Thay đổi nhân sự lãnh đạo tình báo ở một số nước

Xin trân trọng giới thiệu một số thay đổi cán bộ lãnh đạo tình báo ở các nước Lan, Pháp, Romania và Hàn Quốc.

Bị bắt ngay tại dinh tổng thống

Cách đây không lâu, một vụ bê bối lớn đã xảy ra ở Ba Lan. Tại thủ đô Warsaw, các cơ quan thực thi pháp luật đã bắt giữ cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mariusz Kaminski và thứ trưởng Maciej Wasik ngay tại dinh tổng thống. Trong khi đó, theo tuyên bố của chính quyền Duda, nguyên thủ quốc gia thậm chí không được thông báo về sự kiện này.

Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng ngay trước buổi chiêu đãi nhân dịp bổ nhiệm các cố vấn của Tổng thống, trong khi chủ nhân của dinh thự không có mặt. Lệnh bắt giữ do Thủ tướng mới của Ba Lan đưa ra. Đồng thời, hành động táo bạo của cảnh sát đã gây ra làn sóng phản đối, thậm chí biểu tình ở trung tâm thủ đô.

Cấp dưới của Mariusz Kaminski, các cựu nhân viên Bộ Nội vụ, yêu cầu trả tự do cho thủ trưởng cũ của mình. Nhưng trước hết, vụ bê bối tháng Giêng năm nay đang bị các thành viên của đảng “Luật pháp và Công lý” thổi phồng, phó chủ tịch của đảng này hiện là Mariusz Kaminski.

Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski.

Các dân biểu thuộc đảng “Luật pháp và Công lý” cầm quyền trước đây đã làm ầm ĩ lên tại Hạ viện. Họ gọi vụ bắt giữ là một đòn giáng vào phẩm giá của người Ba Lan. Bản thân Tổng thống Andrzej Duda cũng không đứng ngoài cuộc: “Tôi không yên tâm khi Kaminski và các cộng sự của ông chưa được trả tự do” - ông nói.

Trở lại năm 2007, khi Kaminski đứng đầu Cục Chống tham nhũng Trung ương, cơ quan của ông đã phát hiện ra một vụ tham nhũng lớn trong chính phủ do Thủ tướng Donald Tusk đứng đầu.

Tuy nhiên, một vụ án hình sự đã được khởi tố buộc tội Mariusz Kaminski và Maciej Wasik tổ chức nghe lén bất hợp pháp. Năm 2015, Mariusz Kaminski và Maciej Wasik lĩnh án 3 năm tù. Cả hai bị kết tội không chỉ nghe lén trái phép mà còn gian lận đất đai và tham nhũng. Cùng năm, Tổng thống Andrzej Duda đã ân xá cho họ. Nhưng tháng 12 năm ngoái, tòa án tỉnh Warsaw đã hủy lệnh ân xá và đưa ra bản án mới là 2 năm tù. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Mariusz Kaminski gọi mình là nạn nhân của sự trả thù chính trị và tuyên bố tuyệt thực.

Không lâu trước vụ bắt giữ tai tiếng các cựu quan chức an ninh tại dinh Tổng thống, một ủy ban của quốc hội đã chấp thuận yêu cầu của tân Thủ tướng Donald Tusk cách chức những người đứng đầu tất cả các cơ quan tình báo Ba Lan. Đó là: Krzysztof Waclawek, lãnh đạo Cơ quan An ninh Nội địa; Andrzej Strozny, lãnh đạo Cục chống tham nhũng Trung ương; Marek Lapinski, lãnh đạo Cục Tình báo Quân đội; Maciej Szpanowski, lãnh đạo Cục Phản gián Quân đội; và Bartosz Jarmuszkiewicz, lãnh đạo Cục Tình báo. Thay vào vị trí của họ, rõ ràng, là những nhân vật thân phương Tây được bổ nhiệm.

Chẳng hạn, nữ Đại tá Dorota Kawiecka trở thành Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội (SWW). Đáng chú ý, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Ba Lan đứng đầu cơ quan tình báo. Trước đây, bà từng là tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Ba Lan ở Anh. Tướng Jaroslav Strozik trở thành người đứng đầu Cục Phản gián Quân đội (SKW). Ông nguyên là Phó Giám đốc Cục Tình báo thuộc Bộ chỉ huy Quân sự Quốc tế NATO, còn trước đó là tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Ba Lan ở Mỹ. Có quan hệ rất chặt chẽ với CIA và FBI.

Ngoài tình báo quân đội và phản gián, sẽ xuất hiện những người lãnh đạo mới của Cục chống tham nhũng Trung ương (CBA), Cơ quan An ninh Nội bộ (AWB) và Cục Tình báo (AW) - đó là Agnieszka Kwiatkowska-Gurdak, Rafal Syrysko và Pawel Szota, tương ứng.

Việc thay đổi cán bộ lãnh đạo khiến các cơ quan tình báo Ba Lan lâm vào tình thế khó khăn. Sự thiếu hụt cán bộ trở nên hết sức trầm trọng.

Tân Cục trưởng Cục Tình báo Quân đội Ba Lan Dorota Kawiecka.

Thời phụ nữ lên ngôi

Những thay đổi nhân sự lớn diễn ra cả ở ban lãnh đạo các cơ quan tình báo Pháp. Ví dụ, Tổng cục An ninh Nội địa Pháp (phản gián) lần đầu tiên trong lịch sử nước này do bà Celine Berton, một phụ nữ lãnh đạo. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin viết: “Từ hôm nay, bà Celine Burton là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nội địa”. Theo ông Bộ trưởng, Burton là một cán bộ rất giàu kinh nghiệm và có năng lực, còn sự trung thành của bà thì “vô hạn”.

Burton tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Quốc gia. Bà từng lãnh đạo công đoàn cảnh sát, sau đó trải qua các chức vụ trong ngành cảnh sát quốc gia. Bà được tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Năm nay 47 tuổi, bà chịu trách nhiệm về đấu tranh chống khủng bố và phản gián.

Bố bà là sĩ quan tình báo, còn mẹ bà làm việc trong khu vực tư nhân. Theo Bộ trưởng Darmanen, những năm mới vào ngành cảnh sát, người phụ nữ này làm thanh tra viên, năm 2005, bà chuyển sang phục vụ ở Tổng cục An ninh xã hội (DCSP). Hiện nay dưới trướng bà có 65.000 cảnh sát và tất cả các đồn cảnh sát Pháp.

Một số nhà báo ở phương Tây mệnh danh người đứng đầu cơ quan phản gián của Pháp là “Jeanned'Arc mới”. Tuy nhiên, cũng có người so sánh bà với cựu giám đốc CIA Gina Haspel, người phụ nữ Mỹ đầu tiên phụ trách Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Gina Haspel được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá rất cao. Ví dụ, cựu Giám đốc CIA Pompeo khẳng định rằng Gina Haspel “có nhiều kinh nghiệm hoạt động tình báo ở nước ngoài”. Đồng thời, bà là “một chuyên gia tình báo gương mẫu và người yêu nước chân chính” với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho CIA. Theo ông Pompeo, bà Haspel cũng được đánh giá là một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, có khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả, cũng như truyền cảm hứng cho mọi người. Không phải ngẫu nhiên mà bà được trao tặng nhiều giải thưởng nhà nước Mỹ và huy chương “Vì những đóng góp trong ngành tình báo”.

Gina Haspel nhận bằng cử nhân “ngôn ngữ và báo chí”, nhưng chưa hề viết một bài báo nào thậm chí cho tờ báo của trường đại học. Bù lại, bà giỏi tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đã làm việc ở nước ngoài dưới vỏ bọc báo chí hơn 30 năm.

Gina Haspel được đánh giá cao ở Langley. “Bà ấy là một người rất có năng lực, thông minh, giàu kinh nghiệm và được tôn trọng ở CIA”, - cựu Giám đốc Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ James Clapper nhận xét.

“Bà ấy là tiến sĩ khoa học về FSB, SVR và GRU” - Dan Hoffman, cựu nhân viên CIA ở Moscow, người từng nhiều năm làm việc với Haspel nói. - Điều đó bảo đảm uy tín của bà trong các cơ quan chúng tôi và trong quan hệ với các đối tác nước ngoài của chúng tôi”.

Người ta nói rằng Celine Berton, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu cơ quan phản gián Pháp, học tập và bắt chước Gina Haspel thậm chí trong cả những điều vặt vãnh. Gần đây, bà đã tiếp quản văn phòng chính tại trụ sở cơ quan phản gián Pháp, nằm trên Đại lộ Stalingrad trong tòa nhà Malakoff (được đặt theo tên ngọn đồi Malakhov ở ngoại ô Sevastopol).

Tân Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Nội địa Pháp Celie Borton.

Những vụ bổ nhiệm và cách chức tai tiếng

Việc nữ hóa các cơ quan tình báo không chỉ đặc trưng đối với Ba Lan và Pháp. Ngay cả cũng sử dụng triệt để các nữ điệp viên. Xin đơn cử trường hợp sau đây.

Mới đây, ông Ilan Shor, doanh nhân kiêm chính trị gia đối lập của tuyên bố: “Cần phải tiến hành một cuộc điều tra về việc bổ nhiệm nữ công dân Romania, cựu Chủ tịch Thượng viện Romania Anca Dragu, giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Moldova”.

Ông nhấn mạnh rằng Dragu là nhân viên của cơ quan tình báo Romania và “thật khó tưởng tượng, ở một quốc gia dân chủ, một điệp viên nước ngoài lại đứng đầu ngân hàng Nhà nước!”, - Shor phẫn nộ.

Chính trị gia kêu gọi ngay lập tức điều tra vụ việc này, cũng như “sự xâm nhập của các công dân Romania vào tất cả các cơ quan quyền lực”. Shor lấy làm tiếc khi đảng “Hành động và Đoàn kết” (PAS) cầm quyền ở Moldova, không hành động vì lợi ích của nhân dân Moldova. Hơn nữa, như truyền thông đưa tin, đảng này cũng có nhiều người mang quốc tịch Romania.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng Tổng thống Moldova Maia Sandu, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch đảng “Hành động và Đoàn kết” Igor Grosu, Thủ tướng Dorin Recean, một số bộ trưởng và dân biểu thuộc đảng “Hành động và Đoàn kết” mang hai quốc tịch.

Truyền thông Romania trước đó đưa tin, tân Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Moldova, Dragu, là sĩ quan cao cấp của Cục Tình báo Đối ngoại Romania.

Nhìn sang phía đông, mới đây, ở Hàn Quốc, các cuộc tranh cãi tai tiếng giữa những người đứng đầu cơ quan tình báo của đất nước khiến họ bị sa thải.

Báo chí Seoul đưa những dòng tít giật gân: “Tình báo Hàn Quốc bị chặt đầu: Tổng thống sa thải các quan chức lắm lời”. Thật vậy, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã sa thải ba quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS). Đó là giám đốc Kim Kyou-hyun và các phó giám đốc Kwon Chun Thaek, người đứng đầu Cơ quan tình báo đối ngoại, và Kim Su Yong, người đứng đầu Cục 2, chuyên về Bắc Triều Tiên.

Trước đó, các phương tiện truyền thông địa phương nhiều lần viết về mâu thuẫn giữa giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và phó giám đốc thứ nhất Kwon Chun Thaek. Các cuộc tranh cãi nảy sinh do bất đồng về nhân sự. Theo các nhà báo, một nhân vật có ảnh hưởng khác, một trong những trợ lý của cấp phó thứ nhất, đã can thiệp vào vấn đề nhân sự, điều này khiến giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia rất khó chịu.

Kết quả là, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cả hai quan chức tình báo đến và khiển trách từng người. Tuy nhiên, rất có thể, sự khiển trách không giúp ích gì và các cuộc tranh cãi lại tiếp tục. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia thậm chí đã mở một cuộc điều tra trong nội bộ cơ quan chống lại phó giám đốc thứ nhất liên quan đến các cuộc gặp đáng ngờ của ông ta với các đại diện doanh nghiệp. Đến lượt mình, phó giám đốc lại tung tin đồn về việc giám đốc sắp từ chức. Cuối cùng, Tổng thống đã sa thải cả hai người, và sa thải luôn phó giám đốc thứ hai.

Mới đây, Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Dae-ki, cho biết, cố vấn An ninh quốc gia Cho Tae-yong đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia, thay ông Kim Kyou-hyun bị cách chức tháng trước.

Anh Duy