Nghề biên kịch phim truyện: Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai!

“Hạnh phúc của mẹ” đoạt giải Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh của Cánh diều vàng 2019.

Nghề thu hút nhưng chông gai

Là những người thai nghén ra kịch bản, cái gốc và đồng sáng tạo nên những bộ phim, nhưng nếu như các đạo diễn, diễn viên được vinh danh, thì những nhà biên kịch lại ít khi được biết đến. Họ âm thầm, lặng lẽ viết và chịu cảnh vô danh, thậm chí chất xám của họ còn ít được chú trọng nếu như họ là biên kịch trẻ, chưa có tên tuổi.

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ làm việc tại các công ty sản xuất phim với mức lương cơ bản 5 - 7 triệu đồng/tháng, còn những biên kịch dày dạn kinh nghiệm thì 7 - 10 triệu đồng/tháng. Với một công việc đòi hỏi luôn sáng tạo, có kỹ năng, nhiệt huyết, tính kỷ luật và có khả năng chịu áp lực trong công việc thì mức thu nhập như vậy là quá thấp.

Những biên kịch trẻ làm tự do có chút thoải mái hơn về thời gian viết nhưng đôi khi cũng có những rủi ro như nhà sản xuất sau khi nhận kịch bản lại trả nhuận bút quá trễ, o ép giá… Thậm chí có những nhà sản xuất ngang nhiên bỏ tên biên kịch trẻ (mới vào nghề) mà PR thương hiệu của công ty họ.

Vân Anh, biên kịch của những bộ phim như: “Mình cưới thật em nhé”, “Người nhà quê”, “Ra Giêng anh cưới em”, “Đi qua mùa mưa”, “Vitamin tình yêu”, “Bình minh muộn”, chia sẻ: “Nghề biên kịch là nghề có tương lai, tiềm năng cho các bạn trẻ đam mê viết, sáng tạo.

Nhưng các bạn cần có chính kiến để có thể tìm được những nhà sản xuất tôn trọng chất xám, công sức. Cứ sáng tạo hết mình đi. Gõ nhiều cánh cửa nữa. Nếu bạn có tài năng, sẽ tìm được cánh cửa tốt nhất cho mình.

Rất cần nhưng luôn thiếu

Nhiều nhà làm phim, nhiều nghệ sĩ trong làng phim Việt đều than phiền là nhiều hãng phim đang rất cần các biên kịch giỏi, có tay nghề nhưng thực tế đội ngũ sáng tác kịch bản phim truyện ở ta đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Dù có hẳn trường đào tạo biên kịch chính quy là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhưng số biên kịch tốt nghiệp từ đây không có mấy người thành công, trụ được với nghề.

Các biên kịch kiểu tay ngang cũng tham gia vào làng phim nhưng không nhiều người có tác phẩm được dàn dựng. Để khắc phục tình trạng khan hiếm này, nhiều hãng phim, nghệ sĩ tên tuổi cũng tổ chức một số khóa học dạy về kỹ năng biên kịch nhưng thành tựu không như mong đợi.

Năm 2017, hãng CJ CGV Việt Nam tổ chức Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng đã thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, sau đó cũng không phát hiện được nhiều gương mặt biên kịch ấn tượng. Năm 2018, tại lễ trao giải cuộc thi Nhà biên kịch tài năng (lần thứ 2) đã xuất hiện một số gương mặt trẻ khá nổi song để trụ lại và phát triển được với nghề, thì vẫn còn là một chặng đường dài.

Biên kịch Vân Anh chia sẻ: “Để trở thành biên kịch giỏi rất khó và không phải ai cũng có khả năng làm được. Vậy nên tôi cũng như các bạn khác luôn học hỏi, trau dồi phông văn hóa và kỹ năng.

Kỹ năng biên kịch thì có thể học, nhưng phông văn hóa thì còn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Để trụ lại với nghề, biên kịch phải luôn sáng tạo, tìm ra cái mới, cách viết mới, câu chuyện mới lạ… để mình không bị tụt hậu so với sự phát triển nhanh của điện ảnh”.

Bao giờ được đãi ngộ tương xứng?

Dù nắm một vai trò khá quan trọng trong quy trình sản xuất, sáng tạo ra tác phẩm là những bộ phim, nhưng thực tế có thể nói các biên kịch vẫn chưa nhận được sự đãi ngộ tương xứng.

Nhiều ý kiến của một số biên kịch cho rằng, tiền thù lao mà các nhà sản xuất phim trả cho kịch bản của họ còn thấp so với sự “lao tâm khổ tứ” trong lao động nghệ thuật. Khi bộ phim thành công, có lợi nhuận cao hoặc được nhiều nhà đài, rạp phim mua thì các biên kịch cũng không được trả thêm tiền thù lao mà chỉ có nhà sản xuất và nhà phát hành hưởng.

Thậm chí, về mặt tinh thần thì quyền lợi của biên kịch cũng bị “chèn ép” hoặc bị lơ. Là khâu đầu tiên của quy trình làm ra bộ phim, nhưng tên tuổi của biên kịch rất ít khi được nhắc đến, đề cao. Tại các buổi ra mắt phim, đa phần chỉ thấy lăng xê đạo diễn, diễn viên, còn biên kịch - người đầu tiên sinh ra kịch bản - bộ phim, thì hầu như không ai nhắc đến.

Ngoài ra, theo lời tâm sự của một số biên kịch trẻ, vì chưa có tên tuổi, ít mối quan hệ, nên họ thường bị ép giá khi đi chào hàng kịch bản, thậm chí có người còn bị quỵt tiền thù lao.

“Tôi từng trò chuyện với một biên kịch trẻ và bạn tâm sự bạn từng chào kịch bản đến một nhà sản xuất nhưng khi đưa ra giá 100 triệu đồng thì nhà sản xuất cười và họ đề nghị hạ giá thấp hơn. Trong khi thường thì một kịch bản điện ảnh sẽ được trả từ 200 - 300 triệu đồng”, biên kịch Vân Anh thổ lộ.

Để có một bộ phim hay, điều đầu tiên là phải có một kịch bản hay, muốn thế cần có những biên kịch giỏi, giàu nhiệt huyết. Những nền điện ảnh, trung tâm hay các nước có nền công nghiệp phim ảnh lớn, phát triển, đều chú trọng vào khâu đào tạo biên kịch. Đào tạo ra những biên kịch giỏi không hề đơn giản và nhanh chóng, nhưng để duy trì phát huy tài năng của họ thì còn cần cả sự đãi ngộ tương xứng.