Nguyễn Quốc Học - Người trả ơn cho những ân tình của Đắk Nông

Một lần tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy anh Học khoe: “Tôi vừa về TP. Hồ Chí Minh lùng mua ở các tiệm sách cũ được tập thơ “Ngày sanh của rắn” của triết gia Phạm Công Thiện với giá hơn 10 triệu đồng”. Một tập thơ cũ mỏng dính, chỉ vài chục trang mà dám bỏ ra cả chục triệu để sở hữu thì phải nói cái thú chơi sách của anh thuộc vào hàng “cao thủ”.

“Ngày sanh của rắn” của triết gia Phạm Công Thiện với giá hơn 10 triệu đồng được anh Học lùng mua ở các tiệm sách cũ

Khi đàm đạo, anh Học say sưa kể về thú chơi sách và quá trình sưu tầm, với việc tốn không ít công của để có thể sở hữu nhiều cuốn sách vào dạng quý hiếm. Anh Học cho rằng, cũng như bao thú chơi tao nhã khác, người chơi sách phải “khoanh vùng” cần quan tâm để đeo đuổi. Có người chơi sách theo chủ đề hay tác giả mà mình yêu thích. Không dễ gì mà có được một nơi lưu trữ tư nhân để có được vài ngàn cuốn sách đa dạng chủ đề, nên anh xem đây là một gia tài lớn hiện nay.

“Thú chơi sách” của cụ Vương Hồng Sển do Nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1960 được anh Học sưu tầm

Anh Học cho biết, khi nói đến văn hóa đọc sách ở Việt Nam thì cụ Vương Hồng Sển có hẳn một chuyên luận khá hay, đó là cuốn “Thú chơi sách” do Nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1960. Mọi người hay gọi cụ là “Vương tiên sinh” bởi sự hiểu biết của cụ qua những thú chơi tao nhã, truyền thống như cổ ngoạn, đồ gốm sứ, chơi cá lia thia, đá gà... Tất cả được cụ viết trong 6 tập “Hiếu cổ đặc san” xuất bản năm 1970-1972. Với bất kỳ ai khi nhắc đến văn hóa đọc đều muốn sở hữu bộ sách quý này của cụ.

Một góc tủ sách của anh Học

Với niềm đam mê sách, hàng chục năm nay, KTS Nguyễn Quốc Học đã dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại như: triết học, sử học, kiến trúc, văn học nghệ thuật… Với anh, mỗi cuốn sách đều mang trong mình một ý nghĩa hết sức quan trọng về tri thức cũng như triết lý sống. Đồng thời, đây còn là “kho báu” giúp anh có nhiều vốn từ, thỏa sức tung tẩy từng con chữ trong sáng tác nghệ thuật, cũng như truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến thế hệ trẻ.

Với niềm đam mê sách, anh Học đã dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau

Anh Học tâm sự, đi sâu nét đẹp của văn hóa đọc, đều gắn liền với thú chơi sách. Điều đó cũng dễ hiểu vì khi đọc một cuốn sách hay người ta thường muốn lưu lại để ngâm nga hay giới thiệu cho những người xung quanh. Bởi vậy, thú chơi sách cũng được xem là đặc điểm tất yếu với những ai ham mê đọc sách. Chính sự trải nghiệm của bản thân người đọc để tìm hiểu văn hóa, giá trị lịch sử mà nhân loại luôn muốn gìn giữ.

Anh Học thiết kế một phòng thu âm mini để được đắm mình với đam mê âm nhạc

Ngay bên cạnh phòng đọc sách, anh Học thiết kế cho mình một phòng thu âm mini để được đắm mình với đam mê âm nhạc. Anh Học cho hay: “Có những lúc cảm xúc, ý tưởng đến một cách bất chợt nhưng không thể hiện được qua những nét vẽ hay những hình ảnh bằng kiến trúc. Do đó, tôi đành mượn những giai điệu, những ca từ để nắm bắt cảm xúc một cách chân thật nhất và diễn tả cảm xúc của mình nhanh nhất”.

Tính đến nay, anh Học đã có trong tay "khối gia tài khủng" với gần 200 ca khúc với nhiều thể loại, chủ đề khác nhau. Mỗi một ca khúc anh viết đều chứa đựng tâm huyết về vùng đất Đắk Nông thân yêu cũng như thể hiện sự chân thành và khát khao sáng tạo mãnh liệt.

Trong đó, có những ca khúc được đánh giá cao như “Đắk Nông chiều nhớ” đạt giải C do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông trao tặng; hay giải khuyến khích cho ca khúc “Dáng còng bà tôi” ở cuộc thi tình người trong đại dịch Covid-19; ca khúc “Khúc tình Quảng Ngãi” được lọt vào top 10 và tên ca khúc được chọn làm chủ đề của cuộc thi...

Tuyển tập mới nhất mang tên "Nối một vòng Việt Nam" có 22 ca khúc của anh Học viết về vùng đất, con người Việt Nam. Các sáng tác này như lời nhắc nhở người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, cũng hãy nhớ mình là người Việt, anh em bốn bể chung dòng máu lạc hồng.

Với niềm đam mê, cống hiến không mệt mỏi, mới đây, ngày 16/10/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietnam Book Of Records) đã xác lập kỷ lục cho KTS Nguyễn Quốc Học là “Nhạc sĩ sáng tác ca khúc về địa danh, vùng miền và sự kiện văn hóa Việt Nam nhiều nhất”.

Đến nay, anh Học đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó “Miền đất bình yên” đạt giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đắk Nông năm 2020.

Ấn phẩm “Kiến trúc Tây Nguyên” có ý nghĩa đặc biệt và anh xem đó như một sự trả ơn cho những ân tình mà mảnh đất Đắk Nông đã dành cho mình.

Tuyển tập mới nhất mang tên "Nối một vòng Việt Nam" có 22 ca khúc của anh Học viết về vùng đất, con người Việt Nam. Các sáng tác này như lời nhắc nhở người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, cũng hãy nhớ mình là người Việt, anh em bốn bể chung dòng máu lạc hồng.

Với niềm đam mê, cống hiến không mệt mỏi, mới đây, ngày 16/10/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietnam Book Of Records) đã xác lập kỷ lục cho KTS Nguyễn Quốc Học là “Nhạc sĩ sáng tác ca khúc về địa danh, vùng miền và sự kiện văn hóa Việt Nam nhiều nhất”.

Trích một đoạn nhạc trong "Trường ca Đắk Nông" do anh Học sáng tác

Theo anh Học, những sáng tác của mình ngoài việc để thỏa niềm đam mê còn thể hiện góc nhìn của bản thân nơi đặt chân đến, hay người nào đó bước qua đời mình, nhất là khi viết về vùng đất, con người Đắk Nông-quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên. Chính vì lẽ đó, mỗi khi đến vùng đất nào, anh cũng dành thời gian tìm hiểu lịch sử, con người và lắng đọng lại thành những vần thơ, lời nhạc mộc mạc, ngắn gọn, da diết.

Với niềm đam mê sáng tác, anh Nguyễn Quốc Học đã có trong tay "khối gia tài khủng" với gần 200 ca khúc nhiều thể loại

Chưa dừng lại ở đó, đến nay, anh Học đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó “Miền đất bình yên” đạt giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đắk Nông năm 2020. Anh còn là tác giả của hơn 20 đầu sách về nhiều lĩnh vực khác nhau như: kiến trúc, âm nhạc, thơ văn, hội họa, phong thủy, tôn giáo...

Trong đó, ấn phẩm “Kiến trúc Tây Nguyên” có ý nghĩa đặc biệt và anh xem đó như một sự trả ơn cho những ân tình mà mảnh đất Đắk Nông đã dành cho mình. Hiện nay, anh đang ấp ủ để hoàn thiện bộ sách “Lịch sử kiến trúc Việt Nam”, được xem là một đề tài lớn với nhiều tâm huyết, công sức.

Bên cạnh đó, sau gần 20 năm theo đuổi nghề kiến trúc, anh Học đã chủ trì, thiết kế gần 1.000 công trình, trong đó gần 30 công trình tôn giáo và một số công trình văn hóa mang đậm nét kiến trúc Tây Nguyên.

Các công trình nổi bật mang dấu ấn cá nhân rõ nét của KTS Nguyễn Quốc Học phải kể đến như: cổng chào ở 3 cửa ngõ của TP. Gia Nghĩa, chùa Liên Hoa, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên... Đặc biệt, công trình chùa Pháp Hoa (tỉnh Đắk Nông) do anh Học thiết kế đã đạt giải C (không có giải A và B) về lĩnh vực kiến trúc của Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông lần thứ II, năm 2020, giai đoạn 2015-2020. Đây là công trình thể hiện rõ sự giao thoa giữa kiến trúc đặc sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên với triết lý Phật giáo.

Nội dung: Mỹ Hằng - Trình bày: NH

Mỹ Hằng