Tái cơ cấu mạng lưới giết mổ động vật

Cơ sở giết mổ tập trung Thy Thọ (TP.Long Khánh) có quy trình giết mổ động vật chặt chẽ, đảm bảo quy định. Ảnh: B.Nguyên

Do đó, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung cho giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm góp phần quản lý, sắp xếp hoạt động giết mổ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư yên tâm hoạt động.

* Hình thành mạng lưới giết mổ tập trung

Điểm lại thực trạng của hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, có thể thấy, mạng lưới cơ sở giết mổ phát triển theo chiều hướng thu gọn lại về số lượng, các cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại hơn.

Theo Sở NN-PTNT, năm 2011, toàn tỉnh có 231 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chịu sự quản lý của ngành Thú y. Từ năm 2008-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung trên địa bàn 8 huyện và TP.Long Khánh (riêng TP.Biên Hòa và H.Nhơn Trạch không quy hoạch).

Quan điểm xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gồm: phát huy lợi thế vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, đất đai, thành tựu phát triển chăn nuôi, giết mổ an toàn thực phẩm trong những năm qua. Tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào giết mổ trên các khu vực đã và đang được xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; tăng quy mô, năng suất, đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý tốt chất thải từ cơ sở giết mổ, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ sở giết mổ được xây dựng và cấp phép hoạt động theo quy định. Khuyến khích thành lập các HTX hoặc thành lập doanh nghiệp giết mổ tập trung; xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực phát triển ngành Chăn nuôi bền vững.

Kết quả thực hiện quản lý sắp xếp giết mổ theo quy hoạch của các địa phương tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 105 cơ sở giết mổ gồm 25 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư mới theo quy hoạch và 80 cơ sở giết mổ hoạt động tạm thời chờ di dời vào cơ sở tập trung; giảm 126 cơ sở so với năm 2011.

Tính đến tháng 6-2020, trên địa bàn tỉnh còn 71 cơ sở, điểm giết mổ được quản lý gồm 42 cơ sở giết mổ tập trung và 29 cơ sở giết mổ hoạt động tạm thời chờ di dời vào cơ sở giết mổ tập trung; giảm 34 cơ sở so với năm 2014.

Thuận lợi để Đồng Nai xây dựng được mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ ngày càng hiện đại là các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh giết mổ được quan tâm hỗ trợ từ phía chính quyền cũng như các dự án, chương trình. Đặc biệt, dự án Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 33 cơ sở giết mổ tập trung (mỗi cơ sở giết mổ phù hợp tiêu chí dự án được hỗ trợ từ 6.600-30.000 USD).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những bất cập so với thực tế, đặc biệt là số lượng, vị trí quy hoạch của các cơ sở giết mổ chưa phù hợp. Công tác quy hoạch giết mổ được xây dựng cho từng huyện, từng xã nên thực tế có những cơ sở giết mổ của 2 huyện chỉ cách nhau khoảng 2-3km gây lãng phí trong đầu tư và không hiệu quả trong hoạt động giết mổ.

Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn giết mổ là một trong các tiêu chí nền tảng nhất mà tỉnh đặt ra trong việc sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giết mổ động vật sắp tới

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của mạng lưới giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, mục tiêu quy hoạch giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh là xây dựng các cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ các vùng kinh tế chăn nuôi. Mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

* Định hướng cho giai đoạn mới

Theo ông Nguyễn Trường Giang, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2019, Sở NN-PTNT đã có các văn bản đề nghị địa phương rà soát, đề xuất các điểm giết mổ để xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Long Khánh cho rằng, việc xây dựng mạng lưới giết mổ trong giai đoạn mới là rất cần thiết vì góp phần rất lớn cho công tác quản lý hoạt động này tại địa phương. Bà Cúc so sánh, trước đây, TP.Long Khánh có hàng chục cơ sở giết mổ động vật trái phép hoạt động nhưng từ khi có quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, các hộ giết mổ nhỏ lẻ đều đưa heo vào các cơ sở giết mổ tập trung. Mong tỉnh sớm cập nhật mạng lưới giết mổ tập trung trong giai đoạn mới để địa phương chủ động hơn trong thu hút đầu tư cũng như quản lý hoạt động giết mổ trên địa bàn.

Dây chuyền giết mổ gà hiện đại tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa)

Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết, từ xưa, hoạt động giết mổ động vật tại địa phương rất phát triển, có thể nói là đã hình thành như làng nghề giết mổ động vật cung cấp cho các thị trường lớn như: TP.HCM, TP.Biên Hòa, các khu công nghiệp… Nhu cầu đầu tư cơ sở giết mổ của địa phương trong giai đoạn tới là rất lớn. Trước đây, toàn huyện có 22 cơ sở giết mổ động vật, sau huyện sắp xếp các cơ sở giết mổ vào các điểm giết mổ tập trung thì hiện nay giảm còn 10 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Trong thực tế, nhiều cơ sở tập trung không có khả năng mở rộng vì hạn chế về nguồn vốn, đất đai… nên chỉ phục vụ được nhu cầu của cơ sở. Huyện kiến nghị tỉnh gỡ khó về mặt chính sách để đầu tư thêm một số cơ sở giết mổ đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Phó giám đốc Sở KH-ĐT Trần Vũ Hoài Hạ đưa ra quan điểm, phát triển mạng lưới cơ sở giết mổ động vật trong thời gian tới nên để thị trường tự điều tiết căn cứ trên nhu cầu thực tế. Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới, việc rà soát, xóa bỏ các cơ sở giết mổ đã đầu tư cần phải được xem xét kỹ với những cơ sở đã được cấp phép để đảm bảo đúng luật, đúng quy định. Các cơ sở giết mổ đầu tư mới đúng quy hoạch sẽ vẫn được hưởng ưu đãi theo quy định. Các địa phương nên quan tâm thu hút các dự án lớn đầu tư vào giết mổ động vật để phát triển mạng lưới giết mổ quy mô hơn, toàn diện hơn.

Tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT và các sở, ngành, địa phương về xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra vào giữa tháng 12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu Sở NN-PTNT nên có đề xuất cụ thể về số lượng cơ sở giết mổ cho từng giai đoạn, tới năm 2025 còn bao nhiêu cơ sở, đến năm 2030 còn bao nhiêu cơ sở. Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ phải theo định hướng giảm dần số lượng các cơ sở nhỏ lẻ, phát triển các cơ sở giết mổ có quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi liên kết với mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giết mổ; đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh giết mổ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.

Bình Nguyên