Thanh niên dân tộc thiểu số xung kích lập thân, lập nghiệp

Anh Bùi Văn Huân cùng cán bộ xã Điền Trung (Bá Thước) bên trang trại nuôi lợn rừng. Ảnh: Tiến Đông

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Dám nghĩ, dám làm, quyết làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Bùi Văn Huân, sinh năm 1986, xứng đáng là tấm gương sáng cho thanh niên dân tộc Mường, xã Điền Trung (Bá Thước) học tập, làm theo, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của thanh niên tại địa phương.

Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi lợn rừng lấy thịt và sinh sản của gia đình, anh Huân chia sẻ, gia đình anh là nông dân nhưng không hẳn làm thuần nông nghiệp. Trước đây, gia đình có nghề làm gạch vồ, buôn bán vật liệu xây dựng. Bản thân anh cũng từng làm nhiều nghề, như: lái xe, buôn bán bất động sản... Nghề nuôi lợn rừng đến với anh Huân cũng thật tình cờ. Trong lần hai vợ chồng đi thu nợ, anh Huân mua một đôi lợn rừng về nuôi. Trong quá trình nuôi, nhận thấy lợn rừng ít bệnh, nhẹ công chăm sóc, lại được thị trường ưa chuộng nên anh mua thêm con giống và xây dựng 1.500m2 chuồng trại kiên cố để chuyển đổi hoàn toàn từ nuôi lợn thường sang lợn rừng. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm cỏ voi, ngô, chuối, cây dược liệu... trên diện tích gần 1.000m2 đất đồi để làm nguồn thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn rừng.

Là người ham tìm tòi, anh Huân nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật nuôi lợn rừng, học hỏi kinh nghiệm thực tế qua các chuyến đi đến trại chăn nuôi lợn rừng số lượng lớn. Nhờ đó, anh rút được những kinh nghiệm hữu ích đem về áp dụng vào đàn lợn nhà mình. Lợn rừng có nhược điểm là bầu sữa rất ít, nên chỉ chọn từ 9 - 10 con, bỏ bớt những con quá nhỏ để tránh bầy lợn con bị chậm lớn, èo ọt. Anh Huân tiết lộ: “Trong khoảng 3 năm sẽ thay lứa lợn giống một lần để tránh giao phối cận huyết, thoái hóa giống. Lợn cần được tiêm phòng định kỳ, đầy đủ để tránh các bệnh tả, thương hàn, tụ huyết trùng...”.

Lợn rừng là loài ăn tạp nên nguồn thức ăn cho lợn đa dạng, phong phú. Thức ăn chính của chúng hàng ngày là cỏ voi, rau, cám gạo, bã bia, bã sắn... Ngoài ra, anh Huân trồng thêm nhiều loại cây dược liệu, như: hoàn ngọc, sài đất, chè khổng lồ... bổ sung trong khẩu phần ăn của chúng với tác dụng phòng bệnh. Bằng cách trộn lẫn với thức ăn khác hoặc cho ăn trực tiếp, các cây dược liệu giúp nâng cao sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa, tăng hàm lượng đạm trong thịt, giúp thịt săn chắc, thơm ngon.

Từ một đôi lợn rừng, hiện nay gia đình anh Huân đã có 60 con lợn cái sinh sản và hàng trăm con lợn thương phẩm vừa xuất chuồng. Trung bình mỗi năm lợn rừng đẻ từ 1 - 2 lứa, mỗi lứa từ 7 - 12 con. Sau 14 - 15 tháng là có thể xuất chuồng bán ổn định từ 180.000 - 200.000 đồng/kg (thịt hơi). Riêng đối với lợn giống, tùy theo trọng lượng của lợn, có thể xuất chuồng bán từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/con. Trung bình mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Riêng năm 2020, dịch bệnh hoành hành đẩy giá thịt lợn lên cao, lợn rừng càng được giá. Gia đình anh thu hơn 600 triệu đồng, gấp đôi năm 2019. Dự kiến sang năm tới, anh Huân sẽ đầu tư 1.000m2 đất đồi của gia đình để xây chuồng trại nuôi lợn thương phẩm.

Được biết, mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình anh Huân được nhiều thanh niên và bà con Nhân dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm. Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, anh Huân cho biết: “Trong mỗi mô hình phát triển kinh tế đều phải có sự tâm huyết và cầu thị; tôi cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các hộ xung quanh. Có được thành công như hôm nay ngoài sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân và các thành viên trong gia đình, còn là nhờ vào chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn, địa phương quan tâm, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tư vấn, tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi”.

Cùng chung chí hướng phát triển kinh tế, góp sức trẻ để xây dựng quê hương như nhiều thanh niên khác nhưng anh Gia Văn Khua, sinh năm 1983, người dân tộc Mông, bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát) lại chọn cho mình một hướng đi riêng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, anh Khua sớm nhận thức được vai trò của cây đào đối với cuộc sống cộng đồng dân tộc Mông. Chính điều đó đã thôi thúc anh quyết tâm khai phá, cải tạo đồng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng đào và mận. Bước đầu, anh mua 10 gốc đào giống ở huyện Mộc Châu (Sơn La) với giá 120.000 đồng về trồng. Theo lời anh Khua, so với đào bản địa thì đào ở Sơn La có ưu thế mạnh về sản lượng nhưng quả không ngọt và giòn như đào bản địa. Vận dụng kiến thức vốn có và học hỏi những người có kinh nghiệm ở tỉnh Sơn La, anh đã ghép thành công cây đào Mộc Châu với cây đào bản địa. Theo anh Khua, giống đào lai này khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Mường Lát. Quả to, ngọt, một năm cho thu hoạch 2 vụ. Năm 2010, anh trồng 1.000 cây đào lai trên diện tích 1 ha đất đồi dốc. Năm 2012, lứa đào đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh Khua nguồn thu 80 triệu đồng.

Sau 8 năm, 10 gốc đào đầu tiên đã nhân bản thành 3.000 gốc đào lai và thêm 700 gốc mận, trên diện tích hơn 2 ha. Năm 2020, vườn đào, mận đã giúp anh Khua thu về hơn 300 triệu đồng. Song song với việc trồng đào, mận, anh Khua mạnh tay đầu tư thêm 40 đàn ong nuôi lấy mật, tận dụng nguồn thức ăn từ hoa rừng, hoa đào và mận. Tổng thu nhập năm 2020 của gia đình là gần 400 triệu đồng, trừ các chi phí có lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Được biết, anh đang nghiên cứu trồng thêm cây cam Vinh, cây bưởi và nuôi thêm 20 - 30 đàn ong lấy mật.

Với nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Khua trở thành gương sáng để bà con trong bản cùng học, cùng làm. Anh Khua nói: “Người Mông ở Nhi Sơn giờ đã khác xưa, muốn tự mình làm chủ cuộc sống của mình chứ không muốn phụ thuộc vào ông trời nữa. Nhi Sơn có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, như: đào, mận... nhưng cái khó nhất vẫn là vốn và kinh nghiệm. Giờ vốn đã có ngân hàng chính sách xã hội hay quỹ của các tổ chức xã hội, kinh nghiệm thì làm rồi sẽ có, cái quan trọng nhất là phải học, phải mạnh dạn, chấp nhận cả thất bại thì mới mong có thành công”.

Những năm trở lại đây, ở các bản Mông, như: Pá Hộc, Lốc Há, Pù Toong... cho thấy, mô hình trồng mận, đào trái vụ, đào lai đã tạo ra hàng hóa đặc sản, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần cải thiện thu nhập cho đồng bào Mông ở địa phương.

Tiếp lửa cho thanh niên

Bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, những thanh niên dân tộc thiểu số đã có những bước đi vững chắc hơn; trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng chí Lê Văn Châu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó có khoảng 1.300 mô hình là của thanh niên các dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm; giải quyết nhiều việc làm cho thanh niên địa phương.

Theo anh Châu, những năm qua, các cấp bộ đoàn, hội đã tập trung hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, với những việc làm cụ thể, như: hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên; hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng dự án... Từ những việc làm cụ thể trên cùng với sức trẻ, khát khao khởi nghiệp, thanh niên dân tộc thiểu số đã thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hành trình khởi nghiệp của những thanh niên vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn, như: vốn, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, chưa có sự liên kết... nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ.

Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, có những định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để họ mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp, tiến hành nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Đồng thời tích cực vận động thanh niên tại các thôn, bản khó khăn tham gia phát triển kinh tế, chủ động cải thiện cuộc sống. Tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, khơi dậy ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, cống hiến của sức trẻ trong thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời thường xuyên nghiên cứu, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên với quyết tâm không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững”.

Tăng Thúy