Quản lý tốt AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore, Lawrence Wong công bố Chiến lược AI quốc gia 2.0 (NAIS 2.0) tại Hội nghị Singapore về AI, ngày 4-12-2023_Ảnh: MCI

Đầu tháng 12-2023, khi công bố bản cập nhật đối với chiến lược AI quốc gia, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính , Lawrence Wong khẳng định, quốc gia Đông Nam Á này “tin tưởng vào tiềm năng tạo ra sự biến đổi của AI” và lên kế hoạch tăng gấp 3 số nhân tài về AI của đất nước lên 15.000 người.

Hầu hết các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương đều có chung quan điểm tích cực này. Theo cuộc khảo sát CEO Outlook Pulse mới nhất của Hãng dịch vụ kiểm toán đa quốc gia Ernst & Young (EY), 70% số giám đốc điều hành (CEO) trong khu vực này coi AI là động lực thúc đẩy hiệu quả và đổi mới.

Tuy nhiên, AI cũng đi kèm với những rủi ro về kỹ thuật, xã hội, đạo đức và an ninh. Đây cũng là điều mà Chính phủ Singapore đã thừa nhận. Vì vậy, khi các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy đầu tư vào AI - dự kiến đạt 78,4 tỷ USD/năm vào năm 2027 - họ sẽ tìm kiếm các nhà hoạch định chính sách để thiết lập các khuôn khổ quản lý rõ ràng.

Hiện nay, công tác này đang được triển khai. Một số chính phủ, vốn từng đăng ký các nguyên tắc tự nguyện cấp cao, chẳng hạn như Nguyên tắc AI của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vốn đang hướng tới việc thiết lập và ban hành quy định.

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI kéo dài 2 ngày ở Anh đã góp phần tạo ra sự đồng thuận trên toàn cầu. Sự kiện trong tháng 11-2023 đã quy tụ đại diện chính phủ và doanh nghiệp từ 28 quốc gia, trong đó gồm có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như ên minh châu Âu (EU). Tuyên bố chung mang tính lịch sử của hội nghị đã cam kết hợp tác trong việc bảo đảm AI được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm”.

Hội nghị này chủ yếu tập trung vào các rủi ro dài hạn, trong đó gồm cả mối đe dọa hiện hữu được suy đoán của AI đối với nhân loại. Tuy vậy, những rủi ro trong ngắn hạn - từ xâm phạm quyền riêng tư và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho đến truyền bá thông tin sai lệch và duy trì các thành kiến xã hội - lại là những mối lo ngại chính đáng hơn đối với đại đa số các doanh nghiệp đang theo đuổi đầu tư vào AI.

Các công ty này có thể được hưởng lợi từ các khuôn khổ quy định và chính sách xung quanh AI, theo đó không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn rất quan trọng trong việc tạo lập đủ niềm tin vào AI để duy trì việc mở rộng các ứng dụng của AI và nhận thức rõ tiềm năng của nó.

Các công ty công nghệ lớn nhất nhận ra điều này. Mặc dù họ có “truyền thống” quan ngại về các quy định kìm hãm sự đổi mới, nhưng họ cũng hiểu rằng việc xoa dịu những lo lắng về AI là rất quan trọng đối với sự phát triển của chính công nghệ này. Khu vực tư nhân có thể chưa nhất trí với những chi tiết cụ thể của các quy định do giới hoạch định chính sách ban hành, nhưng Alphabet, Microsoft và nhà phát triển của ChatGPT đều ủng hộ quy định về AI dưới một số hình thức.

Hiện nay, EU đã áp dụng cách tiếp cận toàn diện nhất, tập trung vào mục đích sử dụng và dựa trên những đánh giá về rủi ro. Gần đây, EU đã nhất trí về Đạo luật AI - dự kiến sẽ có hiệu lực theo các giai đoạn từ năm 2026 - bao hàm các biện pháp sâu rộng để bảo vệ người dân. Đạo luật cũng đề cập đến các tác nhân trong chuỗi giá trị AI, bao gồm các nhà phát triển, nhà triển khai, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp sử dụng các hệ thống AI này.

Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (fake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi AI tinh vi.

Ở Mỹ, sắc lệnh gần đây của Tổng thống Joe Biden đã tạo tiền đề cho các tiêu chuẩn liên bang mới về an toàn, bảo mật và độ tin cậy của AI.

Hiện Trung Quốc cũng đang soạn thảo một đạo luật AI toàn diện. Cho đến nay, trái ngược với cách tiếp cận toàn diện về các quy định mà EU theo đuổi, Trung Quốc đã liên tục đưa ra các quy định nhắm vào các ứng dụng hoặc biểu hiện cụ thể của AI. Ví dụ, để ứng phó với sự phát triển nhanh chóng của AI tạo sinh, Trung Quốc đã công bố các quy định tạm thời đối với các nhà cung cấp công nghệ này, theo đó đã có hiệu lực từ giữa tháng 8-2023.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chính phủ đều đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển và ban hành luật AI. Cảnh báo về những đổi mới đột ngột này, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đặt câu hỏi: “làm thế nào chúng ta có thể viết ra các đạo luật có ý nghĩa đối với những điều mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ?”.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn có vẻ ủng hộ cách tiếp cận tương đối tự do, hy vọng sẽ hoàn thiện Hướng dẫn ASEAN về quản trị và đạo đức AI vào đầu năm 2024.

Tuy nhiên, các CEO của Đông Nam Á nhận thức rõ về nhược điểm của AI, đồng thời thừa nhận rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết các rủi ro từ các cuộc tấn công mạng cho đến thông tin sai lệch và “deepfake”. 2/3 số người được khảo sát cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung vào các ảnh hưởng đạo đức của AI, trong khi một tỷ lệ tương đương cũng cho rằng giới doanh nghiệp chưa làm đủ để quản lý những hậu quả khôn lường.

Dù trong bất kỳ tình huống nào, các công ty có tham vọng toàn cầu cần bảo đảm tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn nghiêm ngặt hơn những công ty khác. Giống như các công ty làm ăn với EU phải tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), Đạo luật AI của EU cũng có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong khu vực EU, vì nó bao hàm tất cả các hệ thống AI ảnh hưởng đến “thể nhân” ở EU, cho dù hệ thống đó được phát triển hoặc quản lý ở bất kỳ đâu.

Bất chấp tình trạng quản lý còn non yếu, các tập đoàn vẫn đang ưu tiên đầu tư vào AI một cách đúng đắn: suy cho cùng, những doanh nghiệp thành công sẽ là những doanh nghiệp sớm kết hợp kỹ thuật dữ liệu và AI vào công việc của họ.

Như từng được nhấn mạnh trong một cuộc khảo sát gần đây khác của Ernst & Young, các doanh nghiệp đầu tư vào AI nhận thấy việc quản lý các vấn đề liên quan đến độ chính xác, đạo đức và quyền riêng tư sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong hoạt động quản trị của họ. Nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện các bước theo hướng đó: chỉ khoảng 1/3 số tổ chức trên toàn cầu có chiến lược quản trị AI đối với toàn doanh nghiệp.

Do AI còn đang ở giai đoạn sơ khai, nên nhiều công ty thiếu năng lực nội bộ để phát triển các quy trình quản trị này hoặc tin tưởng rằng sáng kiến của họ sẽ tuân thủ các yêu cầu quản lý phức tạp và phát triển nhanh chóng.

Đó chính là khoảng cách họ cần phải thu hẹp. Quản trị AI một cách đáng tin cậy và hiệu quả sẽ trở thành động lực ngày càng quan trọng cho tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trước sự thay đổi trong thái độ của công chúng, khi mối lo ngại đang làm lu mờ sự phấn khích. Quy định là cần thiết và có thể nâng cao niềm tin vào AI và việc áp dụng nó. Các công ty cần góp phần xây dựng niềm tin vào AI và điều đó cần bắt đầu bằng việc quản trị tốt.

Theo Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản