'Nữ vận động viên hãy lên kế hoạch khởi nghiệp ngay khi còn thi đấu'

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình truyền thông về khởi nghiệp cho nữ vận động viên.

Chương trình nhằm hỗ trợ các nữ vận động viên có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Chính phủ và do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Chương trình truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội chiều 17/4

Hằng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu. Theo số liệu của Cục Thể dục thể thao công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến "Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên thể thao" cuối năm 2020, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Như vậy, ước tính có khoảng 60 - 70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Trong thực tế, đã có những nữ vận động viên trở thành những nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp thành đạt. Đó là Nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với việc kinh doanh giày thể thao. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Ba Vì (Hà Nội)…

Các nữ vận động viên đã được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để lên ý tưởng khởi nghiệp trong tương lai

Tại chương trình truyền thông, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương gợi mở: "Mỗi chị em vận động viên chúng ta sao không nghĩ về ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng một kế hoạch và bồi đắp ý tưởng ngay trong thời gian ta đang thi đấu? Chưa kể chúng ta có lợi thế hơn nhiều phụ nữ khác là được đi thi đấu cả ở trong và ngoài nước và đó chính là cơ hội để chúng ta quan sát, học hỏi và tìm kiếm ý tưởng hoặc kinh nghiệm kinh doanh".

Phó Chủ tịch Hội LHPN việt Nam thông tin, hàng năm, Hội LHPN Việt Nam đều tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với các chủ đề khác nhau. Năm 2024, Hội phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh". Bên cạnh đó, nhiều Hội LHPN các tỉnh, thành cũng tổ chức Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp tốt tham gia Cuộc thi khu vực, toàn quốc; các cấp Hội tại các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh: hỗ trợ nâng cao kiến thức, năng lực về kinh doanh- khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, livestream bán hàng và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tiếp cận vốn.

Nhà thiết kế Áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các nữ vận động viên

Bà Nguyễn Thị Minh Hương mong rằng, các nữ vận động viên sẽ tiếp tục nỗ lực luyện tập, thi đấu thật tốt, giành thành tích cao trên đấu trường khu vực và quốc tế, mang lại màu cờ sắc áo cho Tổ quốc. "Hơn thế nữa, các nữ vận động viên hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai – khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Với tố chất nhanh nhẹn, thông minh, khỏe mạnh, năng động, nghị lực, ý chí và kỷ luật cao được hun đúc từ tập luyện, tôi tin rằng các chị em sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp tục phát triển ngành nghề, công việc mà bản thân lựa chọn sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu" – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

Hải Yến