Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4: Phát huy truyền thống văn hóa, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội

Lễ hội Bà Triệu. Ảnh: tư liệu

Được xem là một trong những cái nôi di sản của đất nước, Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê. Trong đó, di tích đã được xếp hạng là 852 di tích, gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 140 di tích quốc gia, 706 di tích cấp tỉnh và trên 400 lễ hội, tập quán xã hội được phân bố ở khắp các vùng, miền trong tỉnh. Để từng bước phát huy nguồn lực nội sinh quan trọng này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quan điểm xuyên suốt là chú trọng xây dựng văn hóa trên tất cả các lĩnh vực; đặt phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc. Trên cơ sở đó, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chuyên biệt về văn hóa, đặc biệt là tập trung nguồn lực đầu tư các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã quan tâm lựa chọn các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, các làng nghề tiêu biểu, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch với đủ các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng... Đồng thời, nghiên cứu phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng thành thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng Thanh Hóa. Quy hoạch và xây dựng các công trình văn hóa, thể thao trọng điểm, trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực, sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm, công trình văn hóa - nghệ thuật có giá trị, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa dân tộc, làm giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh.

Kết quả là, toàn tỉnh đã có trên 700 di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, từ nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa và các nguồn xã hội hóa. Riêng giai đoạn 2016-2020, đã tu bổ, tôn tạo được 230 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Phần lớn trong số các di tích được trùng tu, tôn tạo là di tích trọng điểm, có ý nghĩa lớn về lịch sử - văn hóa và gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, việc khôi phục, sưu tầm, khai thác, giới thiệu các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, ca dao, tục ngữ, truyện thơ của các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông. Tiêu biểu như dân ca - dân vũ Đông Anh, trò Xuân Phả, hò Sông Mã, trò Tú Huần, trò Chiềng, Xường, Xéc bùa, Khặp hoa, Khua luống, Kin chiêng Boọc mạy, Pồn Pôông, ca trù, hát xẩm... Ngoài ra, việc khai quật hàng chục di tích khảo cổ đã phát lộ nhiều nền văn hóa cổ xưa, góp phần sáng tỏ và khẳng định sự phong phú, đa dạng văn hóa xứ Thanh trên bức tranh di sản văn hóa Việt Nam.

Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người phải trở thành trung tâm, vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng thụ hưởng. Xác định rõ điều đó, bước đầu, tỉnh ta đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước trong đội ngũ trí thức, doanh nhân người Thanh Hóa để có những đóng góp, cống hiến, đầu tư nguồn lực phát triển quê hương. Đồng thời, chú trọng phát huy nhân tố con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, xem đây là một trong những khâu đột phá quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Với ý nghĩa đặc biệt của nó, việc phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh ta đặc biệt quan tâm và đã có các cơ chế, chính sách dành cho việc xây dựng con người Thanh Hóa kiểu mẫu, với các phẩm chất tiêu biểu như giàu lòng yêu quê hương, đất nước, có lý tưởng, trách nhiệm công dân, có tri thức, thể lực, thẩm mỹ; có kỹ năng lao động và đạo đức nghề nghiệp; đoàn kết, trung thực, sáng tạo, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, gia đình, làng bản, thôn, xóm, xã, phường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu... nhằm tạo nền tảng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, quê hương.

Để tạo đà cho văn hóa phát triển và thực sự trở thành nền tảng cho phát triển bền vững, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, một lần nữa khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tạo nền tảng để tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa và thể thao của khu vực và cả nước”. Nghị quyết cũng đồng thời nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước; đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn... Sự định hướng này cũng chính là căn cứ quan trọng để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp; cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Kim Ngân