Sau thí điểm, Bộ Y tế sẽ xem xét cho cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc

(Ảnh minh họa)

Theo bà Hương, việc cách ly F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly. Khi các khu vực các ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Đối với người F1 có nhà đáp ứng điều điệu cách ly thì có thể cách ly tại nhà.

"Việc cách ly tại nhà giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các khu cách ly tập trung bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng khu vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly trong suốt thời gian cách ly theo quy định", bà Hương cho hay.

Việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp là F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt là ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Bà Hương cho biết thêm, điều kiện để F1 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn mới ban hành tương tự với điều kiện cách ly đối với trẻ em đã được triển khai thực hiện theo Công văn số 897/BYT-MT ngày 7/2/2021 của Bộ Y tế.

Qua một thời gian thực hiện điều kiện cách ly đối với trẻ em cho thấy các điều kiện này khả thi, không có lây nhiễm và hiện cũng chưa có địa phương nào phản ánh về khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình là rất lớn. Vì vậy, nhà cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong quá trình cách ly.

"Sau khi thí điểm, Bộ Y tế và UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổng kết những điểm vướng mắc, thiếu sót, chưa phù hợp thực tế để sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn và áp dụng chính thức", bà Hương nói.

Về việc nhân rộng ra nhiều địa phương, bà Hương cho hay, sau thời gian triển khai thí điểm, Bộ Y tế sẽ đánh giá lại tính khả thi của việc cách ly F1 tại nhà, đồng thời sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng Hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Việc cách ly y tế tại nhà đã được hướng dẫn thực hiện ngay từ tháng 3/2020 và Bộ Y tế đã ban hành các văn bản sau:

- Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19” áp dụng cho những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2).

- Công văn số 3588/CV-BCĐ ngày 02/7/2020 cách ly tổ bay và phi công trên các chuyến bay chở hàng và các chuyến bay chở khách từ Việt Nam đến các nước, không chở khách trên chuyến bay về. Trong đó, các đối tượng này thực hiện cách ly tập trung 7 ngày sau đó tiếp tục về cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

- Công văn số 897/BYT-MT ngày 07/2/2021 về cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi là F1 tại nhà. Trong đó cho phép trẻ em dưới 5 tuổi được cách ly tại nhà riêng; trẻ em dưới 15 tuổi được phép cách ly tại nhà sau khi cách ly y tế tập trung bảy ngày và xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 3 lần. Nhà riêng để cách ly phải đáp ứng điều kiện cách ly tương tự như nhà cách ly F1 đang thí điểm tại TP Hồ Chí Minh.

- Quyết định số 2787/QĐ-BCĐ ngày 05/6/2021 về việc “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”, trong đó có hướng dẫn về cách ly công nhân là F1 tại nhà ở/nhà trọ trong khu vực phong tỏa khi số lượng F1 tại khu nhà trọ, khu dân cư đông và vượt quá năng lực cách ly của các cơ sở cách ly tập trung.

LAM NGỌC