Sự trỗi dậy của phim nội và các chuỗi rạp phim ở Đông Nam Á

Dàn diễn viên của bộ phim kinh dị “KKN di Desa Penari” tại buổi gala công chiếu bộ phim này ở Jakarta, Indonesia hồi 4-2022. KKN di Desa Penari là bộ phim nội ăn khách nhất lịch sử phòng vé ở Indonesia. Ảnh: Tribune News

Trong tháng 8, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Indonesia, Cinema XXI, tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giúp người đồng sáng lập Benny Suherman trở thành tỉ phú. Trong khi đó, các công ty điều hành chuỗi rạp chiếu phim ở Thái Lan như Major Cineplex Group và SF Corporation đang lên kế hoạch mở rộng. Cineplex Group đặt mục tiêu khai trương thêm 10 rạp mới tổng cộng 50 phòng chiếu phim.

Các chuỗi rạp phim ở Đông Nam Á cũng đối mặt với những thách thức trong thời kỳ đại dịch nhưng tình hình hiện tại đã trái ngược hẳn với các thị trường châu Á khác.

CJ CGV, nhà điều hành chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc đã đóng cửa một số địa điểm trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh nước này đang chấn động trước những cáo buộc cho rằng các chuỗi rạp phim thổi phòng doanh thu bán vé của 323 bộ phim trong 5 năm qua nhằm tăng thứ hạng phòng vé.

Trong khi đó, doanh thu phòng vé của Nhật Bản vẫn duy trì vị trí lớn thứ ba toàn cầu nhưng số lượng rạp chiếu phim ở nươc này vẫn giảm trong năm ngoái.

Thị trường điện ảnh tăng trưởng ở Đông Nam Á một phần là nhờ các bộ phim sản xuất trong nước đang liên tiếp phá kỷ lục phòng vé.

Sự tăng trưởng của các chuỗi rạp phim ở Indonesia diễn ra sau quá trình tự do hóa mảng kinh doanh rạp phim vào năm 2016 để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và cải thiện doanh thu của các bộ phim quốc tế.

Tuy nhiên, dù các bộ phim bom tấn của Hollywood vẫn tiếp tục được yêu thích nhưng các tựa phim trong nước cũng đang ngày càng thu hút đám đông đến rạp. Chẳng hạn, bộ phim kinh dị sản xuất trong nước “KKN di Desa Penari”, lấy cảm hứng chủ đề văn hóa dân gian, là một trong bộ phim thắng lớn về doanh thu.

Theo Bicara Box Office, vào năm ngoái, những bộ phim do Indonesia sản xuất phá kỷ lục doanh thu phòng vé của trước đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, bộ phim “KKN di Desa Penari” được xếp hạng là phim nội ăn khách nhất, và là phim có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử phòng vé Indonesia, sau “Avengers: Endgame” của Disney.

Ở Thái Lan, số lượng phim nội đang tăng lên và cũng tạo nên những cơn sốt phòng vé. Bộ phim kinh dị “Home for Rent” của đạo diễn Sophon Sakdaphisit đứng đầu doanh phòng vé trong nước suốt một tuần vào đầu năm nay.

Prachaya Suwapreechapass, giám đốc dịch vụ khách hàng của Major Cineplex, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Thái Lan, cho biết phim nước ngoài và phim trong nước ngang ngửa trong danh sách những bộ phim ăn khách nhất.

Chuỗi rạp phim này đang nâng cấp các dịch vụ. Năm 2022, Major Cineplex mua công nghệ trình chiếu 3D hologram. Gần đây, công ty đã giới thiệu các buổi chiếu phim thân thiện với thú cưng, cho phép khán giả mang chó mèo vào rạp. Suwapreechapass cho biết, dịch vụ mới này được phản hồi “rất tốt”.

Theo Rance Pow, Chủ tịch Công ty tư vấn điện ảnh Artisan Gateway, có những xu hướng chung xuất hiện ở các thị trường phát triển nhanh nhất trong thời kỳ hậu đại dịch. Chẳng hạn, đó là sự nổi lên của các bộ phim địa phương và khu vực cũng như trải nghiệm điện ảnh cao cấp.

Việc phát triển những trải nghiệm cao cấp như vậy cũng là cách quan trọng để chống lại sự đe dọa từ các hoạt động phát trực tuyến trái phép do việc thực thi lỏng lẻo các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ của phim ảnh ở nhiều nước Đông Nam Á.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tăng cường hiện diện ở thị trường điện ảnh Đông Nam Á. Hồi tháng 4, IMAX Corporation (Canada), công ty sở hữu công nghệ trình chiếu IMAX tiên tiến nhất thế giới đã mở rộng dấu ấn ở Đông Nam Á với hàng loạt mối quan hệ hợp tác với các chuỗi rạp chiếu phim ở Thái Lan và Việt Nam.

“Đông Nam Á vẫn là một thị trường mạnh mẽ với tiềm năng tăng trưởng vững chắc cho IMAX. Chúng tôi rất vui mừng khi tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới nổi như Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp,” Rich Gelfond, CEO của IMAX Corporation cho biết trong một tuyên bố.

Các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á cũng đang quan tâm hơn đến việc thúc đẩy sản xuất phim trong nước. Đây có thể xem là nỗ lực cạnh tranh sự thành công với cơn bùng nổ phim ảnh Hàn Quốc, vốn thu hút khán giả toàn cầu và đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Văn hóa Indonesia, Nadiem Makarim công bố triển khai khoản tài trợ sản xuất phim ảnh trong nước hàng năm trị giá hàng triệu đô la. “Chúng tôi muốn trở thành thành điểm của Đông Nam Á đối với các hoạt động sản xuất phim ảnh”, ông Makarim nói vào thời điểm đó.

Văn hóa điện ảnh ăn sâu vào nhiều thị trường có doanh thu phòng vé tăng trưởng mạnh mẽ. Ở Indonesia, điện ảnh cũng là thước đo quan trọng về giá trị địa phương và sự thay đổi văn hóa, theo nhận định của Umi Lestari, nhà phê bình phim và giảng viên khoa điện ảnh của Đại học Đa phương tiện Nusantara.

Theo Lestari, gần đây, điều đó đã thể hiện ở việc tập trung vào các nỗ lực bảo tồn, số hóa và triển lãm các bộ phim kinh điển của Indonesia do nhà nước cũng như cộng đồng điện ảnh và các nhà lưu trữ phim Indonesia khởi xướng.

“Khán giả Indonesia rất muốn biết các tác phẩm phim ảnh kinh điển của đất nước. Hiện nay, có rất nhiều buổi chiếu các bộ phim kinh điển của Indonesia do cộng đồng địa phương khởi xướng. Tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt. Nếu đến Indonesia vào thời điểm này, bạn sẽ thấy hoạt động bảo tồn văn hóa đang trở thành một chủ đề nóng”, Lestari nói.

Theo Japan Times

Khánh Lan