Quan tâm đến sinh kế của người dân sau tái định cư

Thời gian vừa qua, nhiều dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư được thực hiện, đời sống, sản xuất của người dân tại nhiều khu, điểm tái định cư đã đi vào ổn định và ngày càng được nâng lên.

Đây là những thông tin được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn.

Liên quan đến lĩnh vực bố trí dân cư, di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Hoàng Yến cho biết, nhấn mạnh: “Năm 2023 cả nước bố trí ổn định cho khoảng 6.000 hộ, góp phần hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, hạn chế di cư tự do, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh”.

Các hộ dân di cư tự do tiếp tục được bố trí sắp xếp ổn định, cơ bản giảm tình trạng dân di cư tự do. Cụ thể, năm 2021 có 127 hộ, năm 2022 chỉ có 22 hộ, trước và sau tết nguyên đán năm 2023 có 6 hộ.

Các hộ dân di cư tự do tiếp tục được bố trí sắp xếp ổn định, cơ bản giảm tình trạng dân di cư tự do.

Về tình hình thực hiện công tác di dân, tái định cư và ổn định đời sống, sản xuất sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, bà Yến thông tin, đến nay có tổng số 152 dự án thủy lợi, thủy điện phải thực hiện công tác di dân, tái định cư, với tổng số hộ dân phải di dời tái định cư là 81.397 hộ.

Trong đó, số hộ đã di chuyển đến các điểm tái định cư là 77.429 hộ (chiếm 95,1%); số hộ chưa di chuyển là 3.968 hộ thuộc 25 dự án thủy lợi, thủy điện (chiếm 4,9%), trong đó: 86 dự án thủy điện, với tổng số hộ phải di dời, tái định cư là 67.320 hộ; 66 dự án thủy lợi, với tổng số hộ phải di dời, tái định cư là 14.062 hộ.

Tuy nhiên, bà Yến nhận định: “Quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí dân cư còn hạn chế, đặc biệt là đất sản xuất tại điểm tái định cư; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết; còn tồn tại điểm nóng về tranh chấp đất đai chậm được giải quyết, dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh, song đến nay còn khoảng 8.800 hộ, riêng các tỉnh Tây Nguyên là hơn 7.900 hộ tập trung chủ yếu các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, cần tiếp tục được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch.

Về tình hình thực hiện bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, ông Tạ Công Huy - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh ào Cai cho biết: “Chương trình bố trí dân cư là một trong những Chương trình có vị trí, vai trò quan trọng. Nhờ có chính sách các hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm, biên giới được quy tụ về nơi ở mới ổn định, được thụ hưởng các công trình phúc lợi công cộng, có đủ đất để sản xuất”.

Đồng thời, các công trình hạ tầng thiết yếu đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn, giảm thiểu tối đa nguy hiểm cho các hộ nằm trong vùng thiên tai và nguy cơ thiên tai; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (giữa).

Từ đó, ông Huy đề nghị cần có chính sách nguồn lực riêng để thực hiện Chương trình sắp xếp dân cư theo Quyết định số 590 ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là những tỉnh miền núi thường xuyên gặp thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất dẫn đến nhu cầu bố trí sắp xếp dân cư rất lớn. Đồng thời cho phép các tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch các dự án phát sinh mới.

Tại sự kiện, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nhấn mạnh: Khi chuyển sang nông nghiệp sinh thái, khu vực kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc tổ chức nông dân. Đồng thời, đây cũng là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị.

Mở rộng ra ở các đơn vị, địa phương, ông Thịnh cho rằng, cần lấy lấy kinh tế tập thể làm tập trung để huy động các lĩnh vực khác như cơ giới hóa, đào tạo nghề hay bố trí dân cư…”

Liên quan đến bố trí dân cư, theo ông Thịnh, một mặt cần hạn chế di dân, nhất là di dân tự do, bố trí dân cư ở vùng khó khăn vào các khu tái định cư nhưng cũng phải quan tâm đến sinh kế của người dân sau tái định cư. “Bởi nếu không quan tâm đến sinh kế thì việc tái định cư không bền vững”, ông Thịnh nói.

Nguyễn Phương Anh