Thêm nguồn lực để làm nhà ở xã hội cho công nhân

Nhu cầu lớn

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của công chức, viên chức, công đoàn viên, người lao động nhiều năm qua là vấn đề nhà ở. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cho thấy, vấn đề nhà ở là một trong những vấn đề quan trọng để công nhân, người lao động gắn bó với công ty, xí nghiệp, với nơi mình đang làm việc.

Ngoài ra, nhà ở thiếu thốn, chật chội, không bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt, khiến cho công nhân gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc con cái, cũng như tái tạo lại sức lao động sau ca làm việc vất vả.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Như Ý

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công đoàn viên là rất lớn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung nên cần huy động mọi lực lượng xã hội tham gia làm nhà cho đối tượng này.

Trước thực tế trên, từ năm 2020, Tổng Liên đoàn đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Mở ra cơ hội mới

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, khi thảo luận dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nhiều đại biểu cho rằng, việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là một quy định với mục đích rất nhân văn, vừa góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.

Theo các đại biểu, đây là nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, đem lại nhiều tác động tích cực cho công nhân, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt của người lao động; đặc biệt là góp phần hỗ trợ công nhân có thu nhập thấp, chưa có điều kiện để mua nhà ở hay công nhân mới đến sinh sống, làm việc tại khu công nghiệp.

Nhu cầu nhà ở của công nhân, người lao động là rất lớn.

Với sự đồng thuận cao của các đại biểu, ngày 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trong đó có Điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Điều 80 cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Để có cơ sở triển khai đồng bộ quy định này, các điều có liên quan của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Khoản 4 Điều 80 quy định nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là nguồn tài chính công đoàn;

Theo các đại biểu Quốc hội quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thúy, quê ở Nam Định đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) bày tỏ vui mừng với quyết định trên của Quốc hội.

Theo chị Thúy, thời gian qua, chị cũng tìm nhiều cách để mua hoặc thuê nhà ở xã hội để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho con cái. Tuy nhiên, do mức giá bán và cho thuê cao, trong khi đồng lương hạn hẹp nên gia đình không thể thực hiện được.

“Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở xã hội sẽ giúp chúng tôi có thêm hy vọng về việc được thuê những căn nhà rộng rãi, với mức giá phải chăng để bảo đảm điều kiện sống, cũng như điều kiện ăn ở, học hành của con cái”, chị Thúy nói.

Văn Kiên