Sống lại Tết Việt Nam xưa qua những trang sách của các học giả Việt Nam và nước ngoài

Tết Việt Nam xưa được tuyển dịch kỹ lưỡng, mở đầu với bài nghiên cứu sâu sắc, như một tổng quan về Tết cổ truyền Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên.

Tiếp đó, độc giả sẽ bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm tâm hồn Việt trong sự khắc họa uyên bác, tinh tế, gần gũi mà sống động của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh…

Bìa sách Tết Việt Nam xưa. (Nguồn: MaiHaBooks)

Gói trong gần 200 trang, Tết Việt Nam xưa được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết.

Phần Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên, Ông Tam Đa, Lễ nghinh xuân ở Huế, Đại lễ Nam Giao, Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế, Lịch của người An Nam,Tâm lý ngày Tết.

Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc với những bài viết như: Lá thư đêm giao thừa,Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet, Tết qua cái nhìn của một người An Nam, Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII), Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier...

Đặc biệt, các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động, nhiều tranh vẽ phong cách mỹ thuật dân gian đặc sắc.

Phần Thú chơi Tết xoay quanh thú chơi tao nhã của người Việt trong dịp Tết như: Hoa thủy tiên trong ngày Tết, Đối liễn, Phúc và Thọ, Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết, Hội Lim...

Tuy nhiên, thú vị nhất vẫn là những góc nhìn mới mẻ, lạ lẫm của nhà văn, du khách, học giả người Pháp và quốc tế về phong tục Tết của Việt Nam.

Tạp chí Đông Dương là cái tên mang nhiều ý nghĩa, bởi ở đó có sự xuất hiện nhiều cây bút tầm cỡ Việt Nam và Pháp. Những bài viết đặc sắc về Tết Việt Nam đăng trên Tạp chí Đông Dương - tạp chí tiếng Việt đầu tiên xuất bản tại Hà Nội từ năm 1913 - 1919.