Ngày này năm xưa 7/2: Ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành công nghiệp

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 7/2 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 7/2.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 7/2/1963: Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên được thành lập.

Trong 60 năm xây dựng và phát triển, lực lượng biên phòng hai tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng có liên quan đấu tranh hiệu quả các hoạt động vi phạm hiệp định tạm thời về biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Ngày 7/2/1965: Đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Trong hai ngày 7 và 8/2, Mỹ tiến hành cuộc tập kích mang tên “Mũi lao lửa I”, sử dụng 169 lần chiếc máy bay ném bom, bắn phá thị xã Đồng Hới, đảo Cồn Cỏ, khu vực Vĩnh Linh. Các đơn vị bộ đội phòng không, hải quân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã đánh trả quyết liệt và trừng trị đích đáng những hành động khiêu khích và xâm lược này của đế quốc Mỹ. Trong 2 ngày này, 13 máy bay địch bị bắn rơi.

Ngày 7/2/1968: Đội pháo binh dân quân nữ xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) là đơn vị pháo binh dân quân nữ đầu tiên đã bắn cháy àu chiến Mỹ.

Các nữ pháo binh Ngư Thủy đã bắn trúng, bắn cháy tàu chiến của quân đội Mỹ - Ảnh: QĐND

Hồ Chủ Tịch đã gửi thư khen. Đến tháng 3 và tháng 5/1968, đơn vị đã bắn cháy lần thứ hai và lần thứ ba tàu chiến Mỹ. Nǎm 1972, đội pháo binh dân quân nữ xã Ngư Thủy lại bắn cháy 2 tàu chiến nữa của Mỹ. Đây là đội pháo binh dân quân nữ bắn cháy nhiều nhất tàu chiến Mỹ ở miền Bắc.

Ngày 7/2/2001: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 06/2001/QĐ-BCN về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 7/2/2003: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg về việc cử thành viên Ủy ban Quốc gia về hợp tác Kinh tế quốc tế.

Ngày 7/2/2005: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2005/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành công nghiệp.

Ảnh minh họa

Ngày 7/2/2007: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 10/2007/QĐ-BCN ban hành Quy chế tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ Công nghiệp.

Sự kiện quốc tế

Ngày 7/2/1812: Tiểu thuyết gia người Anh Charles Dickens chào đời.

Tác phẩm đầu tay của ông được xuất bản khi ông 22 tuổi. "David Copperfield", "Những câu chuyện phiêu lưu của chàng Picknick" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Các tác phẩm của ông tố cáo chế độ nô lệ, tính tham lam ích kỷ, sự bóc lột tư bản và toát lên triết lý nhân đạo. Vì vậy ông được coi là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực phê phán Anh giữa thế kỷ XIX.

Ngày 7/2/1974: - quốc đảo thuộc vùng biển Caribbean - giành độc lập hoàn toàn từ Anh.

Quốc đảo Grenada

Ngày 7/2/1979: Nước cộng hòa nhân dân Campuchia và Hội đồng nhân dân Cách mạng Campuchia tuyên bố thành lập.

Nhờ sự giúp đỡ của quân đội tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh.

Ngày 7/2/1989: Hội nghị Quốc tế về Hạn chế Vũ khí sinh học khai mạc tại Paris (Pháp).

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 7/2/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp bàn của Chính phủ và yêu cầu các nhà ngoại giao nghiên cứu kỹ khái niệm “thác trị” (hay ủy trị) mà Liên hợp quốc mới đưa ra. Đây là hình thức chuyển giao chính quyền ở các thuộc địa thông qua Liên hợp quốc để người bản xứ từng bước giành lại quyền độc lập. Điều này cho thấy mối quan tâm hàng đầu của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam là tìm mọi phương cách để dân tộc ta không trở lại kiếp thuộc địa của ngoại bang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: QĐND

Ngày 7/2/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ bắt đầu từ ngày 6/2. Trong lời kết luận, Bác nhấn mạnh đến vũ khí “phê và tự phê” và lưu ý hiện tượng trong lúc thực hiện “phê bình” và “tự phê bình”, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình”.

Ngày 7/2/1956: Kết luận lá thư khen huyện Mỹ Đức (lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông) đã có nhiều thành tích chống hạn, Bác viết: “Trong cuộc thử thách lâu dài và gian khổ là 8, 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã thắng lợi. Hạn hán cũng là một cuộc thử thách, nhân dân ta quyết chống hạn thành công”.

Ngày 7/2/1969: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ tại Paris. Hơn nửa năm sau, ngày 2/9/1969, nhà lãnh đạo Việt Nam qua đời, Quốc trưởng Sihanouk đã sang Hà Nội dự lễ tang. Sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký của mình, Cựu vương Sihanouk đã bày tỏ: Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ, Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người... (Hồi ký: Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ-me Đỏ của N. Sihanouk).

Nguyễn Ngọc