Nữ đại gia bất động sản khiến loạt cán bộ nhúng 'chàm'

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp và bị cáo Nguyễn Thành Tài tại Tòa

Phiên xét xử vụ án hình sự liên quan đến cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài, cùng hàng loạt quan chức là lãnh đạo các ban ngành TP HCM được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây được xem là đại án gây thất thoát tài sản là đất đai thuộc sở hữu Nhà nước với nhiều quan chức và một nữ bị cáo là chủ doanh nghiệp- Dương Thị Bạch Diệp (cựu Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương). Bị cáo Bạch Diệp sinh năm 1948, tại Hải Phòng, lớn lên có gia đình và lập nghiệp quê nhà. Thời trẻ, bị cáo từng nổi tiếng là người thông minh, sắc sảo và kỹ lưỡng. Sau năm 1975, bị cáo Diệp vào miền Nam kinh doanh và sớm thành công với ngành bất động sản. Thời kinh doanh, bị cáo được đánh giá là kỹ lưỡng, am hiểu pháp luật và từng đại diện pháp luật nhiều công ty về bất động sản.

Phất lên nhanh nhờ bất động sản, bị cáo Bạch Diệp nổi tiếng là nữ đại gia “chịu chơi” khi tuyên bố sở hữu siêu xe Rolls Royce, có giá 1,3 triệu USD. Nhưng xe sang chỉ là thú chơi, nữ bị cáo được giới địa ốc trầm trồ ghen tị vì là chủ nhiều khu đất “vàng” tại các quận trung tâm TP HCM giá trị “khủng”. Nhưng với nữ bị cáo, thành công và vướng vòng kiện tụng, pháp luật dường như song hành. Vào năm 1995, nữ bị cáo từng bị bắt giam điều tra về hành vi lừa đảo nhưng sau đó được đình chỉ và trả tự do sau 5,5 tháng bị tạm giam. Hơn 10 năm sau, năm 2006, nữ bị cáo từng tố cáo một cặp vợ chồng tên V.L (Quận Phú Nhuận) vay trả lãi suất rồi lừa đảo chiếm đoạt 2.666 cây vàng. Tiếp đến, bị cáo Bạch Diệp cũng được dư luận chú ý trong vụ tranh chấp tài sản là đất công tại biệt thự số 36 Nguyễn Thị Diệu (Quận 3).

Tháng 9/1999, bị cáo Bạch Diệp thỏa thuận mua căn biệt thự số 36 Nguyễn Thị Diệu từ bà T. có diện tích hơn 533 m2 thuộc sở hữu Nhà nước với giá 1.600 lượng vàng SJC. Tháng 8/2000, do không đủ số vàng thanh toán nên bị cáo Bạch Diệp nhờ bà T. đến nhà ông P. (ngụ Q.5) ký hợp đồng giả (giữa bà T. với ông P.) việc mua bán nhà nói trên với giá 900 lượng vàng SJC để bị cáo Diệp vay vàng ông P. trả bà T. Sau khi các bên giao nhận vàng, bị cáo Bạch Diệp giữ lại 250 lượng vàng để đóng tiền mua hóa giá căn nhà theo Nghị định 61/CP. Bên bán đã khởi kiện hủy hợp đồng. Vụ án tranh chấp kéo dài đến năm 2017 mới kết thúc, Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Thời kỳ hoàng kim, bị cáo Bạch Diệp thường xuất hiện với hình ảnh doanh nhân thành đạt, chịu chơi, chịu chi và không ngại phô trương những bất động sản “khủng”, khiến giới đại gia cũng phải kiêng nể. Con đường kinh doanh bất động sản của Dương Thị Bạch Diệp cũng ít ai đi, bởi các bất động sản bị cáo nhắm đến thường là đất công có vị trí đẹp. Có lẽ giá trị kếch sù, tham vọng sở hữu vô đối, mối quan hệ thâm tình với quan chức, đã khiến nữ bị cáo nghĩ ra những xảo thuật kinh doanh khiến bà vướng lao lý.

Trong vụ án hoán đổi “đất vàng” cơ quan điều tra phát hiện ra thủ thuật tinh vi của bị cáo và phanh phui ra mối quan hệ giữa bị cáo và quan chức. Theo đó, bất động sản số 57 Cao Thắng (Quận 3) là tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương. Do có mối quan hệ thân thiết với bị cáo Nguyễn Thành Tài, nên bị cáo Bạch Diệp đã móc nối để hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng, Quận 3. Đây là bất động sản được đánh giá là “vàng”, vị trí đẹp, giá trị cao, là tài sản của Nhà nước, giao cho Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch TP HCM làm trụ sở làm việc. Tuy nhiên, khi được đề xuất việc hoán đổi, bị cáo Tài đã gật đầu đồng ý và gặp Chủ tịch UBND TP HCM lúc này là ông Lê Hoàng Quân để xin ý kiến và đã được chấp thuận cho thực hiện việc hoán đổi, nhưng phải thông qua Sở Tài chính, Ban chỉ đạo 09 đề xuất.

Từ việc chấp thuận hoán đổi trên, bị cáo Bạch Diệp dùng nhiều thủ đoạn gian dối cấu kết với cán bộ để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng, có giá trị hơn 186 tỉ đồng. Cụ thể, sau khi thống nhất chủ trương, bị cáo Diệp gian dối cung cấp giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng bằng bản photo thể hiện hiện trạng khu đất chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm cho Ngân hàng Agribank. Khi bị cáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo Diệp đã đem thế chấp cho Ngân hàng khác vay tiền. Còn nhà đất số 57 Cao Thắng thì cũng không thể sang tên cho Trung tâm ca nhạc nhẹ vì đã thế chấp ngân hàng để vay vốn. Từ đó trung tâm ca nhạc nhẹ đã mất quyền kiểm soát đối với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỉ đồng.

Tại phiên xét xử ngày 15 và 16/3, bị cáo Bạch Diệp thuê 6 luật sư bào chữa, cùng bản thân bị cáo cho rằng, có sai khi đem tài sản số 185 Hai Bà Trưng thế chấp cho Ngân hàng Sacombank khi chưa giải quyết xong các vấn đề liên quan đến nhà 57 Cao Thắng với Agribank. Nhưng bị cáo Diệp cho rằng, việc sai đó không phải là lừa đảo. Bị cáo nói: “Tôi đã xây và giao nhà 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ rồi, còn pháp lý thì tôi có vướng mắc nên tôi, Sở Tài nguyên - môi trường và Agribank nhiều lần ngồi lại để giải quyết”. Cũng tại phiên xử, khi bị buộc tội nữ bị cáo có những phản ứng gay gắt, liên tục cho rằng nội dung cáo trạng không đúng. Có thời điểm nữ bị cáo khóc, lời nói quá khích khiến phiên tòa phải tạm hoãn.

Theo cáo trạng truy tố, bị cáo Nguyễn Thành Tài và các ông Vi Nhật Tảo, Trần Nam Trang (cựu phó giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Thành Rum (cựu giám đốc Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch), Lê Tôn Thanh (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TP HCM), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó giám đốc Sở TN&MT TP HCM) và Huỳnh Kim Phát, Lê Văn Thanh (cùng là cựu Phó Chánh văn phòng UBND TP HCM) bị truy tố theo khoản 2, Điều 285, Bộ luật hình sự năm 1999.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo khoản này, bị cáo có thể bị phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nếu như biết điểm dừng, nếu như biết giới hạn cho những tham vọng, có lẽ nữ đại gia đã có cuộc sống viên mãn, an nhàn không thể vương vòng lao lý khi ở tuổi xế chiều.

Văn Kỳ