Tháng tư đọc chậm: Sự có mặt đáng giá của một năng lượng sống

Cuốn sách “Nguyễn Trọng Hoàn để lại…” dày 896 trang, khổ 16x24cm, là một tuyển tập các tác phẩm thơ, bài báo khoa học, bài nghiên cứu giáo học pháp và lý luận phê bình văn học của tác giả Nguyễn Trọng Hoàn cùng một số bài viết của các nhà nghiên cứu, bạn văn chương và học trò về ông.

Cuốn sách “Nguyễn Trọng Hoàn để lại…” do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Hà Văn Minh, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội mở đầu cuốn sách nêu trên, với tiêu đề: “Tháng tư đọc chậm: Sự có mặt đáng giá của một năng lượng sống”:

Quê nhà, Mẹ, Tuổi thơ, và ước mơ giảng đường luôn hiện hữu trong tâm thức Nguyễn Trọng Hoàn. Ai cũng có Quê hương, ai cũng có Mẹ. Nhưng không phải ai cũng thường đau đáu về cóm rốn nhau đã sớm tan vào đồng đất quê mình. Là nhà thơ có sẵn trong mình cốt chất nhà giáo, Nguyễn Trọng Hoàn không chỉ đau đáu, mà thực sự đã thao thức chăm chút cho cái cọng nhau cuống rốn ấy hoàn sinh, ở chính nơi mà nó đã trở về.

Là người sống sau, thuộc lứa đàn em của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi không dưng bỗng mất đi một người anh, một đồng nghiệp lớp trên, một người làm nghiên cứu lí luận - phê bình, một nhà thơ thân quý của văn đàn, tôi mới bất chợt thấm thía một điều: không phải cứ sống là có mặt, không phải cứ góp mặt là sống. Một đời sống thực sự chỉ đáng giá khi anh ta gieo được năng lượng sống của mình để từ đó làm nảy nở và khơi nguồn những giá trị sống tích cực cho cuộc đời.

Mẹ, Cha, Đất, Sông, Đồng, Bãi; Gió, Mưa, Khoai, Cáy, Dâu, Bèo… đã sinh dưỡng và bảo chứng cho sự trưởng đạt của tâm hồn nhà thơ. Lam lũ và Sang trọng, Lầm lũi và Ngân vang; Thô ráp và Thuần hồn, Lầy lụa và Điển nhã; Tất bật và Rành rang, Minh mang và Bừng hiện. Tất cả, không bao giờ là đối cực, khi những điều ấy đòi được cất lên tiếng nói khẳng định trị giá đích thực của trọn vẹn một cuộc đời. Nguyễn Trọng Hoàn là minh chứng sống động cho cái chân lí tối giản dị mà chúng ta đôi khi còn trăn trở: cuộc đời không cần và không bao giờ là những đối cực. Tôi nhớ, nhấp một chén rượu, sau khi tự hát Lặng lẽ mẹ tôi, ông đã nói với bầu bạn: Quê có Mẹ, nên không bao giờ cần có gạch nối giữa hai từ ấy. Câu này đáng giá một trường ca.

Mẹ sinh Nguyễn Trọng Hoàn vào Tháng Tư, Xuân vào Hạ là một khắc giao mùa ít ai để ý. Hạ Lễ - Ân Thi bờ bãi sông Hồng quê anh là một mảnh đất dễ nhạy cảm trước những chao động của tiết khí này. Thật đa tình, đa cảm, đa ưu; và mạnh mẽ, bền bỉ, góc cạnh.

Là anh cả trong một gia đình nghèo, cha là một viên chức nhỏ suốt năm xa nhà, cậu bé Nguyễn Trọng Hoàn sớm biết cùng người mẹ hiền hậu tảo tần lo toan ruộng vườn. Đã thụ bẩm khí chất thông minh, lại được ươm dưỡng bởi truyền thống mẫn học của quê hương, hồn văn của Nguyễn Trọng Hoàn sẽ mãi gắn chặt với, được nuôi dưỡng bởi kí ức tuổi thơ ở quê mình. Điều này lí giải vì sao anh luôn thao thức về mẹ, về quê, về tuổi thơ đến vậy. Hồn hậu đến độ trong veo.

Không thật nhiều ngôn từ, nhưng thơ cho tuổi thơ và thơ về tuổi thơ có mẹ đáng là điều phải nhắc đến đầu tiên khi nhận diện Nguyễn Trọng Hoàn với tư cách một nhà thơ của kí ức sống động ấu niên, của hoài niệm ngay trong thì hiện tại. Anh lao về quê bất kể lúc nào, miễn chộp được chút thời gian, vì trăn trở đồng làng chuyển vụ, vì lo mẹ vò võ bên bàn thờ cha, nhỡ khi trái gió trở giời. Có thể lập một từ điển từ thuần Việt để tóm bắt văn chất của anh chàng thi sĩ quê kệch Nguyễn Trọng Hoàn.

Cực nhọc lớn khôn trong chiến tranh và thời bao cấp, từ trường huyện Ân Thi, theo gương thầy Việt, cậu học trò nghèo ham học đã chọn vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong rất nhiều tâm sự, Nguyễn Trọng Hoàn vẫn thường tự hào coi đây là một cơ duyên may mắn, để từ đó anh bắt đầu thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng, đồng thời gắn tên tuổi của mình vào làng văn Việt Nam đương đại. Bồng bột và đắm say, giảng đường và thầy cô, bạn mới và giáo trình, kí túc xá và bo bo cuốn vèo dăm năm thanh xuân trong vắt. Những đêm thơ sinh viên cuốn hút cậu học trò tỉnh lẻ, tâm hồn đa đoan lãng mạn thảng thốt giật mình cúi nhớ ấu thơ. Những câu viết đầu tiên về tình yêu, tình bạn, về cuộc sống gian khó đời sinh viên, bỗng thoáng chốc trở thành dấu mốc trong những bước chuyển về ngôn ngữ, tư duy và dặm nẻo hồn trường Nguyễn Trọng Hoàn.

Một người làm giáo dục tâm huyết không tự nhiên nhận ra mình sẽ sinh nghề tử nghiệp. Cảm cái nghĩa sinh thành của tổ tiên, hàm cái ân dưỡng dục của quê hương, Nguyễn Trọng Hoàn đã chọn con đường lập thân bằng chữ nghĩa, thành danh bằng nghề dạy học. Học xong chương trình đại học hệ đào tạo 5 năm đặc biệt vào tháng tư năm 1987, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn được phân công làm giảng viên, giảng dạy tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Xuân Hòa nối dẻo Quan Hoa. Gò đồi Đại Lải ngâm ca tuổi hồng.

Hăm hở, nhiệt huyết và ý thức dấn thân, năng lực của thầy Nguyễn Trọng Hoàn sớm được ghi nhận ở môi trường mới. Sau ít năm giảng dạy và hoạt động trong phong trào thanh niên, anh được phân công đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng bộ môn, Phó Bí thư Đoàn trường. Những năm sau đó, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn học tiếp cao học và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh nhận bằng Tiến sĩ với đề tài về dạy học Ngữ văn trong nhà trường, rồi dần trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực giáo học pháp.

Năm 1998, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn được phân công về công tác tại Vụ Giáo viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2003, ông công tác tại Vụ Giáo dục Trung học, đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng từ năm 2007, đến tận lúc máy tính trên bàn làm việc của ông ở cơ quan tự động save những dòng bản thảo cuối cùng, vào một ngày cuối tháng tư năm 2020. Trong suốt thời gian làm quản lí chuyên môn, làm công tác đảng ở Bộ, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn vẫn luôn tha thiết với với nhà trường, với bục giảng. Gần 40 năm công tác tại trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm nhận nhiều nhiệm vụ nặng nề, với nhiều thử thách, nhưng thầy Nguyễn Trọng Hoàn đã luôn cố gắng vượt lên chính mình, trở thành một cán bộ quản lí giàu năng lực, luôn tận tâm và nhiệt huyết, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chức trách được giao; được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp tin yêu. Thầy đã được tặng nhiều bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành trung ương cũng như địa phương.

Nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn luôn trăn trở về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, với nguyên tắc tránh lí thuyết giáo học pháp khô khan. Ông trăn trở cách để tiếng Việt và văn học đi vào tâm hồn học sinh một cách có mạch lối. Những tác phẩm của Nguyễn Trọng Hoàn trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt như “Bàn tay cô giáo”, “Nghe loài chim nói”… sẽ thay nhà thơ sống và tiếp tục nâng niu những mầm sống. Nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn cho thấy một dấu gạch nối tuyệt đẹp giữa chuẩn mực thẩm mĩ, nhân văn của giáo dục mà thi ca đích thực hướng tới.

Trong sự nghiệp dạy học của mình, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn đã hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, nhiều người trong số họ nay đã trở thành các nhà quản lí, nhà giáo, nhà nghiên cứu uy tín. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn cũng là tác giả, đồng tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa, sách giáo viên Ngữ văn và tài tiệu bồi dưỡng chuyên môn các cấp học. Là một nhà quản lí giáo dục nhạy bén và là người thầy luôn trăn trở về nghề, trong công việc, trên giảng đường cũng như lúc hội đàm, ông luôn để lại trong chúng ta ấn tượng về một phong thái dung nghiêm và đôn hậu, cần mẫn và tận tụy, nhiệt huyết và hào hoa... Giảng đường sẽ nhớ một nhà giáo say mê với khả năng dẫn dắt, khả năng truyền nghề, truyền cảm hứng. Nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Chân dung nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn trong cuốn sách “Nguyễn Trọng Hoàn để lại…”

Một nhà nghiên cứu giáo học pháp và lí luận phê bình sắc sảo là người phải biết từ đối tượng để đề xuất lí thuyết tiếp cận riêng với chính đối tượng ấy. Làm công tác nghiên cứu - phê bình, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Hoàn đã công bố hơn 50 công trình. Với tư duy khám phá, nhiều chuyên khảo, bài nghiên cứu, bài báo của ông đi sâu vào những vấn đề thời sự của văn học và của công tác dạy học trong nhà trường.

Các đề tài khoa học mà Nguyễn Trọng Hoàn chú tâm nhất xoay chụm vào chủ đề đổi mới dạy học tiếng Việt và văn học theo định hướng phát triển năng lực người học. Chuyển từ dạy “cái” sang dạy “cách” là một định hướng được chính ông chỉ đạo thực hiện diết dóng trong nhiều năm nay. Các công trình thuộc mảng chủ đề này của ông được học giới và bạn đọc đánh giá là những công trình nghiên cứu, những thử nghiệm có tính phát hiện mới mẻ. Với tư cách nhà khoa học, Nguyễn Trọng Hoàn luôn ý thức tìm tòi, đổi mới, phát hiện để nâng cao tầm vóc nghề nghiệp của mình. Do thế, các ý tưởng khoa học ấy của ông đã để lại những dấu ấn riêng trong đời sống học thuật, trở thành những tài liệu khoa học tin cậy của những người làm nghiên cứu chuyên nghiệp. Những công trình đó sẽ còn lại lâu dài với thời gian và chắc chắn sẽ luôn sống động trong đời sống học đường.

Khoa học và thơ ca là hai lĩnh vực, nhưng văn chương và học thuật ở Nguyễn Trọng Hoàn tự khéo tựa vào nhau để không phía nào bị san sẻ. Nghĩ bằng trái tim và yêu thương bằng khối óc không phải là một kiểu lựa chọn, mà là đích đến của tu dưỡng tâm trí. Năng lượng của văn chương chính là năng lượng của sự có mặt.

Có mặt giữa cuộc đời bằng năng lượng của thơ ca là cả một hành trình dài. Yêu cái đẹp, luôn khao khát khám phá cái đẹp, Nguyễn Trọng Hoàn tự dấn thân vào lao động sáng tạo cái đẹp với tư cách một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm báo, làm thơ, vẽ tranh, viết phê bình, kịch bản phim… Thật nhiều đam mê, và ở mỗi một niềm đam mê, anh đều có những gặt hái. Tác phẩm của anh đã đạt nhiều giải thưởng, như: Giải A cuộc thi Sáng tác văn học về nhà trường, Giải thưởng Thơ hay về biển, Giải thưởng Sáng tác văn học cho trẻ em, Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội, Giải thưởng Thơ hay tạp chí Tài hoa trẻ, Tặng thưởng Tác phẩm lí luận - phê bình văn học nghệ thuật… Trầm tư và lan tỏa, nhẫn nại và thăng hoa, đó là cách mà Nguyễn Trọng Hoàn thưởng thức và truyền dẫn cái đẹp.

Là một nhà thơ, Nguyễn Trọng Hoàn được thi đàn biết đến là người viết chuyên nghiệp có lối riêng. Bạn đọc sẽ nhớ một thi sĩ tinh tế, tài hoa; tìm ánh sáng nguyên khiết trong vẻ sần sùi thô ráp của đồng đất quê hương; phát hiện lại nội tâm của chính mình ẩn dấu trong ranh giới mơ hồ giữa quá khứ và tương lai, giữa thực tại và hoài niệm, giữa khoảnh khắc và vĩnh hằng. Thời gian với Nguyễn Trọng Hoàn là hữu hình, nó - là - lối - về, là - dòng - tóc - mẹ, là - khúc - khuỷu - đường - mây - thường - hằng - trôi, từ vùng sâu tâm linh xộc lên màu kí ức cánh đồng đến thực tại của những nẻo tất tả ngược xuôi, mà ở đó anh thấy nắng bừng lên hiện hữu mỗi hồi sinh. Rồi cuối cùng hòa kết lại ở bất chợt Tháng Tư thương nhớ. Sắc cỏ tình yêu và tiếng Huyền cầm, Thả diều trong Gió và nhớ, Màu áo thuở ban đầu nhớ Bến quê, Ngẫu cảm gửi Và em khi ấy… Hơn 10 tập thơ của Nguyễn Trọng Hoàn cho thấy cách mà anh sống để trân trọng cuộc đời. Thật khó dẫn thơ của nhà thơ để định vị được nhà thơ. Phải chầm chậm lắng nghe hết những thì thầm dài rộng của nó.

Làm thơ là một lao lực đặc quyền không phải ai cũng được phú bẩm. Làm thơ lại càng không phải là thú chơi tiêu khiển, mà là một cách tất bật để gấp gáp đua vượt cái khoảnh khắc ở trọ nhân gian. Nhà thơ bắt chữ phải nghĩ, phải chạy, phải gằn mình để đuổi theo trí tưởng và xúc cảm. Nguyễn Trọng Hoàn thênh thang gửi chữ cho gió, miên man ở mọi miền không gian, có khi là miền xa lơ xa lắc vô hình, có khi là một góc sâu ẩn khuất rất thật nơi vườn nhà tua tủa gai bồ kết. Tôi nhớ có nhiều lần, anh Hoàn đã nói về cái vô ngôn của thơ theo cách hiểu của anh khi đồng nhất thơ với sự phản quang. Thơ, gọi là trữ tình hay tự sự, chỉ là cách mà khung khổ chật hẹp của lí luận văn học gán cho nó, vì bản chất của thơ là mượn tạm ngôn từ để biểu đạt cái vô ngôn. “Vô ngôn thắng hữu ngôn”. Điều nhà thơ muốn gửi thông điệp cho chúng ta là ở khoảng lặng giữa những dòng thơ.

Khi viết những dòng đề dẫn cho cuốn sách này, tôi hồi ức về giọng điệu và ngôn từ Nguyễn Trọng Hoàn suốt một chặng đường thơ anh: Từ lúc khoe giàu có @, đến lúc anh đột ngột nhận mình ở đợ xác xơ. Anh trả lãi suất quá đắt khi đánh đổi một đời vay chữ, để khao khát nuôi cấy tâm thức của mình được nảy chồi trong cánh đồng thực tại. Anh đã lao động thực sự, không mặc cả và ghét nợ nần. Tứ khôn chưng bởi tu từ. Ý xuân dưỡn ngực không dư dịp vần. Ngữ nghĩa thơ lúc này chẳng có độ dôi. Ngữ pháp thơ khi ấy vượt ra khỏi các mô hình cấu trúc của lời văn. Điều này ta chợt thấy khi đọc ngược cả mạch thơ Nguyễn Trọng Hoàn.

Mong muốn cho ngày thường có mặt là một ước vọng vô tư, là một nỗ lực thanh lọc nội tâm để “cái tôi vô ngã” được đánh thức trong phút giây hiện hữu. Bhavana, đào luyện tâm linh, là đồng hiện, là thực hành sống chậm, sống một đời sống thực sự sâu sắc. Tôi dự cảm rằng sẽ có một ngày, ai đó chợt nhận ra và suy cứu sự thực hành bhavana trong thơ và qua thơ của Nguyễn Trọng Hoàn.

Gửi lại yêu thương và trăn trở bằng dự cảm phút giây tự cho mình rành rang sống chậm là một triết lí ứng xử rất mực trân trọng với đời sống. Nhưng oái oăm thay nó lại là dự cảm của Nguyễn Trọng Hoàn cho cuộc sống của chính mình.

Sống chậm là một hành động sống mạnh mẽ và lạc quan. Rành rang là một thái độ sống tự trọng và cho đi chính mình. Phút rành rang thật vội. Sống chậm vì muốn sống nhiều. Lúc phận định hiểm nghèo cũng là lúc trái tim khao khát sống và cống hiến thôi thúc mãnh liệt nhất. Nguyễn Trọng Hoàn đã viết những vần tha thiết mà không cần biết đó là những câu thơ cuối cùng. Thật ngạc nhiên cái con người mỏng manh yếu đuối, cứ căng mình ra một cách nồng nàn, vì lo sợ có những ngày chưa kịp cháy lên. Cứ như thế, Nguyễn Trọng Hoàn vắt kiệt sức mình để đối thoại với cuộc đời và đập hết nhịp đập của trái tim mình trên dòng chữ. Anh đã gắng vượt qua tột cùng những ám ảnh. Để nhắn gửi cho Già, cho Xuân và người ở lại niềm tự hào về quê hương và lòng hiếu thảo, về sự chu đáo và tận tâm, về lẽ kính trên nhường dưới, về tình chung tự nhiệm, về chân thành khiêm dung…

Đọc chậm không phải là một cách đọc. Mà là một thái độ đọc. Đọc chậm để đọc vào sâu con chữ, để bắt lấy cách suy tư của người viết chữ, để kết nối và sáng tạo. Đọc, vì thế, còn bao hàm niềm hạnh phúc của sự khai sinh. Trong cuộc sống và công việc viết lách, Nguyễn Trọng Hoàn là người cầu toàn, đúng hơn là cầu sự hoàn mĩ. Anh trọng các mối quan hệ, trọng nhân cách, trọng nghĩa tình, nên việc trọng chữ, nâng niu con chữ là đương nhiên. Anh đọc chậm từng câu thơ, từng áng văn, từng ý tưởng hiện ra qua những trang sách ở trên tay mình. Sau đó thì thận trọng dè dặt, nói và viết những dòng cảm nhận về những trang sách ấy. Bằng cách này, anh đối thoại với lương thức để nhận ra: Vẻ đẹp của văn chương học thuật bao giờ cũng lấp lánh đạo đức nhân sinh.

Tháng Tư này, khi cỏ dâng xanh đỉnh trời, ta rành rang đọc chậm Nguyễn Trọng Hoàn, theo cách anh đã nghĩ, đã viết và sáng tạo. Bằng cách ấy, ta bỗng được nâng niu từ chính những gì mà Nguyễn Trọng Hoàn đã chắt chiu dâng tặng cho đời. Tháng Tư thật chật chội, thời gian không đủ dài, bầu trời không đủ rộng, cho người yêu văn gửi trọn những đam mê và thôi thúc của mình.

Nhưng vì thế mà những gì Nguyễn Trọng Hoàn để lại sẽ “có mặt”, sẽ ở sâu trong tâm trí của chúng ta.

Nhà giáo, Nhà thơ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn, sinh ngày 08/4/1963, mất ngày 28/4/2020, quê ở xã Hạ Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông từng là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm chính của ông gồm:

THƠ

1. Phút rành rang sống chậm (NXB Hội nhà văn, 2019)

2. Năng lượng của sự có mặt (NXB Hội nhà văn, 2016)

3. Bến quê (NXB Quân đội nhân dân, 2012)

4. Cánh diều khao khát (NXB Giáo dục, 2012)

5. Ngẫu cảm (NXB Hội nhà văn, 2002)

6. Gió và nhớ (NXB Hội nhà văn, 1999)

7. Huyền cầm (NXB Hội nhà văn, 1997)

8. Và em khi ấy (NXB Văn học, 1994)

9. Sắc cỏ tình yêu (NXB Phụ nữ, 1990)

SÁCH CHUYÊN KHẢO

1. Trữ lượng cảm xúc trữ lượng của tâm hồn, NXB Văn học, 2020

2. Dạy học ngữ văn theo định hướng năng lực, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2019

3. Năng lượng của văn chương, NXB Văn học, 2018

4. Tiếp cận văn học, NXB Khoa học xã hội, 2002

5. Rèn luyện tư duy sáng tạo trong dạy học tác phẩm văn chương, NXB Giáo dục, 2001

GIẢI THƯỞNG

Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Hà Nội – chuyên ngành Thơ (2020)

Tặng thưởng Tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất bản năm 2018

Tặng thưởng Thơ hay, tạp chí Tài hoa trẻ (1999)

Giải thưởng Thơ, cuộc thi Sáng tác văn học cho trẻ em (1997)

Giải thưởng Thơ hay về biển (1991)

Giải A về Thơ, cuộc thi Sáng tác văn học đề tài nhà trường (1989)

Thành Tâm