Nỗ lực thực hiện chuẩn hiệu trưởng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Việc phát triển nhà trường trong thời kỳ mới đòi hỏi ở hiệu trưởng những yêu cầu về phẩm chất và năng lực hành động trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý hoạt động dạy và học… Trong đó, tiêu chuẩn 1 nhấn mạnh: Người hiệu trưởng phải vững vàng về chuyên môn; am hiểu nghiệp vụ sư phạm và kiến thức quản trị nhà trường; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường học.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 371 trường học các cấp, gồm 119 trường mầm non, 116 trường tiểu học, 111 trường THCS và 25 trường THPT. Thực hiện công tác quản lý các cơ sở giáo dục này là 371 hiệu trưởng. Mặc dù đã có sự trẻ hóa đội ngũ, song cơ cấu thâm niên nghề nghiệp và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý của đội ngũ hiệu trưởng các trường học trên địa bàn tỉnh ta đã được nâng cao đáng kể về chất lượng. Việc bố trí đội ngũ nhà giáo làm công tác quản lý tại các trường phổ thông đủ về số lượng, cân đối, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng ngày càng được nâng cao và phù hợp với thực tế địa phương. Phần lớn các hiệu trưởng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư cách đạo đức tốt, đảm trách tốt nhiệm vụ được giao; được đánh giá có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán.

Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Mộc Nam (Duy Tiên) cho biết: Cá nhân tôi ý thức rõ vai trò của hiệu trưởng trước các yêu cầu đổi mới hiện nay rất quan trọng, có trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của một cơ sở giáo dục, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Vì vậy, theo tôi, bản thân người hiệu trưởng luôn phải cố gắng, chủ động đổi mới, tự đổi mới và tạo áp lực cho chính mình để thích ứng với những thay đổi của môi trường giáo dục; đồng thời, tự hoàn thiện bản thân để đáp ứng chuẩn đánh giá hiệu trưởng.

Hiệu trưởng các trường tham gia tọa đàm học tập và làm theo Bác. Ảnh: Trần Hà

Trên thực tế, việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, hầu hết hiệu trưởng được bổ nhiệm, phân công công tác trên cơ sở đánh giá đúng năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, được bồi dưỡng kiến thức trước khi bổ nhiệm… Qua đó, nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phong cách làm việc, năng lực quản lý, lãnh đạo của hầu hết hiệu trưởng các nhà trường đã đạt được chuẩn mực cần thiết theo quy định. Trong đó, nếu căn cứ vào nội dung của các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn, hiệu trưởng các trường cùng lúc phải đáp ứng các yêu cầu căn bản về: phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực quản trị nhà trường; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển các mối quan hệ xã hội. Một giáo viên chia sẻ: Tôi và các đồng nghiệp luôn mong muốn hiệu trưởng nhà trường sẽ tạo nên một môi trường giáo dục tốt không chỉ cho học sinh mà cả giáo viên. Đó là một môi trường thân thiện, gắn kết và hiệu trưởng đóng vai trò như một "bà đỡ" cho những sáng kiến, sáng tạo của giáo viên sẽ thúc đẩy giáo viên không ngừng đổi mới và khao khát cống hiến cho nghề nghiệp.

Hiệu trưởng là một nhà quản lý cả về chuyên môn và nhân sự. Để quản lý về mặt chuyên môn, trên cơ sở đạt chuẩn chuyên môn, hiệu trưởng các trường phổ thông cơ bản đã có được khả năng bao quát các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ sư phạm trong quá trình giảng dạy, từ đó định hướng và định lượng, phân bổ nội dung giảng dạy ở từng bộ môn cho thích hợp, trên cơ sở chương trình giáo dục và học tập chung. Đối với vấn đề quản lý về nhân sự, hiệu trưởng cần có sự đánh giá đúng khả năng và vai trò của từng giáo viên tại cơ sở để sắp xếp công việc hợp lý. Đây cũng là tiêu chuẩn được nhiều hiệu trưởng khẳng định là khó nhất trong hoạt động quản lý, bởi muốn phát triển chất lượng giáo dục thì phải phát triển đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ phát huy hết năng lực cá nhân cho mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Để theo kịp với những yêu cầu đổi mới, tránh không để mình bị tụt hậu, mỗi hiệu trưởng xác định rõ cho mình những yếu tố cần và đủ về cả năng lực cũng như phẩm chất. Khi xác định được mục tiêu đó, họ cần mạnh dạn tự vận động mới có thể đạt được và trong quá trình tự vận động đó, có thể có người không thể tiếp cận được hết với những chuẩn mực của người quản lý cấp trường học. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra một khung chuẩn để các hiệu trưởng trường phổ thông phấn đấu là đúng đắn và cần thiết. Trong đó, quan trọng nhất là từ những chuẩn mực này sẽ tạo cơ hội hỗ trợ, bồi dưỡng cho hiệu trưởng được phát triển ngày càng cao về năng lực. Chuẩn hiệu trưởng không phải để xếp loại thi đua, mà chuẩn là để bồi dưỡng, giúp và hỗ trợ hiệu trưởng, giúp họ nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị nhà trường. Đồng thời, làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Một hiệu trưởng được đánh giá mức tốt phải có khả năng sáng tạo, luôn rà soát, đánh giá, cải tiến và đổi mới, biết khắc phục và vượt qua được những khó khăn đặt ra trong công tác điều hành, quản lý phát triển giáo dục của nhà trường. Người biết tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách thành thạo, có kinh nghiệm, làm việc có hiệu quả, có khả năng hỗ trợ đồng nghiệp, được đánh giá là hiệu trưởng đạt mức khá về năng lực… Ở bất cứ lĩnh vực nào, người quản lý cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các nhà trường và trước yêu cầu đổi mới, người hiệu trưởng phải có những bước đột phá tự biết làm mới mình mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục. Vì thế, người đứng đầu nhà trường không chỉ cần giỏi về năng lực chuyên môn, mà cần vững vàng trong công tác quản lý; biết đánh giá đúng năng lực từng cá nhân, công tâm trong phê phán cũng như khen thưởng; dám đột phá xây dựng những mô hình mới bắt kịp với các xu hướng tiên tiến trên thế giới…

Thực tế cho thấy, dưới những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt lên vai các nhà quản lý giáo dục rất nhiều thách thức và cơ hội mới. Vì vậy, mỗi hiệu trưởng phải thay đổi nhận thức về vai trò quản lý, phải tự đào tạo, bồi dưỡng các nhóm năng lực để đáp ứng yêu cầu kết nối mới trên nền tảng kiến thức và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thiết thực đổi mới giáo dục.

Thanh Hà