Phân chia lại room tín dụng, ngân hàng khẳng định không cho vay bằng mọi giá

Chính thức phân bổ thêm room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng

Ngày 29/11/2023, đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Đây là lần cấp room tín dụng thứ 3 trong năm nay.

Ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung.

Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD cấp tín dụng an toàn, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, cũng như cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Từ nay đến hết năm, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đây là lần thứ ba NHNN cấp room tín dụng cho các ngân hàng kể từ đầu năm đế nay. Đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng, đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống TCTD.

Kích cầu tín dụng: Ngân hàng than “một tay vỗ không nên tiếng”

Phát biểu tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023 với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhiều ngân hàng thương mại cho biết tín dụng tăng chậm không phải do chính sách điều hành hay do thiếu room.

Phát biểu tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại diễn ra ngày 30/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Thủ tướng yêu cầu NHNN tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh "tín dụng phải là một dòng chảy liên tục", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng; đề nghị các bộ ngành, ngân hàng thương mại góp ý cụ thể, đề xuất các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới theo mục tiêu đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các Tổ chức tín dụng. Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: Tiên phong, , Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.

Phát biểu tại cuộc họp với Phó thủ tướng, các ngân hàng cho rằng, vốn không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là "bài toán khó".

Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.

Cho rằng để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc "không thể vỗ tay bằng một bàn tay", các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các Dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,… qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao NHNN, các bộ ngành, các ngân hàng thương mại đã phát biểu rất trách nhiệm. Phó thủ tướng đề nghị NHNN nghiên cứu các ý kiến phát biểu của ngân hàng thương mại để phát huy những ưu điểm, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để điều hành tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng để bơm vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5% (tính đến 23/11, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,35%, dư địa còn trên 6%).

Cho rằng, vấn đề này là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong khuôn khổ một cuộc họp chưa thể tổng kết hết được, Phó thủ tướng đề nghị trong dịp cuối năm, NHNN cần phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, khả năng hấp thụ vốn, rà soát tất cả các vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ kịp thời nhằm điều hành tốt hơn trong năm tới.

"Ngân hàng Nhà nước cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, "xem lại" các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.

Chia sẻ quan điểm "không thể vỗ tay bằng một bàn tay" của đại diện một ngân hàng thương mại nêu trong cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng "nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng", do đó ông đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công,… cùng với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm bơm vốn cho nền kinh tế vừa giữ an toàn hệ thống tín dụng, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024.

Chính phủ họp về tín dụng, NHNN báo cáo các lĩnh vực hút vốn nhiều nhất 11 tháng

Chiều 30/11, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái họp với Thống đốc, các phó Thống đốc NHNN và nhiều ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023.

Cuộc họp chiều nay có sự tham gia của Thống đốc và các Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các Bộ: tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; cùng sự tham gia của lãnh đạo các ngân hàng: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, , MB Bank, Techcombank, Sacombank, TP Bank, VP Bank và lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các TCTD.

Theo đó, dư địa còn lại từ nay đến hết năm của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các TCTD còn khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Với thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.

Cụ thể, thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung (xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh), cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...).

Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).

Theo báo cáo của NHNN, tín dụng lĩnh vực ưu tiên – đặc biệt là tín dụng nông nghiệp, nông thôn – và tín dụng bất động sản đang là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng hiện nay.

Cụ thể, với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng với lĩnh vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt dư nợ cho vay trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 202. Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322.000 tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng gần 18% so với cuối năm 2022.

Đối với tín dụng lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Tín dụng đối với các Dự án BOT, BT giao thông là 92.300 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là trên 81.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,64% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 93% so với cuối năm 2022. Riêng tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2022, chiếm 21,2% dư nợ nền kinh tế.

Được biết, tính đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD với tổng mức phân bổ tăng trưởng là 14,5% (sát với chỉ tiêu định hướng đề ra cho năm 2023 là 14-15%).

Do đến 23/11 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,38% và mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản công khai, minh bạch gửi các ngân hàng thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các ngân hàng theo các nguyên tắc và nội dung cụ thể: Các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng đã được NHNN thông báo trước đó thì ngân hàng được tự chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm. Mức bổ sung này được ngân hàng tự xác định căn cứ điểm xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên cộng thêm cho TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và cộng thêm cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian qua.

NHNN khẳng định,m việc bổ sung hạn mức theo cơ chế tự động này là sự chủ động của NHNN trong công tác điều hành nhằm để các TCTD được tự chủ động nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng khi đáp ứng điều kiện mà TCTD không phải đề nghị NHNN điều chỉnh chỉ tiêu bổ sung.

NHNN cho biết, từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh chanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Lôi kéo, hướng dẫn "bùng" nợ tín dụng tiêu dùng có thể bị xử lý

Hiện tình trạng "bùng" nợ của nhiều nhóm, hội trên trên mạng xã hội đối với tín dụng tiêu dùng kéo theo nợ xấu lĩnh vực này tăng cao. Vậy làm thế nào để ngăn chặn?

Các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung trong công tác thu hồi nợ, đó là hoạt động "bùng" nợ. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ.

Thế nhưng, với tỷ lệ khách hàng “vay mà không trả” gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao.

Thêm vào đó, việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho chính những nhân viên này. Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong hai năm qua.

Ông Marcin Figlus, Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cho hay, nếu như năm 2019 và 2020, Công ty chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung, thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề kiến thức tài chính cá nhân còn hạn chế. Người vay chưa ý thức được trách nhiệm trả nợ với khoản vay và hệ quả xảy ra.

Mặc dù luật pháp hiện hành có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ.

Trong khi đó, chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo… như một hệ quả leo thang, chiếm một tỷ trọng lớn trong miếng bánh doanh thu của các công ty tài chính tiêu dùng.

Cũng theo ông Marcin Figlus, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc linh hoạt và thích ứng để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, FE Credit đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ… từ đó kích cầu nhu cầu vay tiêu dùng và cải thiện hoạt động thu hồi nợ.

Ngay từ tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu tác động xấu tới nền kinh tế nói chung và người đi vay nói riêng, FE Credit đã chủ động thực hiện miễn, giảm lãi suất vay, và tái cơ cấu thời hạn trả nợ để khách hàng an tâm, không quá áp lực khi thanh toán khoản vay. Đã có hàng trăm nghìn khoản vay, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, được hưởng lãi suất ưu đãi.

Công ty đã thực hiện miễn, giảm lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ để khách hàng không cảm thấy quá áp lực về tài chính trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế như hiện nay.

Bên cạnh chương trình miễn, giảm lãi suất và cơ cấu thời hạn trả nợ, FE Credit cũng đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng dành cho những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước, với mức lãi suất chỉ tương đương 50% lãi suất trên thị trường, nhằm giúp công nhân có sự hỗ trợ về tài chính để cải thiện cuộc sống và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn với kỳ vọng và dự báo, trong khi mặt bằng lạm phát và lãi suất leo thang, tăng trưởng kinh doanh của FE Credit theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023 đến nay.

Trong khi đó, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội kêu gọi, hướng dẫn người vay "bùng" nợ. Việc này ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của FE Credit nói riêng và các công ty tài chính nói chung khiến nợ xấu tín dụng tiêu dùng tăng.

Số liệu NHNN đưa ra, nợ xấu vay tiêu dùng đến cuối tháng 9/2023 của các công ty tài chính tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay. Theo ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính chỉ còn 134.000 tỷ đồng.

Sau các biến cố liên tiếp trên thị trường, các công ty tài chính có hạn chế giải ngân các món nợ mới mà chỉ tập trung thu hồi nợ. Bởi thực tế, đây là một vấn đề rất nan giải khi hành vi cố tình không trả nợ, hay còn gọi là “bùng" nợ đã trở thành một làn sóng, một hành vi có tổ chức với những hội nhóm trên mạng xã hội lên tới hàng trăm nghìn thành viên.

Giám đốc Khối quản trị rủi ro Công ty tài chính FE Credit cho biết, với những khách hàng này, Công ty vẫn kiên trì với các giải pháp thu hồi nợ đang áp dụng hiện tại như liên hệ trao đổi với khách hàng về trách nhiệm trả nợ của họ, phân tích cho họ hiểu rõ việc chây ì trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ trong tương lai.

FE Credit cũng đã nộp đơn khởi kiện hàng nghìn khách hàng ra Trung tâm Trọng tài và Tòa án trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, số khách hàng bị khởi kiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số khách hàng đang không thực hiện cam kết trả nợ. Chỉ khoảng một nửa trong số đó là đã khởi kiện thành công.

Nguyên nhân là thời gian xử và ra phán quyết với một vụ kiện như vậy rất lâu, có thể kéo dài tới 12 tháng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm và làn sóng rủ nhau "bùng" nợ nở rộ như vậy, thời gian qua hoạt động thu hồi nợ luôn được FE Credit ưu tiên. Hoạt động giải ngân các khoản vay mới của Công ty cũng bị ảnh hưởng.

"Chúng tôi phải thận trọng hơn và rà soát kỹ hơn trong việc chọn lựa khách hàng, tập trung vào những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt", ông Marcin Figlus nói và cho rằng, tài chính tiêu dùng được cho là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen".

Khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung chủ yếu là khách hàng cá nhân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận được ngân hàng thương mại cấp tín dụng, trong đó phần lớn là công nhân và lao động tự do.

Nếu như các công ty tài chính tiêu dùng không đưa ra những giải pháp, điều kiện vay thuận tiện, dễ dàng nhất thì sẽ làm hẹp cánh cửa tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống đối với nhiều người dân. Khi người dân thấy khó tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống, đó chính là điều kiện để tín dụng "đen" phát triển.

Để giải quyết vấn đề này, FE Credit đề xuất cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của những người vay và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm "bùng" nợ, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi "bùng" nợ, cố tình không trả nợ.

Đồng thời, theo ông Marcin Figlus, cần áp dụng chế tài răn đe đối với những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy tắc và đạo đức trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói riêng và lĩnh vực tín dụng cá nhân nói chung. Nếu không có hành động cụ thể, việc "bùng" nợ có thể tiếp tục xảy ra và có thể tác động đến nợ xấu không những cuối năm 2023 mà còn nhiều năm sau nữa.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cả người đi vay và ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty tài chính tính dụng tiêu dùng và từ đó ảnh hưởng đến khó khăn của chính khách hàng tiếp cận vốn vay do công ty tài chính phải siết chặt lại công tác cho vay.

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó phòng Trọng án Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, gần đây, cơ quan công an đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, lợi dụng việc cơ quan công an trấn áp, xử lý quyết liệt các hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa đòi nợ để cưỡng đoạt tài sản như trên, xuất hiện tình trạng một số đối tượng vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống… cố tình trây ỳ trả nợ. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn, lôi kéo cách “bùng" nợ khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính gây ảnh hưởng hoạt động tín dụng chính thống.

Vì thế, theo Thượng tá Tùng, cần bổ sung các quy định để xử lý các hành vi phát tán thông tin số lượng lớn vi phạm quy định về viễn thông, an toàn thông tin trên không gian mạng nhất là để quảng cáo, dụ dỗ mời chào cho vay, đánh bạc, mại dâm, lừa đảo; xử lý các hành vi thành lập, lôi kéo, hướng dẫn “bùng" nợ, các hành vi mua bán thông tin của chính mình cho người khác gây hậu quả nghiêm trọng trong đó có hậu quả từ tội phạm...

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét, hiện tượng "bùng" nợ khiến người dùng bị mất niềm tin vào các tổ chức tài chính. Nó vừa khiến lượng người "bùng" nợ có thể ngày càng tăng, đồng thời làm suy giảm uy tín của các tổ chức tài chính cũng như hoạt động tín dụng.

Thiếu tướng Trần Thanh Phong - Phó cục trưởng Cục Truyền thông (Bộ Công an) cho rằng, cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành để xóa sổ tệ nạn tín dụng đen. Trong đó, truyền thông là phương pháp hiệu quả và lâu dài nhất, bền vững nhất. Việc truyền thông không chỉ về chính sách mà còn là hậu quả của hoạt động tín dụng đen đối với người dân, xã hội, cũng như nhiều hệ lụy khác, như bắt giữ người trái phép. Đặc biệt nên truyền thông sâu đến những người yếu thế - đối tượng dễ bị dính vào hoạt động tín dụng đen.

HoREA đề nghị loạt giải pháp gỡ khó, Hiệp hội ngân hàng khẳng định không cho vay bằng mọi giá

Đề xuất không kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay khi vay để góp vốn, không phong tỏa số tiền giải ngân vốn với khoản vay để “đặt cọc”… là khó khả thi vì có thể dẫn tới sử dụng tiền sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã kiến nghị một loạt đề xuất về gỡ khó cho tín dụng bất động sản trong Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đơn cử, HoREA cho rằng, quy định hiện hành về việc ngân hàng phải kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích với trường hợp cho vay thanh toán tiền góp vốn là không khả thi, làm tăng thủ tục và đề nghị hủy bỏ cụm từ ” kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích” trong Thông tư 06.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị bỏ quy định tổ chức tín dụng ( TCTD) “phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, trong đó có khoản vay để “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”…

Về các kiến nghị trên của HoREA, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi ban hành Thông tư 06 là một quan điểm mở, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn thuận lợi và xác định rõ mục đích, đối tượng đủ điều kiện cho vay đồng thời hạn chế rủi ro cho từng TCTD cũng như toàn hệ thống. Như vậy, Thông tư 06 ban hành tạo điều kiện cho mọi đối tượng có thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, Thông tư 06 cũng giao cho các tổ chức tín dụng (TCTD) quyền ban hành các quy định nội bộ, trong đó có một số nội dung mà trước đây chưa quy định nay được bổ sung để các TCTD có thể tự quyết định trong thẩm quyền của mình như cho vay để trả nợ TCTD khác, cho vay theo phương thức điện tử hoặc cho vay để thanh toán nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ…

Một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm và phản ứng quyết liệt, đặc biệt là Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là quy định về một số trường hợp không được cho vay để “góp vốn” nêu tại khoản 8, 9, 10 điều 8 của Thông tư 39 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) dẫn đến NHNN tạm hoãn thi hành những nội dung này.

Về nội dung này, TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu ra một loạt vấn đề và đặt câu hỏi ngược lại với các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ nhất, pháp luật không cấm cá nhân và tổ chức góp vốn vào các hoạt động kinh doanh của các cá nhân và tổ chức khác, mua cổ phần, cổ phiếu... Nếu là vốn tự có của cá nhân thì góp vốn bao nhiêu, đầu tư vào đâu, mua cổ phiếu gì, của doanh nghiệp nào cũng được, song nếu dùng vốn vay ngân hàng để góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu... thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật TCTD và quy định nội bộ của ngân hàng.

Thứ hai, một trong những nguyên tắc cho vay của TCTD là khách hàng phải sử dụng vốn đúng mục đích và vốn vay phải chịu sự kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của TCTD (kể cả có tài sản bảo đảm là tài sản độc lập, chưa nói đến tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay) cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, không phải cứ có tài sản là cho vay bằng mọi giá. Khi TCTD cho khách hàng vay với mục đích góp vốn vào bên thứ thứ ba để kinh doanh thì phải kiểm soát được vốn vay, song trong trường hợp này do bên thứ ba không vay trực tiếp ngân hàng nên không thể đến kiểm tra vốn vay (trừ trường hợp có thỏa thuận 3 bên cho phép ngân hàng kiểm tra sổ sách chứng từ liên quan đến vốn góp).

Thứ ba, việc cho vay góp vốn kinh doanh hoặc đầu tư cổ phiếu vào các đơn vị chưa niêm yết, tình hình tài chính không minh bạch, chưa được kiểm toán đầy đủ… là vô cùng rủi ro, nhất là các TCTD lại dùng chính những khoản vay đó làm tài sản bảo đảm và gọi là tài sản hình thành từ vốn vay (trong tương lai) thì lại càng rủi ro hơn, chưa kể đó còn là kẽ hở dễ bị lợi dụng. Vậy liệu có yên tâm khi cho vay không và ngân hàng có an toàn không?

Thứ tư, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, rất “ưa chuộng” loại cho vay này vì vừa được vay nhiều để thực hiện những Dự án “khủng” nhưng thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, vừa tránh được việc kiểm soát dòng tiền.., tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản mua đất đầu cơ cho dù chưa đủ thủ tục pháp lý, thậm chí còn đầu tư vào cả đất nông nghiệp? Vậy, trong trường hợp này, ngân hàng có nên cho vay không? Liệu có mét vuông đất nào dành cho nhà ở xã hội không?

Thứ năm, doanh nghiệp đầu tư dự án lớn cần có vốn lớn để đầu tư, mong muốn các cá nhân, tổ chức góp vốn thực hiện dự án, kể cả vay vốn ngân hàng để góp vốn. Vậy tại sao không kêu gọi vốn từ các TCTD bằng hình thức đồng tài trợ để các ngân hàng cùng thẩm định, cùng giải ngân, cùng kiểm soát vốn vay? Nếu làm được như vậy dự án sẽ không bao giờ thiếu vốn và triển khai rất nhanh gọn, nhưng vì sao các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, không thích?

“Phải chăng họ muốn sử dụng vốn nhưng lại không muốn chịu sự kiểm soát của TCTD? Đó là câu hỏi tôi không thể giải đáp nổi. Với những lý do đó, cho dù tạm thời chưa thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư 39 (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 06) nhưng không có nghĩa các TCTD cho vay các đối tượng này bằng mọi giá. Trường hợp phát hiện ra sai phạm, tùy theo mức độ, tôi đề nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Hùng khẳng định.

Liên quan đến biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốncho vay tại TCTD cho vay” đối với “trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, trong đó có khoản vay để “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”… TS. Hùng lý giải, các quy định của Thông tư 06 nhằm đảm bảo tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đầu tư.

Đơn vị sử dụng vốn phải chấp nhận để ngân hàng kiểm soát, nếu sử dụng vốn không đúng mục đích thì ngân hàng có thể thu hồi nợ trước hạn. Với quy định này, các TCTD cũng phải rà soát lại quy trình cho vay, phải kiểm tra được dòng tiền trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống. Thông tư 06 đã thể hiện quan điểm của NHNN một cách rất rõ ràng.

Với lĩnh vực bất động sản, cũng tương tự như vậy. Doanh nghiệp vay vốn để phát triển dự án thì TCTD phải kiểm soát để dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích, đúng dự án đã được phê duyệt cho vay, tránh trường hợp chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích, chẳng hạn như mang tiền đi mua đất chưa hoàn thiện giấy tờ pháp lý...

Về quy định liên quan đến điểm b khoản 2 Điều 22 và khoản 5 Điều 26 Thông tư 39 (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 06), tôi cho rằng, đây là nội dung mới, bổ sung quyền cho các TCTD, tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp, trong đó, có thêm nội dung cho vay để trả nợ của TCTD khác. Đây cũng là điều kiện mở, giao cho TCTD toàn quyền quyết định. Bởi với khoản vay để “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh”, thậm chí, vay để trả nợ TCTD khác thì số tiền đó cần phải được phong tỏa tại ngân hàng cho đến khi thực hiện hết nghĩa vụ.

Quy định như vậy là đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp hơn trước vì chỉ cần khoản đặt cọc, thế chấp, khách hàng đã có thể lấy được 100% hàng hóa. Khi bán hàng và thực hiện xong nghĩa vụ thì số tiền vay mới được giải chấp. Một ví dụ khác để thấy rõ hơn về đối tượng được hưởng lợi từ quy định này. Ngân hàng A cho vay để trả nợ ngân hàng B, khoản vay đó được phong tỏa cho đến khi hoàn thành giải chấp tài sản, bàn giao cho ngân hàng A. Lúc này, số tiền vay mới được giải chấp để trả hết nợ cho ngân hàng B. Như vậy, sao lại cho rằng quy định này chỉ “làm lợi” cho ngân hàng?

“Đã là đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh cho bất kỳ nghĩa vụ nợ nào, về nguyên tắc đều phải phong tỏa, tránh trường hợp dùng số tiền đó để sử dụng sai mục đích, dẫn tới vi phạm pháp luật”, ông Hùng khẳng định.

Doanh thu mảng bảo hiểm của ngân hàng giảm sâu

Thị trường bảo hiểm vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin. Có ngân hàng giảm tới 80% thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm và dự báo còn giảm tiếp.

Hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm có thể được nhìn thấy qua thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng trong 9 tháng năm 2023.

Trong số các nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, chỉ có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, ngoại trừ PG Bank, tất cả đều ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bảo hiểm của 8 ngân hàng trên đạt 9.409 tỷ đồng, giảm 26,1% so cùng kỳ năm trước. Tình trạng này tương tự quý II/2023, khi các nhà băng trên ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm 24,2% so với cùng kỳ.

MB, ngân hàng dẫn đầu trong danh sách, đã chứng kiến doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 16,9%, còn 5.989 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Doanh thu đi xuống kéo theo lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm giảm 28,21%, còn 2.105 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, bảo hiểm từng giúp MB mang về hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 2.900 tỷ đồng lãi thuần.

Các ngân hàng còn lại đều ghi nhận doanh thu từ hoạt động bảo hiểm sụt giảm sâu. Tỷ trọng doanh thu từ bảo hiểm trên tổng doanh thu dịch vụ đã giảm từ 38,7% trong 9 tháng đầu năm trước, xuống còn 27,8% trong cùng kỳ năm nay.

Chẳng hạn, tại , bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ vào năm ngoái, thì trong nửa đầu năm nay, nguồn thu này giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ chiếm 9% doanh thu dịch vụ.

Một số ngân hàng như , TPBank cũng chứng kiến tỷ trọng của bảo hiểm giảm sâu.

Sau khủng hoảng niềm tin, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý và chấn chỉnh thị trường bảo hiểm, bao gồm cả hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Trong nội dung Công văn số 7688/NHNN-TTGSNH vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ, thì hoạt động đại lý bảo hiểm cũng là vấn đề cần được lưu tâm.

Đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, công văn của NHNN yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc chấp hành quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các nghị định liên quan. Đồng thời, nhà băng cân nhắc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phân phối tới khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thay vì phân phối độc quyền.

Ngoài ra, NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe. Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, NHNN yêu cầu đảm bảo tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành...

Trước đó, đầu tháng 10/2023, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã thanh tra xong 6 doanh nghiệp bảo hiểm, đang làm việc với Manulife và một công ty khác. Dự kiến đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch.

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hoàn thiện hơn các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm. Cụ thể, Thông tư yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, thông tư trên bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đánh giá, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là cần thiết, nhưng tư duy theo đuổi chất lượng mới là đón bẩy lớn nhất giúp thị trường này vực dậy sau khủng hoảng niềm tin.

Công ty Chứng khoán VCBS dự báo, lãi từ phí bảo hiểm cả năm nay sẽ giảm 10-15% so với năm ngoái, kéo theo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng giảm tốc, chỉ có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.

Đánh giá thị trường, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bancassurance. Do đó, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và kinh doanh bảo hiểm cần thời gian để hồi phục.

Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Khó chặn sở hữu chéo, lại làm khó nhà đầu tư ngoại

Theo các luật sư và chuyên gia kinh tế, việc giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng của cá nhân, tổ chức không có nhiều tác dụng với chống sở hữu chéo, trong khi có thể gây khó cho việc thu hút vốn ngoại đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông vẫn khó chặn sở hữu chéo

Theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân, tổ chức từ mức 5% và 15% vốn điều lệ xuống còn 3% và 10%. Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%. Mục đích của NHNN khi bổ sung các quy định này là chống sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc giảm tỷ lệ sở hữu như trên không có nhiều ý nghĩa trong ngăn chặn sở hữu chéo. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, tỷ lệ sở hữu ngân hàng như quy định hiện hành là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí, nhiều quốc gia còn chấp nhận tỷ lệ sở hữu cao hơn Việt Nam.

“Tỷ lệ sở hữu không phải là vấn đề, vấn đề chính là minh bạch sở hữu và giám sát cho vay. Nếu các ông chủ ngân hàng nắm 15-20% vốn ngân hàng thì không ai có thể lũng đoạn ngân hàng. Thực tế các trường hợp khuynh đảo ngân hàng vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của các ông chủ nhà băng lên tới 80-90%”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Đơn cử, tại Ngân hàng SCB, theo kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an, trên sổ sách, bà Trương Mỹ Lan chỉ nắm giữ 4,98% vốn điều lệ ngân hàng này, nhưng thực tế nắm giữ tới 91% cổ phần thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ.

Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trên hồ sơ giấy tờ hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, quản lý tảng băng nổi này không có tác dụng.

Theo GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học kinh tế TP.HCM), sở hữu chéo là một mục tiêu tàng hình, các chủ nhà băng dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng vẫn có thể chi phối nhà băng dễ dàng như trở bàn tay. Để đối phó với mục tiêu di động, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng nòng pháo đến… điểm tựa cố định là hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, thành ra bao năm qua cứ liên tục bắn trật mục tiêu.

Tương tự, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng nhìn nhận, sở hữu chéo là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Siết giảm tỷ lệ sở hữu là các biện pháp hữu hình. Dùng các công cụ hữu hình để xử lý cái vô hình sẽ không hiệu quả.

Trong khi không có nhiều ý nghĩa đối với chống sở hữu chéo, việc giảm tỷ lệ sở hữu lại có nguy cơ gây tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng. Nếu đề xuất này được thông qua và áp dụng hồi tố, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì nhiều nhà đầu tư lớn phải thoái vốn. Đặc biệt, quy định này sẽ càng làm giảm sức hấp dẫn của ngân hàng trong nước với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong góp ý gửi tới NHNN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế tỷ lệ sở hữu tối đa hiện hành tại Việt Nam tương đối thấp so với nhiều nước. Tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp cũng không thực sự tốt cho việc quản trị, bởi các cổ đông không thực sự gắn bó với việc kinh doanh của nhà băng.

“Thêm vào đó, phương án giảm tỷ lệ sở hữu sẽ khiến một số cổ đông hiện hữu phải bán lại cổ phần của họ. Điều này không bảo đảm nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp”, VCCI cảnh báo và đề nghị, trong trường hợp vẫn muốn giảm tỷ lệ sở hữu thì không nên áp dụng hồi tố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Trần Anh Đức, Công ty Luật TNHH Allen & Overy (Việt Nam) cho rằng, các quy định siết tỷ lệ sở hữu trên không có tác dụng chống sở hữu chéo, trong khi lại gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng như gây khó khăn cho các ngân hàng nội muốn tìm cổ đông chiến lược nước ngoài.

“Lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chê tỷ lệ sở hữu quy định của nhà đầu tư tại ngân hàng Việt Nam là quá thấp, nay nếu siết giảm nữa thì e rằng, các nhà đầu tư nước ngoài lại càng e ngại rót vốn. Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ sở hữu cũng không thể giúp cơ quan chức năng đạt được mục đích chống sở hữu chéo”, ông Đức bình luận.

Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ, còn trên thực tế, các cổ đông có thể sử dụng nhiều cách thức để nắm quyền chi phối tại các tổ chức tín dụng. Siết tỷ lệ sở hữu vì thế sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo.

Do đó, để kiểm soát sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay sân sau.

Theo Luật sư Trần Anh Đức, thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nên tập trung làm rõ khái niệm “người có liên quan” để minh bạch sở hữu. Bởi vì gốc rễ của sở hữu lũng đoạn hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay nằm ở chỗ sở hữu ngầm, sở hữu mượn danh.

Góp vốn vào ngân hàng liên doanh nước ngoài: Doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 1 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-NHNN ngày 31/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về cấp giấy phép, tổ chức, hoạt động và hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về việc cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 13 Điều 2 như sau:

“Ngân hàng liên doanh là ngân hàng thương mại được thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của bên Việt Nam (gồm tối thiểu một ngân hàng Việt Nam và tối đa một doanh nghiệp Việt Nam không phải ngân hàng) và bên nước ngoài (gồm tối thiểu một ngân hàng nước ngoài và tối đa một doanh nghiệp nước ngoài không phải ngân hàng) trên cơ sở hợp đồng liên doanh; là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng không quá 5 thành viên, trong đó một thành viên và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 50% vốn điều lệ”.

“Thành viên góp vốn là ngân hàng, doanh nghiệp không phải ngân hàng góp vốn vào ngân hàng liên doanh; là tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài”.

Thông tư cũng bổ sung điểm b (iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 về đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài.

Thứ hai, trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;

Thứ ba, trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;

Thứ tư, doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;

Thứ năm, đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

Thứ sáu, kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

Thứ bảy, không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;

Thứ tám, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;

Thứ chin, không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 /12/2023.

T.L