Phần Lan: Ngày văn hóa quốc gia bắt nguồn từ một sử thi - Kalevala

Bìa 'Kalevala' và 'Cối xay thần Xam pô' được dịch sang tiếng Việt.

Kalevala dựa trên những bài thơ, bài dân ca dân gian của Phần Lan và Karelia (thuộc Liên bang Nga ngày nay) được ông và các đồng nghiệp, học trò sưu tầm trên đất Phần Lan và vùng Vienna (thuộc Karelia.

Kalevala - từ thơ ca, chuyện kể dân gian đến sử thi dân tộc

Kalevala được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1835 gồm 12.078 câu thơ, chia làm 35 ca khúc (ngày nay được gọi là Kalevala cũ) và lần thứ hai năm 1849 với 22.795 câu thơ, được chia làm 50 ca khúc (gọi là Kalevala mới).

Kalevala mới (được coi là bản Kalevala trọn vẹn) là kết quả 15 năm làm việc với 11 chuyến sưu tầm điền dã của Elias Lönnrot. Ngày nay, ở Phần Lan cũng như ở nước ngoài, khi nói về Kalevala người ta thường nói đến Kalevala mới.

Kalevala là bộ bách khoa thư về lịch sử đất nước và con người Phần Lan được biên soạn theo thể thơ truyền thống, mỗi câu gồm 8 âm tiết (hay 8 nhịp) của Phần Lan, dựa theo làn điệu của âm nhạc dân gian. Thể thơ này vốn không có tên, song với sự ra đời của Kalevala, thể thơ này được gọi là Thể thơ Kalevala. Đồng thời cũng từ đó việc sưu tầm văn học dân gian ở Phần Lan nhanh chóng lan rộng khiến nguồn tư liệu sưu tầm được hết sức phong phú. Trong vòng mười lăm năm giữa hai bản Kalêvala, Lönnrot cùng các cộng sự sưu tập được thêm gần 130.000 câu thơ. Với nguồn tư liệu này, Elias Lönnrot đã nói rằng có thể biên soạn thành bảy phiên bản Kalevala khác nhau mà Kalevala mới như ngày nay chỉ là một trong số đó.

Sau khi Kalevala được xuất bản, một phong trào “tìm về bản sắc dân tộc” đã lan rộng ở Phần Lan. Nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và những người yêu thích văn hóa dân gian đã theo dấu chân ông đi sưu tầm tư liệu ở phía đông Phần Lan và Karelia của Nga để sưu tầm văn học dân gian còn lưu giữ ở những vùng này. Bên cạnh hai bản Kalevala cũ và Kalevala mới, năm 1862 Elias Lönnrot còn rút gọn Kalevala mới thành một bản Kalevala ngắn gọn với 9.732 câu thơ dành cho học sinh, được gọi là Kalevala trường học.

Kalevala đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng nhất của Phần Lan. Với Kalevala, người Phần Lan cho rằng dân tộc họ cũng có một lịch sử và một nền văn hóa riêng, như nhà văn hóa Phần Lan J.G. Linsen (1785 - 1848) từng nói vào năm 1835: “Với những ca khúc bất tử này trong hành trang, người Phần Lan đã có thể dũng cảm và tự tin nhìn về quá khứ của mình và có thể nhìn thấy được tương lai của dân tộc. Người Phần Lan đã có thể kiêu hãnh nói: Tôi cũng có một lịch sử!”.

Kalevala là đề tài và là nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Phần Lan cũng như nước ngoài. Rất nhiều cơ quan, tổ chức của Phần Lan cũng như quốc tế đã lấy Kalevala cũng như tên gọi các nhân vật trong Kalevala làm tên gọi cho mình, như Hội Kalevala (ra đời năm 1911), Hội Phụ nữ Kalevala (1935), Hội Kim hoàn Kalevala (1937) chuyên sản xuất đồ trang sức sang trọng lấy chủ đề từ Kalevala. Rất nhiều đường, phố ở các thành phố, địa phương trên khắp Phần Lan mang tên các nhân vật, địa danh trong Kalevala. Riêng tên của Lönnrot cho đến nay đã được đặt cho 10 đường, phố trên cả nước, trong khi tên của “người vĩ đại nhất Phần Lan” là nguyên soái Mannerheim chỉ có 6 đường, phố.

Bên cạnh Hội Kalevala ở Helsinki, Phần Lan còn có Juminkeko, một quỹ văn hóa chuyên về sưu tầm, nghiên cứu Kalevala và bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa vùng đất Viena (Karelia), cái nôi của Kalevala. Được thành lập từ năm 1985, đến nay Juminkeko đã thực hiện nhiều dự án nhằm khôi phục lại các làng thơ ở Viena, một trong số đó từng nhận được giải thưởng về bảo tồn văn hóa của EU năm 2006. Juminkeko cũng thực hiện nhiều dự án với các cá nhân và tổ chức về văn hóa nghệ thuật và khoa học ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

…và Ngày Văn hóa của quốc gia

Từ năm 1950, ngày 28/2/1835 - ngày Elias Lönnrot ký tên dưới lời nói đầu của Kalevala cũ đã trở thành Ngày Kalevala và được coi là một ngày lễ không chính thức của Phần Lan. Từ năm 1978, Ngày Kalevala trở thành Ngày Văn hóa của Phần Lan và được Nghị viện Phần Lan quy định là một ngày lễ chính thức hàng năm của quốc gia. Trên thế giới có lẽ hiếm có quốc gia khác giống như Phần Lan: lấy ngày ra đời của một tác phẩm văn học làm ngày lễ lớn của dân tộc.

Hàng năm vào ngày này khắp cả nước treo cờ và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật có liên quan đến Kalevala, như nói chuyện, đọc sách, chiếu phim, hội thảo khoa học. Vào ngày này Hội Kalevala còn trao bốn giả thưởng cho các công trình có giá trị về Kalevala hoặc liên quan đến Kalevala 1-2 năm một lần.

Đặc biệt Ngày Kalevala - Ngày Văn hóa Phần Lan là ngày được chờ đợi nhất của những người làm văn hóa, nghệ thuật và khoa học trên khắp Phần Lan. Vào ngày này Quỹ Văn hóa Phần Lan, một quỹ tài trợ tư lớn nhất của Phần Lan (ra đời vào Ngày Kalevala 28/2/1937) và cũng là một trong những Quỹ tài trợ về văn hóa nghệ thuật lớn nhất của châu Âu trao tài trợ hàng năm cho các cá nhân và tổ chức (kể cả tổ chức thuộc nhà nước) hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và khoa học của Phần Lan.

Những năm gần đây mỗi năm Quỹ tài trợ 25 triệu euro cho hơn 1.000 dự án, trong đó có hàng trăm tài trợ kéo dài 2-3 năm. Riêng năm 2017, nhân Quốc khánh 100 năm Phần Lan, số tiền tài trợ của Quỹ lên tới 37 triệu euro, đồng thời Quỹ còn cung cấp kinh phí và phối hợp tổ chức thực hiện 7 dự án khác. Ngoài Quỹ Văn hóa Trung ương này, cả nước còn có 17 Quỹ Văn hóa địa phương cũng trao các khoản tài trợ của riêng mình.

Kalevala với thế giới và Việt Nam

Không chỉ có ảnh hưởng trong nước, Kalevala được coi là chiếc cầu nối Phần Lan với thế giới bên ngoài, như một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Estonia, Matthias Johann Eisen (1857-1934) nhận xét năm 1909: “Khi làm nên Kalevala, nhân dân Phần Lan đã làm cho mình một con đường xuyên qua núi đá cheo leo, không những chỉ tiến đến châu Âu mà đến cả thế giới văn minh. Kalevala sáng chói như Bắc Đẩu trên trời cao, kể cho toàn nhân loại nghe về dân tộc Phần Lan”.

Cho đến nay Kalevala vẫn là tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Phần Lan đóng góp vào kho tàng văn học của nhân loại và được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài nhất của văn học nước này. Kalevala đã được dịch ra 57 thứ tiếng trên thế giới, trong đó nhiều thứ tiếng đã dịch nhiều lần dưới nhiều dạng khác nhau: tiếng Thụy Điển (22 bản), tiếng Anh (21 bản), tiếng Đức (14), tiếng Nhật (14), tiếng Estonia (14), tiếng Tây Ban Nha (12) tiếng Nga (10)…

Với tiếng Việt, Kalevala cũng đã có 3 bản dịch khác nhau, trong đó có 2 bản dịch tóm tắt bằng văn xuôi, 1 bản của Cao Xuân Nghiệp (xuất bản năm 1986, 1991, 2000), 1 bản của Hoàng Thái Anh (xuất bản năm 1991) và 1 bản dịch trọn vẹn bằng thơ của Bùi Việt Hoa (xuất bản năm 1994). Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có một bản Kalevala tóm tắt bằng văn xuôi “Cối thần Xam pô” (Sử thi Phần Lan) do Bùi Việt Hoa biên soạn và họa sĩ Lương Xuân Đoàn minh họa, được Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản năm 1999.

Ảnh hưởng của sử thi Kalevala không chỉ giới hạn trong phạm vi Phần Lan, mà dần dần lan rộng ra các nước khác trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã vận dụng phương pháp biện soạn Kalevala của Lönnrot, kết nối thơ ca dân gian của dân tộc mình thành sử thi hoàn chỉnh. Có thể kể ra đây một số như: The Song of Hiawatha (1855) của H. W. Longfellow, được coi là sử thi của người Mỹ; Kalevipoeg (Con trai của Kalevi, 1862) - sử thi Estonia của F. R. Kreutzwald; Làplèsis (Chàng giết gấu, 1888) sử thi Latvia của A. Pumpurs; và gần đây nhất là sử thi Mordvin, Mastorava (Mẹ đất, 1994) của A. Saronov.

Gần đây các sử thi “Con cháu Mon Mân” (sử thi Việt Nam) của Bùi Việt Hoa xuất bản năm 2008[iv]; Virantanaz (sử thi của dân tộc Vepsä) do nhà nghiên cứu ngôn ngữ Niina Zaitseva biên soạn năm 2012 và sử thi “Liekku” (dân tộc Inkeri) của tác giả Mirja Kemppinen ra đời năm 2013 cũng được biên soạn dựa trên phương pháp và hình mẫu của Kalevala. Sử thi “Con cháu Mon Mân” (sử thi Việt Nam) đã vinh dự được nhận giải thưởng “Eepospalkinto” (Giải thưởng Sử thi) năm 2009 của Hội Kalevala Phần Lan.