lắng khi biết môn thi thứ tư của kỳ tuyển sinh năm nay là Lịch sử. Anh tâm sự, khi nghe thông tin này bản thân tôi và con trai tôi vô cùng hoang mang bởi không nghĩ trong hai kỳ tuyển sinh liên tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đều chọn môn Lịch sử là môn thi thứ tư. Đối với các cháu, Lịch sử là một môn học khó, nhiều số liệu, danh xưng, địa danh... khá là phức tạp, khó học thuộc. Tuy nhiên, là bậc phụ huynh tôi luôn động viên con chăm chỉ ôn tập, tham khảo tài liệu và các bài tập trắc nghiệm để đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới.

Trở lại kỳ thi năm học 2019-2020, nhằm giúp các thí sinh thi môn Lịch sử đạt kết quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng hệ thống ôn thi trực tuyến trên phần mềm Study giúp học sinh ôn tập thuận lợi, rèn kĩ năng và nắm chắc kiến thức của các đề thi thử và cấu trúc ra đề của Sở. Với hình thức này, nhiều học sinh đã đạt điểm thi môn Lịch sử rất cao, trong đó có rất nhiều điểm 9, 10. Và đây cũng là một trong những lợi thế để các thí sinh năm nay vận dụng một cách hiệu quả vào kỳ thi tuyển sinh sắp tới

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Lê Hồng Vũ – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cho biết thêm, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020, môn Lịch sử đã từng được thi nên giáo viên Lịch sử đã có nhiều kinh nghiệm, phương pháp, đã có sẵn tài liệu tham khảo, bài tập trắc nghiệm để ôn luyện cho học sinh. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cung cấp phần mềm luyện thi trắc nghiệm trực tuyến để các em học sinh thường xuyên được luyện tập trên phần mềm nên rất tiện lợi trong quá trình ôn tập. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã công bố mức độ ra đề đối với môn Lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở mức độ vận dụng và được thi dưới hình thức trắc nghiệm 100%. Do vậy, khác với trước đây học sinh không cần mất quá nhiều thời gian để học thuộc lòng và ghi nhớ quá chi tiết các sự kiện, số liệu. Học sinh chỉ cần hiểu bản chất của vấn đề, nắm được các kiến thức cơ bản nhất là có thể hoàn thành tốt bài thi.

Trao đổi với báo chí về việc vì sao môn Lịch sử được lựa chọn là môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngoài 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ được ấn định từ trước, môn Lịch sử là môn thi thứ tư được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn theo phương thức bốc thăm ngẫu nhiên. Môn Lịch sử trong kỳ thi năm nay vẫn được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian 60 phút, như môn Ngoại ngữ. Đề thi bám sát kiến thức cơ bản của chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9 và nằm trong phần kiến thức đã giảm tải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định./.

Khánh Lan