Siêu thị gặp khó vì chỉ 5% nhân viên được lưu thông sau 18h

Ngày 10/8, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản gửi các hệ thống phân phối hiện đại về việc cho phép nhân viên lưu thông từ 18h đến 6h ngày hôm sau.

Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu nhân viên siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi lưu thông trên đường sau 18h để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh. "Số lượng tương đương 5% tổng số nhân viên của mỗi hệ thống", Sở Công Thương nhấn mạnh.

5% nhân viên được lưu thông là rất ít

Trao đổi với Zing, đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết việc quy định 5% trên tổng số nhân viên được lưu thông sau 18h là rất ít so với lượng lớn nhân viên của các hệ thống.

Một hệ thống siêu thị lớn cho biết với 5% nhân viên được phép lưu thông họ cũng chỉ có thể sắp xếp dự phòng cho một số bộ phận như bảo vệ và nhân viên kho trong trường hợp xảy ra sự cố.

"Số lượng nhân viên được cho phép quá ít như vậy chúng tôi không thể vận hành được một dây chuyền, bộ phận để chuẩn bị hàng hóa, chế biến thực phẩm... Chẳng hạn, bộ phận chuẩn bị hàng tươi sống của một siêu thị lớn cần đến hàng chục nhân viên nhưng với 5% thì con số ít đó không thể giải quyết được", đại diện hệ thống bán lẻ này cho hay.

Hiện, hệ thống siêu thị này cũng đang khẩn trương chuẩn bị thẻ nhân viên, giấy đi đường và lên danh sách nhân viên gửi Sở Công Thương TP.HCM trong ngày 11/8.

Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu số lượng nhân viên được hoạt động sau 18h tương đương 5% tổng số nhân viên của mỗi hệ thống. Ảnh: Phương Lâm.

Ông Lê Hữu Tình, đại diện siêu thị Emart cho biết việc Sở Công Thương cho phép nhân viên được hoạt động trong giờ giới nghiêm, do đó phía siêu thị có thể điều chỉnh giờ làm việc của nhân viên.

Tuy nhiên, ông Tình cho rằng 5% nhân viên thì rất ít không đủ để mọi hoạt động chuẩn bị như bình thường. "Hiện, siêu thị chỉ ưu tiên cho những nhân sự thật sự cần thiết, chủ yếu sắp xếp cho nhóm nhân sự hàng tươi sống, nhân viên kỹ thuật và an ninh để đảm bảo việc vận hành dễ hơn", ông nói.

Nỗ lực tìm mọi cách đảm bảo hàng hóa

Ông Tình cho biết dù thời gian làm việc có rút ngắn nhưng siêu thị vẫn tự điều tiết nhân sự sắp xếp ca làm việc tùy theo bộ phận để đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân. "Có 5% nhân viên này hay không thì vẫn phải bảo đảm hàng hóa", ông nói thêm.

Đại diện Emart cho biết trước đó, vì không được đi lại sau 18h đến 6h sáng hôm sau nên nhân sự một số bộ phận ca sớm phải lên siêu thị ngủ, nằm chờ đến giờ làm việc. "Giờ được đi làm trong giờ giới nghiêm thì nhân viên đó có thể đi làm theo khung bình thường như cũ để bảo đảm hoạt động của siêu thị mở cửa lúc 7h30 sáng", ông nói với Zing.

Tương tự, một siêu thị khác cũng cho biết khó sắp xếp nhân viên khi chỉ được phép 5% số lượng nhân sự hoạt động sau 18h. Bởi mỗi siêu thị có vài trăm, nghìn nhân viên chia nhiều điểm bán, nhiều bộ phận, nhiều ca làm việc khác nhau.

Dù thời gian làm việc có rút ngắn, nhiều siêu thị cho biết vẫn tự điều tiết nhân sự sắp xếp ca làm việc tùy theo bộ phận để đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân. Ảnh: Phương Lâm.

"Nhiều hệ thống có các siêu thị mini, bình thường mỗi cửa hàng có 2-3 người, hoặc 20 người/điểm, giờ chỉ được 1 người đi làm nên sẽ rất vất vả", đại diện siêu thị cho biết.

Trước đó, ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận chủ trương cho một số nhân viên siêu thị, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18h đến 6h hôm sau để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu các nhân viên hệ thống bán lẻ được phép lưu thông từ 18h phải có thẻ đeo cứng có hình của nhân viên và giấy xác nhận của các đơn vị hệ thống phân phối cho từng người.

Đồng thời đề nghị Công an TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các trạm, chốt phối hợp hỗ trợ và đảm bảo lưu thông cho nhân viên của hệ thống các siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố theo danh sách xác nhận của Sở Công Thương.

Thanh Thương