SSI Research: Các ngân hàng có thể được nới tín dụng một lần nữa

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 12-16/7.

Cụ thể, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng được nới thêm 2-6 điểm % tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới vào khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu. Tuy nhiên, mức này thấp hơn so với năm 2020 là 12,13%.

Vì vậy, SSI Research kỳ vọng cơ quan quản lý tiền tệ sẽ có thêm một đợt nới hạn mức tín dụng cho các nhà băng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý II hoặc đầu quý IV năm nay.

Thực tế, trong đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa qua của NHNN, hầu hết mức tăng trưởng mới tại các ngân hàng đều thấp hơn năm 2020. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã đạt giới hạn tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, hạn mức tăng cho nửa cuối năm cũng thấp hơn tương đối.

Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng từ tháng 7. Ảnh: Nam Khánh.

Cụ thể, MBBank vừa qua được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10,5% lên 15% cho cả năm nay, tương đương có thêm 4,5 điểm % tăng trưởng cho nửa còn lại của năm, chưa bằng 50% so với nửa đầu năm.

Trong khi đó, năm 2020, nhà băng này được nâng từ 11,8% lên 20%.

Tương tự, VIB cũng mới được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 14,1% năm nay, thấp hơn so với mức từ 10,5% lên 30% của năm 2020.

Hàng loạt ngân hàng được nới room tín dụng đợt này cũng ghi nhận hạn mức nửa cuối năm thấp hơn so với giai đoạn đầu năm như VPBank được nâng room từ 8,5% lên 12,1%; Sacombank từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank từ 6,5% lên 10%; Techcombank được nới lên 17% từ 12% ban đầu; trong khi con số tại Vietcombank tăng từ 10% lên 14%, tương đương năm 2020...

Đáng chú ý, trong nhiều năm gần đây, cơ quan quản lý tiền tệ thường chỉ có một lần điều chỉnh tăng trưởng tín dụng các ngân hàng.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng (%):

Với việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp mới có xu hướng thấp hơn nửa đầu năm và cùng kỳ cho thấy NHNN cũng đang thận trọng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Trước đó, lãnh đạo NHNN cho biết việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng đảm bảo nguyên tắc nhất quán cơ quan quản lý đề ra từ đầu năm, để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ngoài ra, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của các tổ chức tín dụng, và NHNN đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng đơn vị.

Như vậy, ngoài việc NHNN thận trọng với tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm thì chính các ngân hàng cũng khá dè dặt với chỉ tiêu này của đơn vị trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cũng theo báo cáo của SSI Research, với việc được tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Hiện một loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MBBank, ACB, HDBank, Sacombank, TPBank… đều đã giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm kể từ 15/7 đến cuối năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.

Trong khi đó, lãi suất huy động không thay đổi và được kỳ vọng sẽ đi ngang trong ngắn hạn.

Quang Thắng