Sự tiếc nuối muộn màng ở điểm nóng Covid-19 mới của Mỹ

Bệnh viện tại Louisiana những ngày gần đây ngập tràn bệnh nhân và chứng kiến nhiều người trẻ mắc Covid-19 hơn trước. Cuộc khủng hoảng tại bang đang khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về việc tiêm vaccine, trái ngược với sự chần chừ trước đây, theo New York Times.

Các quan chức ở Louisiana đã đưa ra nhiều biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 đang tụt hậu của bang, bao gồm treo thưởng một triệu USD.

Madeline LeBlanc mới đây đã tiêm liều vaccine đầu tiên. Tuy nhiên, động lực của cô không phải đến từ những nỗ lực kêu gọi của chính quyền bang, mà từ sự sợ hãi trước các con số về Covid-19 tăng lên chóng mặt.

Xem các bản tin về sự hoành hành của biến chủng Delta phủ kín các trang và kênh tin tức, LeBlanc, 24 tuổi, nhận ra rằng nếu còn chần chừ không tiêm vaccine, cô không chỉ đặt tính mạng bản thân vào nguy hiểm, mà còn có thể gây hại đến người xung quanh.

“Tôi không muốn trở thành người gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác”, cô nói.

Madeline LeBlanc (24 tuổi), một nhân viên tại Đại học bang Louisiana, vừa tiêm xong mũi vaccine Covid-19 đầu tiên ở Baton Rouge, ngày 3/8. Ảnh: New York Times.

Nhu cầu về vaccine đã tăng gần gấp 4 lần trong những tuần gần đây ở Louisiana, trở thành tia sáng đầy hứa hẹn đẩy lùi những ngày tăm tối của dịch bệnh và sự sợ hãi vaccine.

“Những ngày tăm tối nhất”

Bệnh viện tại bang đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 hơn bao giờ hết. Ngay cả bệnh viện nhi cũng có các đơn vị chăm sóc đặc biệt đang hoạt động.

Theo số liệu của New York Times, trong vòng một tuần qua, mỗi ngày bang Louisiana ghi nhận trung bình gần 4.500 ca mắc Covid-19 mới, tăng 104% so với hai tuần trước. Trong đó, có khoảng 1.866 ca phải nhập viện hàng ngày, tăng 156%. Số người chết vì Covid-19 trung bình mỗi ngày trong cùng khoảng thời gian là 28 người.

Bác sĩ Catherine O’Neal, giám đốc y tế tại Trung tâm y tế Our Lady of the Lake ở thủ phủ Baton Rouge, nhận xét: “Đây là những ngày đen tối nhất của chúng tôi trong đại dịch”.

Biến chủng Delta đã gây ra làn sóng Covid-19 trên khắp nước Mỹ, và Louisiana nổi lên như một trong những điểm nóng nhất. Tỷ lệ ca bệnh trên đầu người cao nhất cả nước khiến hệ thống y tế của bang đang phải gồng mình.

“Chúng tôi đang ở tình cảnh khốn khổ”, Thống đốc John Bel Edwards nói, mô tả sự thất vọng và xấu hổ về tình cảnh mà bang đang phải gánh chịu do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ở Baton Rouge, thủ phủ của bang, một bệnh viện đã phải huy động nhân viên hỗ trợ khẩn cấp liên bang với số lượng tương đương khi có một cơn bão.

Trung tâm Y tế North Oaks ở Hammond, Louisiana. Ảnh: New York Times.

Tại Hammond, một thành phố có khoảng 21.000 dân, các y tá được lệnh phải làm thêm ca.

Để kiềm chế sự lây lan của virus ở Louisiana, ngoài thúc đẩy việc tiêm chủng, Thống đốc Edwards cũng khôi phục quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn bang, yêu cầu người từ 5 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang kể cả trong nhà.

Các lệnh của thống đốc trước khi có hiệu lực vào ngày 4/8 đã vấp phải sự phản đối từ dữ dội công chúng.

Ngày 2/8, thống đốc đã không kìm nén được giọng điệu tức giận của mình khi kêu gọi người dân đeo khẩu trang.

"Rốt thì mọi người có chịu đeo khẩu trang không? Tôi hy vọng các bạn tuân thủ. Tôi cũng sẽ tuân theo. Tôi vẫn thường nghe người ta nói Louisiana là tiểu bang thân thiện nhất cả nước. Tôi muốn tin vào điều đó”, thống đốc nói.

Covid-19 đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn

37% dân số tại bang đã được tiêm vaccine đầy đủ, tăng 3% so với hồi tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc là khoảng 50%.

Bác sĩ Robert C. Peltier, giám đốc y tế của Hệ thống Y tế North Oaks ở Hammond, cho biết: “Mọi người cuối cùng cũng nhận ra tình hình đã trở nên tồi tệ như thế nào”.

Bác sĩ Robert C. Peltier, giám đốc y tế của Hệ thống Y tế North Oaks ở Hammond. Ảnh: New York Times.

Đối với nhiều người trẻ tuổi, sau nghe tin về hàng loạt trường hợp người ở độ tuổi của họ qua đời vì Covid-19, nỗi sợ về căn bệnh đã bắt đầu lấn át nỗi sợ vaccine.

“Thật đáng sợ khi nghĩ đến việc cuộc đời tôi có thể kết thúc trong bệnh viện”, Brianna (22 tuổi) chia sẻ khi đang chờ đến lượt tiêm vaccine ở một điểm tiêm chủng tại Baton Rouge, Louisiana.

Ashlynn Robert (24 tuổi) đã né tránh việc chủng ngừa Covid-19 vì sợ kim tiêm. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tại Mỹ tăng cao trở lại, mẹ cô đã bắt cô phải tiêm phòng. Robert nói sau khi nhận liều vaccine đầu tiên: “Nó không tệ đến vậy. Có lẽ tôi đã kịch hóa việc này”.

Một trong những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh trong bang là khu vực Tangipahoa, một vùng gồm nhiều thành phố hoặc thị trấn nhỏ.

Tại Hammond, thành phố lớn nhất trong Tangipahoa, Trung tâm Y tế North Oaks đã tiếp nhận 93 bệnh nhân Covid-19 trong một ngày gần đây, có độ tuổi từ 20 đến 85. Trước đợt bùng dịch này, số bệnh nhân nhiều nhất mà trung tâm y tế này từng tiếp nhận là 65 người vào hồi tháng 12/2020.

Patti Hilbun, 65 tuổi, đã ở bệnh viện gần 2 tuần.

Bà không muốn chủng ngừa Covid-19 vì từng có phản ứng không tốt khi tiêm phòng cúm. Bà cũng bị bệnh Hashimoto, một chứng rối loạn tự miễn. Chồng bà liên tục thúc ép bà đi tiêm. “Tôi đã cố cổ vũ bản thân”. Thế nhưng, trước khi quyết định tiêm phòng, Hilbun đã tham dự một đám cưới và không đeo khẩu trang.

Patti Hilbun nhập viện điều trị Covid-19 trong gần hai tuần. Ảnh: New York Times.

Stacy Newman, bác sĩ tại Trung tâm Y tế North Oaks cho biết một người đàn ông 31 tuổi đã chết vì Covid-19 hôm 3/8. Anh có hai con, và người vợ cũng là một bệnh nhân Covid-19.

Một y tá đã phải cứng rắn nói với chồng cô rằng anh phải đi tiêm phòng, hoặc chuyển ra ngoài ở.

Justin Fowlkes, bác sĩ về bệnh phổi cho biết: “Tôi cảm thấy ở bệnh viện còn an toàn hơn ở ngoài đường”.

Brooke Moran, một y tá của North Oaks, nói rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm vì nhiều người thân của cô đã được chủng ngừa. Họ đã lắng nghe và tin tưởng cô. Moran tin rằng nếu mọi người đi tiêm vaccine sớm hơn, tình hình Covid-19 tại bang đã không leo thang đến mức như hiện tại.

Suốt 15 tháng, cô đã chứng kiến bao cảnh bệnh tật khổ đau vì Covid-19, nhưng lần này thì khác, cô nói. Làn sóng mới này tệ hơn và vốn có thể ngăn chặn được.

“Tôi vẫn rất tận tâm với công việc”, cô nói với giọng đứt quãng và nước mắt lưng tròng. “Tôi vẫn rất quan tâm đến người bệnh, nhưng tôi cũng thấy bực bội. Căn bệnh này vốn có thể phòng tránh được và tôi không muốn họ chết. Thế nhưng, điều đó nằm ngoài tầm tay của chúng tôi”.

Hồng Ngọc

Theo New York Times