Ngành Nông nghiệp Thủ đô chủ động thực hiện nhiệm vụ kép

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng quý I-2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 2,51%. Trong ảnh: Chăm sóc lợn giống tại một trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Trọng Hiếu

- Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Thủ đô nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương không chỉ ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, mà còn cản trở lưu thông hàng hóa nông sản từ Hà Nội tới các tỉnh, thành phố và ngược lại… Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động kế hoạch ứng phó với những tình huống trên và đã điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến thị trường.

Cụ thể, từ những tháng cuối năm 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân, điều chỉnh theo từng nhóm cây trồng cho phù hợp với thị trường. Ví dụ với cơ cấu giống lúa, nhóm giống lúa chất lượng cao đã lên tới 60% diện tích sản xuất; còn rau màu thì tập trung gieo các giống ngắn ngày, đậu tương và ngô thực phẩm.

Với chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chỉ đạo các địa phương tập trung khôi phục đàn lợn, nâng cao chất lượng thủy sản, phát triển đàn trâu, bò... Về thị trường, Hà Nội đã khai thác tối đa các chuỗi cung ứng sản phẩm, phát triển các hợp tác xã, tăng cường liên kết doanh nghiệp và thực hiện phương châm lấy thị trường Thủ đô làm trọng tâm. Do vậy, dù đối diện nhiều khó khăn, quý I-2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 2,51%.

- Ông có thể cho biết rõ hơn những khó khăn mà ngành Nông nghiệp đã, đang và sẽ phải đối mặt?

- Như tôi đã nói, khó khăn lớn nhất đối với ngành Nông nghiệp hiện nay là nguồn nguyên liệu cho sản xuất, bởi tại các tỉnh giáp với Hà Nội, dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với đó, việc tiêu thụ nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, tỷ lệ sản xuất nông sản chế biến của Hà Nội chưa lớn, việc tiêu thụ nông sản vẫn chủ yếu qua các chợ truyền thống, thương lái… nên thu nhập của nhiều nông dân sẽ bị ảnh hưởng…

- Vậy, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp nào để bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa thúc đẩy sản xuất, duy trì mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?

- Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương và người dân thực hiện nghiêm túc lịch mùa vụ; chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết; tích cực phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Qua thực tế kiểm tra tình hình sản xuất tại các địa phương cho thấy, sản xuất vụ xuân cơ bản thuận lợi; lúa, rau màu phát triển tốt; đàn gia súc, gia cầm tăng…

Trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương đề nghị các siêu thị, chuỗi cửa hàng tăng cường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân Thủ đô; đồng thời thu mua, dự trữ nông sản trong hệ thống. Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ chủ động nắm bắt thị trường, căn cứ vào diễn biến cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Ngoài việc xây dựng phương án, kịch bản trong sản xuất, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chủ động kết nối các thị trường mới để bảo đảm tiêu thụ hàng hóa; tập trung đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ kiến nghị thành phố tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ; phát triển các khu chế biến tập trung và đầu tư sản xuất con giống cung cấp cho các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đáp ứng nhu cầu nông sản của thị trường Thủ đô và đối phó một cách hiệu quả với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Về lâu dài, Hà Nội định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…; thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Minh