Super League sụp đổ: Tiền không mua được tình yêu bóng đá

"Dự án Super League vẫn đang tồn tại và chỉ đang trong trạng thái chờ. Tôi có thể khẳng định như vậy", chủ tịch Florentino Perez khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Cadena SER vào đêm qua (giờ Tây Ban Nha). Perez chưa thừa nhận Super League đã "chết".

Trong thông cáo chính thức, ban điều hành giải cũng nói Super League cần được tái cấu trúc. Giải đấu vẫn tồn tại, ít nhất trên giấy tờ, nhưng rất khó để Super League đi vào thực tiễn.

Cuộc phản đối dồn dập của quan chức, cựu cầu thủ và người hâm mộ trên toàn châu Âu giống như một cơn sóng thần, chôn vùi dự án được "thai nghén" suốt 3 năm của Perez và các cộng sự.

Super League sụp đổ.

Chủ tịch Real Madrid dành ra một giờ đồng hồ để nói về sự cấp thiết của Super League. Ông không sai, nhưng tại sao dự án này rơi vào trạng thái "chết yểu"?

Người giàu không có đặc quyền

Ngày 12/5/2013, Watford so tài với Leicester City ở trận lượt về vòng play-off giành suất lên chơi ở Ngoại hạng Anh. Lượt đi, Leicester thắng 1-0. Lượt về, Watford dẫn lại 2-1. Ở phút bù giờ cuối cùng, Leicester được hưởng quả phạt đền. Nếu Anthony Knockaert đá vào, mọi chuyện sẽ chấm hết với Watford.

Nhưng Knockaert sút hỏng. Cú đá của anh không thắng được thủ môn Manuel Almunia. Bóng được phá lên, Watford tổ chức phản công và Troy Deeney khiến khán đài bùng nổ với cú đá sấm sét tung lưới Leicester.

Cả sân Vicarage Road bùng nổ, khán giả tràn xuống ăn mừng như thể Watford vừa vô địch Champions League. Kênh thông tấn BBC gọi 20 giây, tính từ thời khắc Knockaert sút hỏng đến khi Watford ghi bàn "kết liễu" Leicester, là khoảng thời gian điên rồ nhất lịch sử.

Video: Bàn thắng khó tin của Watford trước Leicester

Đến hôm nay, cuộc so tài giữa Watford và Leicester vẫn là một trong những trận đấu được nhớ và xem lại nhiều nhất ở nước Anh. Và đó là trận đấu diễn ra giữa hai đội bóng... hạng Nhất.

Cảm xúc điên rồ mà Watford, Leicester tạo ra là minh chứng cho thấy: không nhất thiết phải có những đội bóng hùng mạnh, bóng đá vẫn rất đáng xem.

Trên sân cỏ khắp châu Âu, nhiều đội bóng ở hạng bán chuyên, nghiệp dư vẫn có hàng nghìn cổ động viên ủng hộ. San Marino, đội tuyển yếu nhất châu Âu, được hàng trăm khán giả hô vang cổ vũ trên các khán đài, dù phải mất đến vài năm, cổ động viên mới được thấy San Marino ghi bàn.

Đó là sự khác biệt giữa bóng đá và những phạm trù vật chất khác. Đội bóng giàu hay nghèo, đều có những giá trị cảm xúc và văn hóa riêng biệt không thể bị xem thường.

Trước khi ông chủ John W.Henry của Liverpool ký vào thỏa thuận gia nhập Super League - giải đấu của người giàu, có lẽ ông quên rằng đội bóng này được tạo thành từ những thợ thuyền bình dị ở thành phố cảng.

Giá trị của bóng đá nằm ở những giọt nước mắt của cổ động viên Sunderland trong ngày CLB này xuống hạng. Sunderland sẽ không bao giờ nằm trong hàng ngũ đội mạnh, nhưng họ được yêu mến không thua kém CLB nào.

Bóng đá không chỉ có tiền và tiền.

Ngoài ra, bóng đá còn là sản phẩm đại chúng dành tất cả. Một thương nhân giàu sụ có thể ngủ 2 đêm trên du thuyền triệu USD, ăn ở một nhà hàng sang trọng, mặc những bộ quần áo đắt tiền, hưởng thụ những đặc quyền người nghèo không bao giờ dám mơ tới.

Dù vậy, thương nhân giàu có hay thanh niên với thu nhập bình dân, sẽ đều có những trải nghiệm, xúc cảm như nhau khi theo dõi đội bóng mình yêu thích, dù đội bóng ấy thành công hay thất bại. Du thuyền, siêu xe,... có thể là đặc quyền của người giàu, nhưng bóng đá thì không.

Ở vùng Trung Đông xa xôi, một cậu bé mặc "tấm áo" nilon xanh - trắng in dòng chữ Messi đang chơi bóng giữa đống gạch đá đổ nát. Cậu yêu Messi, và có ai dám nói tình yêu ấy ít hơn tình yêu của Perez dành cho Real Madrid?

Tình yêu bóng đá không thể cân đo đong đếm bằng bất cứ công cụ lý tính nào. Perez hay chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus nói về việc thanh niên 16-24 tuổi không còn hứng thú với bóng đá. Nếu thanh niên không quan tâm đến bóng đá, làn sóng công kích, chỉ trích Super League có mạnh như vậy không?

Những thứ không thể mua bằng tiền

"Tạo ra bởi người nghèo, đánh cắp bởi người giàu" là khẩu hiệu được cổ động viên giăng ra, trong ngày 12 đội bóng hùng mạnh bậc nhất châu Âu cùng gia nhập Super League.

Nguyên nhân thành lập giải đấu bắt nguồn từ sự bất mãn khi các CLB lớn không đồng ý với cách ăn chia bản quyền truyền hình của FIFA, UEFA. Theo Perez, thể thức mới của Champions League (mô hình Thụy Sĩ) khiến các đội lớn phải đá nhiều hơn, số trận tăng lên gấp rưỡi, song tiền bản quyền ít đi.

Perez có lý khi công kích UEFA.

Các CLB lớn lập luận giá trị thương hiệu, hình ảnh và đẳng cấp giải đấu chủ yếu tập trung ở những trận đấu có sự góp mặt của họ, hoặc những trận đấu giữa họ. Do đó, những "siêu CLB" phải nhận được nhiều tiền hơn, không phải chia chác với bất kỳ ai.

"Tôi muốn tạo ra những trận đấu kiểu như Nadal gặp Federer trong giới quần vợt", Perez khẳng định. Với Super League, các trận đấu lớn diễn ra hàng tuần. Tiền chảy thẳng về túi từng đội, không phải chia chác với các đội nhỏ. Mô hình bán khép kín cho phép Super League giữ dòng tiền chỉ luân chuyển xung quanh các đội mạnh.

Perez không sai khi nhấn mạnh vào yếu tố tiền bạc. Không mô hình thể thao nào có thể duy trì và phát triển nếu thiếu tiền. Nhưng cái chưa hợp lý của dự án Super League là định lượng mọi thứ bằng tiền. Đây không phải sản phẩm kinh tế thuần túy để các tỷ phú mang đi, bán lại như một món hàng.

Quan trọng hơn, đội bóng không tồn tại nếu thiếu cổ động viên. Mà hành động đơn phương đưa CLB khỏi các giải đấu truyền thống để lập riêng giải đấu chơi với nhau của giới tài phiệt không khác nào "đánh cắp" tài sản bóng đá khỏi vòng tay của người hâm mộ, biến bóng đá thành thú chơi của kẻ lắm tiền.

Monaco từng vào tới chung kết Champions League.

Super League có thể mang lại doanh thu lớn hơn, nhưng bóng đá, như đã nói, không phải cuộc chơi của riêng đội mạnh. Với nhãn quan của giới điều hành, dường như chỉ những trận đấu giữa các đội lớn mới đáng xem, đáng tiền, được đo đếm bằng những công cụ trực quan lạnh lùng và thực dụng.

Những đội yếu chỉ góp mặt cho có, và còn trở thành gánh nặng của các đội mạnh khi "cắn" vào miếng bánh bản quyền. Super League đã bỏ qua những kẻ yếu thế trong giới bóng đá, mà chỉ muốn tập trung quyền lực về một khối và ngầm hạ thấp những giá trị phi vật chất mà môn thể thao vua mang lại.

Sự sụp đổ của Champions League khi các đội bóng này cùng rời đi, dường như không phải yếu tố Super League quan tâm.

Bóng đá được hâm mộ vì ở đó, đội mạnh chưa chắc thắng được đội yếu. Trận cầu điên rồ giữa Leicester và Watford, câu chuyện cổ tích giữa đời thực của chính Leicester, hành trình vô địch của những "lọ lem" như Montpellier, AS Monaco trên đất Pháp hay chuyến phiêu lưu của Đan Mạch ở EURO 1992,... có còn tồn tại khi Super League ra đời?

Super League sẽ không còn chỗ cho bất ngờ, yếu tố làm nên vẻ đẹp trác tuyệt của bóng đá.

Các đội bóng mạnh có lý khi muốn kiếm nhiều tiền hơn, tối đa hóa tài sản bóng đá họ phải tốn bằng mồ hôi, nước mắt gây dựng.

Tuy nhiên, khi Super League bị biến thành cuộc chơi của riêng những kẻ giàu và tấn công vào thành trì truyền thống, nơi bóng đá là thú vui của người giàu lẫn kẻ nghèo, việc giải đấu hứng chịu làn sóng tẩy chay, phản đối là chuyện bình thường.

Perez đơn độc

Một trong những yếu tố khiến Super League sụp đổ là dường như ngay từ đầu, các CLB đã không nhìn chung một hướng. Rất nhiều mối dây lợi ích chằng chịt giữa các đội. Từ bỏ tất cả vì tiền bạc chăng nữa, cũng là vấn đề phải đắn đo.

Khi "quả bom" Super League được kích nổ, Perez là người duy nhất đứng ra trả lời. Các CLB còn lại im lặng, chờ đợi. Ông chủ John W.Henry của Liverpool và Agnelli của Juventus là người thứ hai và thứ ba nói về Super League, nhưng đó là phát ngôn... xin lỗi.

Ngay từ đầu, Perez đã đơn độc trước làn sóng công kích Super League. Ông nói về tiền bạc, sự tân tiến của mô hình bóng đá mới, khẳng định "tiền bạc sẽ chảy theo kiểu kim tự tháp" từ đội lớn xuống đội nhỏ, nhưng Perez không thể thay đổi nếp sống văn hóa với hàng trăm năm lịch sử chỉ bằng một bài phát biểu.

Người hâm mộ, phần đông không phải giới tinh hoa để quan tâm đến những con số kinh tế, rất khó chấp nhận sự tồn tại của Super League. Chính những đồng minh của Perez cũng không đứng về ông hoàn toàn.

6 CLB Anh không thể từ bỏ Ngoại hạng Anh vì Super League.

"Một trong số 6 CLB Anh không có sự quan tâm nhất định với Super League. Và thế là những CLB còn lại bị ảnh hưởng. Sự liên kết dần yếu đi. Họ dường như chưa bao giờ bị thuyết phục bởi dự án này. Cũng dễ hiểu, giải vô địch quốc gia chắc chắn không thể đụng đến, vì đó là nơi bạn có được một nguồn thu nhất định hàng tuần", Perez thừa nhận.

Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson vào cuộc, các lệnh trừng phạt lửng lơ trên đầu cùng với áp lực từ CĐV, các CLB Anh phải đắn đo suy nghĩ. Super League thành công khi khai màn cuộc tấn công khiến UEFA bất ngờ toàn tập, nhưng rốt cục, các đội cũng không lường hết được hậu quả.

Chelsea vội vã rời Super League khi CĐV biểu tình tràn ngập ngoài sân Stamford Bridge. Liverpool, Arsenal hay Tottenham nói rời Super League sau khi lắng nghe ý kiến CĐV. Tại sao sự lắng nghe này không diễn ra sớm hơn?

24h sau khi Super League được công bố, đội trưởng Jordan Henderson của Liverpool kêu gọi một cuộc họp giữa các đội trưởng Ngoại hạng Anh để phát đi thông điệp Ngay từ đầu, các HLV, cầu thủ dường như không biết nhiều về Super League. Họ cũng bị "đánh úp" như UEFA.

Nhiều cầu thủ phản đối Super League.

Giới chủ CLB không tôn trọng, lắng nghe cầu thủ và CĐV - những người làm nên đội bóng, chứ không phải giới tài phiệt. Điều này cho thấy Super League, một lần nữa, tạo cảm giác đây chỉ là sân chơi của một thiểu số, chống lại hoàn toàn tính cộng đồng của môn thể thao vua.

Bóng đá chưa, và sẽ không bao giờ là món đồ xa xỉ của bất cứ ai. UEFA, FIFA có thể "hám tiền" và không tốt đẹp, đúng như lời Perez nói, nhưng ít nhất, sân chơi này vẫn đang đảm bảo cho cán cân bóng đá châu Âu cân bằng.

Thay vì "ly khai" để giữ riêng miếng bánh tiền bạc, một phương án hài hòa được thống nhất sau khi đôi bên ngồi vào bàn đàm phán sẽ là giải pháp tốt nhất cho đôi bên.

Hồng Nam