Những giai thoại đốt tiền về Công tử Bạc Liêu đào hoa, đa tình

Những thú vui “long trời lở đất” của Công tử Bạc Liêu

Trần Trinh Huy (1900 - 1974), tên thật là Trần Trinh Quy (do ông Trạch nói tên Quy không sang nên đổi thành tên Huy) là con ông Trần Trinh Trạch vời người vợ đầu, tức bà Phan Thị Muồi.Cùng với tên gọi Trần Trinh Huy, ông còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không hề là thành viên trong Hội đồng nào) Hắc công tử (do nước da ngăm đen). Trong đó, biệt danh “Hắc công tử” này là cách để phân biệt với “Bạch công tử”, một người có thể gọi là sánh tầm ăn chơi với Trần Trinh Huy.

Nhà Công tử Bạc Liêu hiện trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

Bà Phan Thị Muồi có tất cả ba người con là Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương. Trong ba người con thì Ba Huy có tố chất vượt bậc hơn nhưng lại thích ăn chơi nên ông bà Trạch quyết định cho Ba Huy sang Pháp du học thay vì lên Sài Gòn học trường Tây.

Mục đích cho Ba Huy sang Pháp du học là thà để cho con “bụng chữ” còn tốt hơn mấy trăm mẫu đất. Nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học như cha mẹ kỳ vọng, cậu Huy lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe, nhảy đầm, tango…Sau 5 năm du học trở về với thành tích chưa tốt nghiệp trường Pháp nhưng cậu Huy đã thành thạo những kỹ năng kể trên.

Về quê chưa được bao lâu, Ba Huy đã làm nhiều người kinh ngạc với những thú vui của mình.Chuyện kể, ông Hội đồng Trạch giao cho Ba Huy trông coi việc điền sản. Thay vì Ba Huy chính thức ra đồng thì cậu mướn ngay một người Pháp tên Henry giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình, còn cậu tập trung vào các thú vui chơi khác.

Cái ngông của Ba Huy trong việc này là cho người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi thu được hàng năm. Số tiền này rất hậu hĩnh so với làm cho người khác nên mà Henry đã làm mướn cho Ba Huy suốt mấy chục năm, mãi đến tháng 4/1975 mới về nước.

Tuy nhiên, có đôi lần Ba Huy cũng xuống thăm sở điền, xem xét tình hình. Có điều, cậu không như người thường mà hay mặc veston đi xe hơi mà tiêu điểm là chiếc Ford Vedette. Những lúc đi chơi, cậu lái chiếc Peugeot thể thao, loại xe lúc đó cả miền Nam chỉ có hai chiếc (chiếc còn lại là của Vua Bảo Đại). Không chỉ sắm siêu xe, Ba Huy còn sắm cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây vốn chỉ toàn xuồng chèo tay.

Chấn động hơn cả là cậu đã sắm cả máy bay riêng, thậm chí một lần Ba Huy tự lái máy bay đi thăm điền sở ở tỉnh Rạch Giá. Không biết sao, Ba Huy hứng chí bay ra biển Hà Tiên hóng mát rồi lạc sang tận nước Xiêm và phải đáp khẩn cấp vì máy bay hết xăng.

Ngay lập tức, Ba Huy bị Nhà nước Xiêm tạm giữ và phạt về tội xâm nhập lãnh thổ trái phép số tiền tương đương 200 nghìn giạ lúa.Sự ngông nghênh trong cách ăn chơi này của Ba Huy là cơ sở để người ta sánh cậu với Vua Bảo Đại vào thập niên 1930 – 1940, rằng hễ Vua Bảo Đại có thứ gì thì Ba Huy phải sắm cho bằng được thứ ấy.

Chân dung công tử Trần Huy Trinh.

Không những vậy, cái mà làm nên danh tiếng “Công tử Bạc Liêu” - Hắc Công Tử chính là cuộc chơi ngông với Bạch Công Tử Lê Công Phước, con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng người làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong việc “đốt tiền Dương Đông soi tìm cái bông tai và nấu trứng khi theo đuổi cô Bảy Phùng Há”. Không biết chuyện thực hư đó ra sao, nhưng sự việc này đã gắn liền với Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy trong suốt 100 năm qua.

Trong một lần thể hiện bản lĩnh dân chơi trước Bạch Công Tử, Trần Trinh Huy châm lửa đốt tờ 100 đồng làm đuốc soi sáng cho Bạch Công Tử tìm tờ tiền 5 đồng trong rạp phim tối. Câu chuyện đốt tiền của Ba Huy được lan truyền rộng khắp, bởi chuyện đốt tiền làm đuốc hay đốt tiền nấu chè là việc xưa nay chưa từng có, không chỉ ở nước ta mà còn từ đông tây kim cổ. Công tử Bạc Liêu hẳn cũng không thể bỏ qua những thú vui thời thượng lúc bấy giờ: rượu chè và cờ bạc.

Những buổi tiệc xa xỉ với rượu và sâm-panh – một trong những loại đắt đỏ nhất Việt Nam thời điểm đó, được diễn ra cả ngày lẫn đêm giữa Ba Huy và nhiều bạn bè giàu có khác. Thú chơi ngông của ông còn được nhiều người cho rằng, chính Ba Huy là người đầu tiên tổ chức hội chợ và hội thi “Hoa hậu miệt đồng” ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy rất giàu có và đầy quyền thế, nhưng Ba Huy được xem là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác và rất trọng lời hứa. Điều này thể hiện qua với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Đặc biệt, cậu đã ủng hộ Việt Minh một lúc 13 nghìn giạ lúa.

Tán gia bại sản vì đào hoa, đa tình

Không chỉ là người có những thú vui khác người mà Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy rất hào hoa và đa tình. Không như những người anh, người em khác, Trần Trinh Huy có đến 4người vợ và rất nhiều nhân tình, mà mối tình nào của Ba Huy cũng gặm nhấm một phần lớn gia sản do thân phụ để lại. Vì ăn chơi quá phóng túng, Ba Huy mất sau khi hoang phí gần hết tài sản gia đình, chỉ để lại được cho các con vài căn phố lầu.

Theo ghi chép trong cuốn “Công Tử Bạc Liêu”: Vợ đầu của Trần Trinh Huy là một người phụ nữ Pháp, hai người cưới nhau khi Huy du học ở Paris. Khi cậu Ba học xong, người vợ này không về Việt Nam mà ở lại Pháp. Người vợ thứ hai là Ngô Thị Đen ở Bạc Liêu, sinh cho cậu Ba người con gái là Hai Lưỡng.

Năm 1945, Trần Trinh Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Khoảng thời gian sống ở Sài Gòn, cậu lấy ngươìvợ thứ ba tên là Nguyễn Thị Hai. Người vợ này sinh được ba người con tên Thảo, Nhơn, và Đức.

Khoảng 23 năm sau (năm 1968), khi tuổi đã về già, với cuộc sống thanh nhàn trên đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì được biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin “đổi” căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý. Đây cũng là người vợ cuối cùng của ông, kém ông đến 50 tuổi. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.

Bốn người vợ của Ba Huy giờ đã mất hết, con thì còn được vài người nhưng không biết lưu lạc ở đâu, chỉ còn mỗi ông Trần Trinh Đức là về lại căn nhà xưa (hiện là khách sạn “Công tử Bạc Liêu”), vừa bán sách do chính tay ông viết và làm hướng dẫn viên du lịch. Ông cha ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” quả rất đúng với gia tộc họ Trần - bao nhiêu gia sản thời ông Trần Trinh Trạch gầy dựng được, hai đời sau đã phá không còn gì, ngoài khách sạn “Công tử Bạc Liêu”.

Hoàng Thư – Lâm Gia / Xa lộ Pháp luật