Sài Gòn đẹp xưa

Gồm hai phần chính: Còn vọng âm xưaNơi chốn cũ, cuốnSài Gòn đẹp xưa xoay quanh câu chuyện về lối phục sức, giải trí, ẩm thực... của người Sài Gòn trước 1975 và được lưu giữ về sau. Trong đó thú vui đi xem cải lương, đua xe đạp, đi dạo phố… cũng như tình hình báo chí đương thời và những nữ chủ báo quan trọng cũng được tác giả khéo léo khai thác, mang đến nhiều nguồn thông tin giá trị.

Sau Sài Gòn - ngoảnh lại trăm năm (đã phát hành vào tháng 1.2021), Sài Gòn đẹp xưa là tác phẩm mới nhất của tác giả Phạm Công Luận vừa được Phanbook và Nhà xuất bản Lao Động liên kết ấn hành. Ảnh: P.B.

Qua tác phẩm này, tác giả cũng lồng ghép nhiều câu chuyện thời cuộc, từ đó nhìn về quá khứ với sự hoài nhớ. Đó là thời kỳ Đại dịch vừa qua với sự im ắng khiến ông nhớ đến “tiếng vạc sành trong đám cỏ”, nhớ những mùi hương và các âm thanh của thuở thiếu thời như một “di sản thuộc về giác quan của vùng nông thôn”. Ký ức về Thiệp Tết – món quà dĩ vãng cũng như hồi ức về thời khát đọc – đói sách cũng đưa độc giả theo bước chân ông đến thăm không gian sáng tác của các tên tuổi nổi bật…

Ngoài ra, ký ức thân thương về thời nghèo khó với cơm “Lâm vố”, “Thời tận dụng”… hay những khung cảnh, địa danh nổi tiếng Sài Gòn một thuở: chợ Bến Thành, đường Duy Tân, đường Pasteur, cầu Bông, ngã tư Hàng Sanh... gắn liền với các chân dung văn – nghệ sĩ nổi bật, cũng được tái hiện.

Bằng cách phục dựng lại những sinh hoạt đời sống của Sài Gòn thông qua những câu chuyện nhỏ, bạn đọc sẽ thấy được bức tranh một Sài Gòn ân tình, phong lưu và tao nhã không phai nhạt trước những biến thiên thời cuộc. Qua đó vẻ đẹp của nết ăn, nếp ở, tâm tính người Sài Gòn trong thời quá khứ chưa xa được Phạm Công Luận kể lại một cách tỉ mỉ và hấp dẫn.

Phạm Công Luận là tác giả nổi tiếng với những cuốn sách viết về ký ức Sài Gòn. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến Sài Gòn – ngoảnh lại trăm năm (2021), Những bức tranh phù thế (2019), Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập, 2014-2018), Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh chung Phạm Lữ Ân, đồng tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy, 2012), Những lối về ấu thơ (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy, 2012)…

PV