Những cây cầu bắc vào tương lai

Hà Nội là một thành phố như vậy!

Thành ngữ "Mọi con đường đều dẫn đến Rô-ma" mà chúng ta dùng với một ý nghĩa nào đó, thì cuối thế kỷ hai mươi, câu nói “Mọi con đường đều phải qua Hà Nội” luôn đúng với ý nghĩa thực của khái niệm này.

Cả một vùng Tây Bắc, Đông Bắc rộng lớn và giàu tiềm năng muốn vào được miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam… và ngược lại tất, cả đều phải qua Hà Nội! Để kết nối với mọi vùng đất, một thời chúng ta chỉ duy nhất có một cây cầu: Cầu Long Biên.

Cứ thế, trong suốt những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, cầu Long Biên oằn mình trong vai trò “gạch nối” giữa hai vùng tả - hữu sông Hồng. Trên thực tế Hà Nội đã có cây cầu thứ hai là cầu Thăng Long, vị trí cách cầu Long Biên 11km về phía bắc. Khoảng cách này không đáng kể đối với các phương tiện cơ giới, nhất là đối với các phương tiện vận tải “siêu trường, siêu trọng” đã phải nhiều ngày dặm dài trên quốc lộ xuyên Việt.

Vấn đề đặt ra là: Lấy đâu ra đường mà lên cầu Thăng Long để sang bên kia. Cầu Thăng Long chưa thật sự có ý nghĩa khi các công trình khác chưa phát triển đồng bộ. Mặc dù cầu Thăng Long là cây cầu hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Cầu Thăng Long không chỉ dừng lại là cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng sau gần một thế kỷ. Cầu Thăng Long là cầu nối tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.

Hơn ba mươi năm sau nhắc lại một số thông số kỹ thuật, cũng như vật tư xây dựng cầu Thăng Long để thấy các kỹ sư xây dựng công trình giao thông Việt Nam hôm nay đã tiến được những bước rất dài.

Cầu Thăng Long là cây cầu đến tận bây giờ vẫn là cây cầu nắm giữ nhiều kỷ lục! Thời gian khởi công là 26/11/1974. Thời gian thông xe toàn bộ là 1985. Hơn mười năm thi công với tổng khối lượng bê tông là 230.000m3, 53.293 tấn sắt thép, số bản vẽ in ra dài 50km, nếu trải ra diện tích sẽ là 20.000m2…

Song song với cầu Thăng Long, Hà Nội tiếp tục xây dựng cầu Chương Dương. Chương Dương là cây cầu thép 11 nhịp, cách cầu Long Biên 2km về phía hạ lưu. Cầu Chương Dương là cây cầu bắc qua sông Hồng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công. So với cầu Thăng Long, cầu Chương Dương được xây dựng nhanh hơn rất nhiều. Khởi công tháng 6/1983, hoàn thành năm 1985. Cầu Chương Dương vô cùng quan trọng khi cầu Thăng Long chưa phát huy hết khả năng mà nguyên nhân chủ yếu là chưa có một hệ thống giao thông đồng bộ để kết nối với mọi vùng đất…

Cho đến năm 1985, khu vực Hà Nội đã có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng song trên thực tế vẫn chưa giảm tải được cho thành phố. Ấy là chưa kể đến việc hao tổn năng lượng khi “tam giác kinh tế” phía bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã hình thành mà các xe ở miền Trung, miền Nam vẫn phải qua Hà Nội mới có thể đến các địa điểm nói trên. Khi cầu Yên Lệnh của tỉnh Hưng Yên hoàn thành thì những xe không có nhu cầu qua Hà Nội, theo quốc lộ số 1 đến Duy Tiên, Hà Nam rẽ sang quốc lộ 38 qua thành phố Hưng Yên, nhập vào quốc lộ 39, gặp quốc lộ số 5 ở Phố Nối (Hưng Yên). Cầu Yên Lệnh hoàn thành không những phá vỡ thế “ốc đảo” của Hưng Yên mà còn tiết kiệm cho các lái xe hàng trăm km đường…

Chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào nhưng trên thực tế cầu Yên Lệnh đã giảm tải đáng kể cho giao thông Hà Nội trong những năm cuối thế kỷ XX. Trong sự phát triển của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, mấy chục năm qua giao thông - vận tải là cơ sở hạ tầng đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển kinh tế!

Hòa nhịp với cả nước, Hà Nội trong những năm tháng này đã chuyển mình vươn lên, khả dĩ đáp ứng được với sự phát triển. Cầu Thanh Trì hoàn thành năm 2006, đây là một trong những cây cầu hiện đại vào bậc nhất Đông Nam Á, cầu được xây dựng bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất. Cầu Vĩnh Tuy đến tháng 9/2010 được thông xe. Cầu Nhật Tân hoàn thành, đây một phần trong tổng dự án đường vành đai II. Cầu Nhật Tân là cây cầu hiên đại và có thể nói là điểm nhấn ấn tượng cho cảnh quan Hà Nội…

Cầu Nhật Tân. Ảnh: mvk.vn

Năm 2014 cầu Vĩnh Thịnh thông xe, đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cầu Vĩnh Thịnh là cây cầu bắc qua sông dài nhất Việt Nam tính đến nay (5.500m). Cầu Vĩnh Thịnh là 1 trong 3 tuyến vành đai quan trọng thuộc quy hoạch phát triển giao thông trong quy hoạch chung của thủ đô tính đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Cầu Vĩnh Thịnh là điểm giao giữa các tuyến Hà Nội - Lào Cai - Đường Hồ Chí Minh, tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh với các tỉnh Tây bắc…

Mọi con đường đến đều phải dừng lại vì có một dòng sông. Sông Đà như một cái rào cản tự nhiên khiến cho nhiều vùng đất chưa thể khơi thức tiềm năng. Thế rồi, cầu Trung Hà, cầu Văn Lang, cầu Đồng Luận đã vươn sang bên kia… Cho đến hôm nay, khách đến Đá Chông (Hà Nội) đã có một cây cầu bắc ngang sông Đà nối liền hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ. Cũng từ đây ta có thể đi Hòa Bình mà không phải qua quốc lộ 6...

Sẽ còn nhiều cây cầu nữa được bắc qua sông Hồng! Điểm nhấn chủ đạo của giao thông Hà Nội phải chăng đó chính là những cây cầu. Những cây cầu không trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng có thể nói đó là “những cây cầu vượt qua đói nghèo và lạc hậu, những cây cầu bắc vào tương lai trong thời đại hội nhập và phát triển”. Đó là những công trình mang tính lịch sử của một thủ đô ngàn năm văn hiến!

Hà Nguyên Huyến