Thắp lửa cho gốm cổ Phù Lãng

Làng gốm 700 năm

Làng gốm cổ Phù Lãng có lịch sử hơn 700 năm tuổi. Dù đã không ít lần về làng, nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi sắc vàng óng da lươn của gốm, được phơi, bày dọc con sông Cầu nên trông chúng càng mộc mạc, bình dị mà tinh tế hơn bao giờ.

Sắc vàng óng da lươn của gốm Phù Lãng được nhiều người yêu thích

Ngày xưa, cả làng tôi nhà nào cũng có vài món đồ gia dụng bằng gốm như vại, ấm, nồi, chum, lọ. Nhà nào sang trọng chơi hoa cây cảnh thì còn có thêm chậu hoa, đôn cảnh, tranh trang trí... Đây cũng là những sản phẩm nổi tiếng của làng Phù Lãng một thời.

Đất để làm gốm Phù Lãng được lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Theo các nghệ nhân trong làng, đây là nơi chất đất có độ dẻo cao. Đất chuyển về được phơi cho bạc màu rồi đem trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi cho vào nước, sau đó xéo tròn, nề đất, lọc sạn, phá cho tới khi đất nhuyễn mịn. Bởi thế, gốm Phù Lãng có nét đặc sắc riêng, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn.

Chất liệu làm men tráng của gốm cũng mộc mạc, đó là: Tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này sau khi sơ chế thì trộn đều với nhau theo tỷ lệ, rồi pha thành dạng chất lỏng sền sệt. Khi sản phẩm đã se mặt, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài một lớp mỏng hỗn hợp, sau đó đem phơi khô mới đưa vào lò nung. Cho nên màu men gốm Phù Lãng tự nhiên, bền và lạ, được người tiêu dùng từ Bắc vào Nam rất thích.

Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao ngày ấy, hôm nào làng tôi cũng có đôi ba chiếc xe đạp chở đầy 2 sọt gốm chồng chất vào bán mà cũng hết. Họa hoằn mới thừa 1, 2 cái chum, các cô gửi lại ở sân kho hợp tác xã để mai mang hàng mới xuống rồi bán tiếp.

Thế nhưng, từ năm 1987 - 1992, những chiếc xe chở đầy gốm vơi dần, và tôi nhận ra, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, gốm Phù Lãng rơi vào thăng trầm, do phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng.

Dù vậy, người Phù Lãng vẫn nỗ lực duy trì nghề của làng và tìm đường ra cho nó. Cuối cùng, họ đã tìm được hướng đi mới, đó là gốm mỹ nghệ, với đầy đủ các loại hình, kiểu dáng và hoa văn trang trí phong phú, đa dạng.

Những người đi tiên phong cho dòng gốm mỹ nghệ này có thể kể đến như Vũ Hữu Nhung, Nguyễn Minh Ngọc… Họ là lớp thanh niên mới của làng Phù Lãng được học hành bài bản, nên đã biết cách tạo ra dòng sản phẩm khác biệt với cha ông, đó là gốm mỹ thuật hoặc định danh theo cách khác là gốm trang trí nội thất.

Sản phẩm gốm của cơ sở gốm Ngọc

Theo anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc: Trước kia các sản phẩm từ gốm rất thô sơ nên không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân. Nhờ nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, từ năm 2002, gia đình anh thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày. Hiện nay, cơ sở của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như đèn, bình hoa, đôn, phù điêu… Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành.

Thêm cơ hội ra thế giới

Gốm Phù Lãng với những tinh hoa tự có, cộng với với tình yêu nghề của cha ông, sự nhọc công của những người thợ… đã dần lấy lại được chỗ đứng trong làng gốm Việt. Ước mơ của người dân gốm Phù Lãng là đưa được một nét văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm gốm của làng ra với bạn bè thế giới.

Dần hiện thực hóa ước vọng này, mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài "Phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh". Cung cấp viện trợ cho dự án là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), UBND huyện Quế Võ là chủ dự án.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, mục tiêu của dự án là hỗ trợ, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật làm gốm bằng phương pháp, kỹ thuật Nhật Bản, nhằm tạo ra các sản phẩm gốm tiêu chuẩn, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp; bảo tồn và phát triển nghề làm gốm cho những thế hệ sau và phát triển kinh tế địa phương; đồng thời, quảng bá các sản phẩm gốm Phù Lãng ra thế giới và xây dựng kế hoạch phát triển nghề làm gốm Phù Lãng trong tương lai; kế hoạch hợp tác với phía Nhật Bản, nhất là tăng cường giao lưu văn hóa - kinh tế giữa tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Fukuoka (Nhật Bản).

Thời gian dự kiến thực hiện dự án 3 năm, kể từ khi được UBND tỉnh phê duyệt. Trong tổng số nguồn vốn hỗ trợ hơn 16,7 tỷ đồng, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại hơn 13,6 tỷ đồng do JICA tài trợ và ủy thác cho Công ty TNHH Onimaru Setsuzan Kamamoto (Nhật Bản) trực tiếp quản lý, thực hiện. Vốn đối ứng hơn 3,08 tỷ đồng từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế ngân sách cấp tỉnh, do chủ dự án quản lý, thực hiện.

UBND tỉnh Bắc Ninh giao UBND huyện Quế Võ phối hợp với JICA, Công ty TNHH Onimaru Setsuzan Kamamoto, Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan có liên quan của Việt Nam thực hiện đúng những nội dung dự án đã được cam kết và phê duyệt.

Gốm mỹ nghệ của làng nghề Phù Lãng

Chuyên gia nhận định, gốm Phù lãng không chỉ nổi tiếng ở Bắc Ninh mà còn trong cả nước, nhưng cũng giống như nhiều làng nghề khác, với trình độ công nghệ ngày càng phát triển khiến các sản phẩm thủ công làng nghề ngày càng trở nên khó khăn hơn trong cạnh tranh. Do vậy, việc hợp tác với các tổ chức uy tín của nước ngoài sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa.

Gốm Phù Lãng luôn mang một màu trầm ngâm nguyên thủy, luôn như đứng ở một cõi riêng bên ngoài cuộc sống hiện đại; không chỉ kén khách, mà còn kén cả người sáng tạo.

Thanh Tâm