Thành phố Hồ Chí Minh: Minh bạch thông tin để ngăn 'sốt' giá đất

Một dự án đất nền tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.

“Sốt” đất, hệ lụy lớn

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới tại huyện Hóc Môn, một số khu vực đất ở chưa có hạ tầng kỹ thuật được người môi giới bất động sản (“cò” đất) báo giá 38-40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, đất trồng cây lâu năm cũng được giới đầu nậu “hét” giá lên tới 35 triệu đồng/m2.

Anh Phan Đình Thành, làm nghề buôn bán nhà đất tự do ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) cho biết, anh vừa giới thiệu khách mua một thửa đất với mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm tại xã Bình Hưng với giá gần 40 triệu đồng/m2. “Chỉ khoảng một tuần sau, chính người khách đó nhờ tôi bán lại thửa đất anh ta vừa mua với mức giá 45 triệu đồng/m2. Nếu bán thành công, với diện tích 100m2, anh ta sẽ lãi ngay 500 triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn”, anh Phan Đình Thành chia sẻ.

Lý giải về nguyên nhân “sốt” đất, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư LDG (chuyên đầu tư và phát triển các dự án bất động sản) Nguyễn Minh Khang, thời gian trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân ngại đầu tư nên nắm giữ tiền mặt nhiều, khi dịch được kiểm soát, dòng tiền dễ “chảy” vào bất động sản. Những khu vực xảy ra “sốt” giá đất tại thành phố Hồ Chí Minh có tới 80% nguồn hàng là bị “thổi” giá.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa Trần Khánh Quang cho hay, hiện một số nơi, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, giá đất bị chi phối bởi hành vi và tâm lý của các đối tượng mua bán, khiến thị trường bất động sản không theo quy luật cung, cầu.

Về hệ lụy của hiện tượng “sốt” giá đất, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, giá đất tại một số địa phương bị đẩy lên cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó cho thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Dẫn thực trạng tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam, có kinh doanh về bất động sản) cho biết, giá nhà đất tại đây đang bị đẩy lên cao, tạo cơ hội cho đầu cơ tích trữ. Nếu không có sự ngăn chặn, hoạt động "thổi giá" này có thể làm chậm lại, hoặc gây khó khăn cho quá trình xây dựng thành phố Thủ Đức bởi nhà đầu tư sẽ chật vật hơn trong phát triển quỹ đất; người dân thêm gánh nặng tài chính khi có nhu cầu mua để ở.

Minh bạch thông tin

Để giảm nhiệt tăng giá đất, theo JLL Việt Nam, điều quan trọng nhất chính là các nhà đầu tư, người sở hữu và các công ty bất động sản phải chia sẻ trách nhiệm để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, để kiểm soát hiện tượng “sốt” giá đất, cần thống nhất cơ chế định giá đất. Về lâu dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành, thay vào đó nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành với cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản. Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đang kiểm soát tín dụng chặt chẽ, tránh nguy cơ nợ xấu. Quản lý tín dụng nói chung, tín dụng cho bất động sản nói riêng đang được thực hiện nghiêm ngặt, qua đó kiểm soát rủi ro đối với thị trường bất động sản.

Để ngăn chặn “sốt” giá đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở. Theo ông Lê Hoàng Châu, các công cụ trên vừa tạo ra nguồn thu rất quan trọng cho ngân sách nhà nước, vừa giúp điều tiết thị trường bất động sản, kể cả trong tình huống thị trường bị đầu cơ, đẩy giá. Ngoài ra, Nhà nước cần chủ động tăng, giảm nguồn cung đất đai trên thị trường sơ cấp để điều tiết cung, cầu.

Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Dư Huy Quang cho biết, giải pháp căn cơ nhất là minh bạch thông tin liên quan đến công tác quản lý đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi người dân có nhu cầu.

Trọng Ngôn