Những trang thơ ngập tràn yêu thương

Tác giả Đỗ Thị Minh Loan (sinh năm 1974, quê ở Thạch Thất, Hà Nội) từng viết về nghề nghiệp của mình: “Luật lý khô khan nhưng lòng mình luôn tìm ra dù chỉ chút tình chiu chắt/ Phân vân, quặn lòng giữa mong manh, hiu hắt đúng sai”. Công việc nhiều vất vả, đối mặt với những hồ sơ, vụ án phức tạp, quanh co, “tâm tư người thẩm phán” sau mỗi phiên tòa đầy trăn trở: “Thương những mảnh đời éo le cực bĩ/ Tan tầm về, đau mãi ở trong tâm”. Với chị, người thẩm phán không mơ ước gì xa xôi mà “chỉ mong tìm lại được nụ cười sau mỗi phiên hòa giải/ Và dệt, nối được một sợi dây tình tưởng chừng xa mãi/ Giữ lại mái ấm gia đình cho những đứa trẻ đáng được yêu”.

Đỗ Thị Minh Loan làm thơ từ thuở sinh viên, thơ của chị đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí, nhưng mãi đến bây giờ khi đã ngoại tứ tuần, tập thơ “Khát vọng” (NXB Hội Nhà văn) của chị mới ra đời. Đọc thơ của Minh Loan, hầu hết gợi cảm giác về một sự dịu dàng, viên mãn. Thơ chị ngập tràn yêu thương, phải chăng bởi trong đời thực, cuộc sống của chị cũng bằng lặng và ấm áp, như chị đã viết: “Giá mà có thể chụp ảnh được tình yêu/ Để biết được sắc thái tình yêu khi có tuổi/ Quá nửa đời vẫn thấy mình nông nổi/ Nhưng bức ảnh cả đời này vẫn sắc thái yêu anh”.

Dù trong thơ chị có những phút giây “chơi vơi vô định”, có những khi ước “giá có chợ nào mua bán những chông chênh”, có lúc muốn bán buôn hết cả những “bơ phờ", “mong manh”, “muộn phiền”, “xác xơ” ở “chợ đời” thì trong thâm tâm của chị vẫn là: “Tôi buồn có chút của thôi/ Bán buôn, vui được món hời nhân gian”. Món hời nhân gian ấy của Minh Loan là gì, phải chăng là “chỉ tình yêu một mực không già”? Tình yêu không già - cái điều tưởng như giản đơn ấy là mơ ước cả đời của nhiều người phụ nữ, nhất là người phụ nữ làm thơ.

Minh Loan viết khá nhiều thơ tình, nhưng tình yêu trong thơ chị phần lớn là ánh xạ quá khứ: “Xin gửi lại ngày xưa vào năm tháng/ Câu hát xưa để gió cuốn đi rồi/ Cơn mưa cũ cô đơn giờ khóc cạn/ Lối đợi chờ hò hẹn mãi xa xôi” với những rung động đầu đời: “Đã xa rồi cái thời thơ mộng/ Hai ta còn thơ trẻ quá đấy thôi”.

Ngược về quá khứ, Minh Loan cũng hay hồi tưởng về thời niên thiếu của mình: “Gom lại nào những kỷ niệm tuổi thơ/ Chúng mình với mùa hè sấu xanh, ổi chín...”, và bâng khuâng tự hỏi: “Cánh phượng gieo vào nỗi nhớ/ Nắng hè nheo mắt học trò/ Ai đi tháng năm xưa ấy/ Có còn nguyên vẹn ước mơ?”. Chị cũng thường nhớ về quê hương, về gia đình thương yêu: “Tháng Ba này mẹ có giã bánh trôi?/ Bữa hàn thực mát hương hồn Bố?/ Hương hoa bưởi chờ tháng Ba trước ngõ/ Hạnh phúc ngày nào đã quá xa xôi”.

Minh Loan viết nhiều về gia đình của mình, đặc biệt là viết về mẹ. Trong “Mẹ tôi”, chị viết: “Gió sương nào có quản gì/ Tóc xanh má thắm xuân thì cho con/ Chưng buồn tủi cất héo hon/ Mẹ gieo hạnh phúc cho tròn mùa xuân”. Trong “Bàn chân”, chị tri ân ơn nghĩa sinh thành: “Trăm miền quê, vạn nẻo đường/ Bước hộ con muôn chặng đường khó khăn/.../ Con đi năm tháng miệt mài/ Có bàn chân Mẹ nối dài bước con”. Để ở tuổi ngoại tứ tuần, mỗi lần nghĩ về mẹ là biết bao ấm áp dịu dàng chảy tràn trong tim: “Ủ bao yêu ấm nồng thương/ Mẹ là bếp lửa, con nương một đời”. Hạnh phúc, với chị, không có gì xa xôi cả: “Ta có nhà, cha mẹ và nơi đó có mùa xuân”.

Vân Hạ