Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thực tế cho thấy, nền kinh tế năng lượng Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên… Những nguồn năng lượng này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế trong hai thập kỷ gần đây. Trước đó, xuất khẩu dầu thô và than là những nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách quốc gia. Gần đây, nhập khẩu năng lượng lại có xu hướng tăng mạnh mẽ.

Để vượt qua các khó khăn thách thức, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là thực sự cần thiết.

Cần thiết phải lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Trong giai đoạn vừa qua, các phân ngành năng lượng đã có tốc độ phát triển cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, với những chuyển biến quan trọng về năng lượng trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước những thách thức thực sự trong phát triển bền vững năng lượng, đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng, đẩy mạnh hoạt động của các thị trường năng lượng, thúc đẩy hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Để đáp ứng tình hình phát triển mới, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ban hành ngày 26/12/2017 đã quy định việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng trong danh mục các quy hoạch kết cấu hạ tầng. Việc xây dựng một quy hoạch tổng thể về năng lượng sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung – cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra: Mục tiêu Thiên niên kỷ, Chiến lược Phát triển Bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng dầu khí (Ảnh: PV)

Nhằm vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” là thực sự cần thiết.

Mục tiêu lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Quy hoạch được lập với những mục tiêu cụ thể như sau:

Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng, nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011-2018, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn 2031-2050.

Nghiên cứu các phương án phát triển các phân ngành năng lượng và sử dụng hiệu quả năng lượng, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ cho phát triển kinh tế - xã hội, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; đánh giá sự liên kết, đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế. Lập danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của các phân ngành năng lượng…

Các nội dung cơ bản của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia

Phát triển bền vững ngành điện lực vẫn là bài toán khó của nước ta hiện nay (Ảnh: PV)

Quy hoạch năng lượng có quy mô phạm vi bao trùm cả nước và có xem xét đến xuất nhập khẩu, liên kết điện với các nước láng giềng, trong đó phạm vi quốc gia được chia thành 6 vùng chính và loại hình năng lượng để đánh giá. Trong đó các vùng chính là: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Do đó, phạm vi không gian của Đánh giá môi trường chiến lược cũng sẽ tương tự như phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch. Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược cũng nghiên cứu các khu vực có hoạt động của các phân ngành than, dầu khí và điện lực bao gồm cả đường dây truyền tải điện đấu nối sang các nước lân cận và các lưu vực sông liên quan, quy mô nhập khẩu năng lượng…

Nhiều ý kiến đánh giá, đây là bản quy hoạch năng lượng đầu tiên mang tính chất tổng thể và có tính định hướng cho các quy hoạch năng lượng thành phần. Dự thảo Quy hoạch tổng thể đã khắc phục được nhiều tồn tại của các quy hoạch phân ngành trước đây, không chỉ chú ý đến yếu tố phát triển năng lượng (đủ và tin cậy) mà còn chú ý nhiều mặt khác như yếu tố môi trường, yếu tố biến đổi khí hậu, yếu tố giá cả, yếu tố thị trường, yếu tố tiết kiệm và hiệu quả, yếu tố kết hợp trong và ngoài nước…

Quy hoạch tổng thể cũng bám sát các định hướng, chính sách về năng lượng với các chỉ tiêu định hướng trung và dài hạn của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến 2050./.

Lê Anh