Năm 2024 - Nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư chứng khoán

Sự hồi phục của thị trường chứng khoán giai đoạn đầu chính là sự hồi phục về niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: TL

Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn?

Trong năm 2023, thị trường chứng khoán có sự cải thiện tích cực về chất lượng cổ phiếu niêm yết, thể hiện qua sự vận động và “khẩu vị” dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản và tiềm năng tăng trưởng.

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó Chủ tịch Hanita Master nhận định, vừa qua thị trường vàng đột ngột tăng giá kỷ lục và ngay sau đó rớt giá thê thảm, khiến cho nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Riêng, đối với thị trường bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhưng lại khan hiếm sản phẩm phù hợp so với “khẩu vị” nhà đầu tư ứng với từng phân khúc sản phẩm.

Một yếu tố ảnh hưởng khá lớn là lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại đã giảm sâu tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay trong năm 2024. Trong bối cảnh như vậy, đầu tư chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả…

Việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ tạo thuận lợi đối với đầu tư chứng khoán, kích thích được nhà đầu tư bơm tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn… Nhìn chung, giảm lãi suất là tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.

Ông Hậu cho rằng, tại Việt Nam, một số ngành nghề kinh doanh có khả năng “dẫn dắt” thị trường chứng khoán trong năm 2024 gồm: bất động sản, ngân hàng, công nghệ và thương mại, dịch vụ.

Giải quyết "nút thắt cổ chai" bất động sản

"Các luật quan trọng được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023 như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi nhiều hơn cho người mua nhà và giải quyết các "nút thắt cổ chai" mà thị trường bất động sản đang đối mặt, giúp nhà đầu tư tự tin hơn và hồ hởi hơn.

Mặc dù áp lực đáo hạn từ trái phiếu vẫn còn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhưng các đa số các doanh nghiệp đã thích nghi với áp lực này và có hướng xử lý. Các doanh nghiệp bất động sản đã thu xếp được nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn, giúp bảng cân đối kế toán trở nên lành mạnh hơn.”

Ông Chen Chia Ken - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS)

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) Chen Chia Ken (Jacky) cho hay, thị phần đầu tư trong năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ là kênh chiếm ưu thế. Các kênh đầu tư khác bao gồm vàng, bất động sản, trái phiếu và gửi tiết kiệm dự kiến khó ghi nhận được các mức lợi suất hấp dẫn hơn chứng khoán.

kỳ vọng mức tăng trưởng về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ ở vào khoảng 15 - 17%, với ước tính P/E thị trường quanh 12 - 13 lần, VN-Index có thể đạt 1.260 - 1.430 điểm, tương ứng với tỷ suất khoảng 9 - 20% so với hiện tại. Đây là một mức hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Nhận định về tiềm năng các kênh đầu tư năm 2024, nhiều chuyên gia bày tỏ quan tâm dành cho thị trường chứng khoán nhìn nhận, với thị trường vàng, hiện giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn đáng kể so với vàng thế giới (khoảng 10 triệu đồng/lượng).

Giai đoạn vừa qua, giá vàng trong nước tăng mạnh vượt ngưỡng 80 triệu đồng/lượng (chênh lệch với vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng), Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức có công điện chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, tránh các tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Trái phiếu cũng là một kênh có tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu hiện tại vẫn khá trầm lắng. Việc quy định phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nên cũng là "cửa hẹp" cho nhiều nhà đầu tư. Còn đối với đầu tư bất động sản, đây cũng có thể là một kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn từ 3 - 5 năm, sau khi các vướng mắc trên thị trường bất động sản được khơi thông và tâm lý người mua được cải thiện.

Những yếu tố trợ lực vĩ mô, thúc đẩy thị trường

Năm 2023 và 2024 được coi là năm bản lề cho thị trường chứng khoán trong dài hạn khi Quốc hội, Chính phủ thực hiện hàng loạt các chỉnh sửa về luật, thông qua nhiều luật mới hướng tới nâng hạng thị trường và phát triển thị trường chứng khoán bền vững.

Trong đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhìn rõ các vấn đề tồn tại của thị trường chứng khoán Việt Nam và đang tích cực trong việc gỡ các "nút thắt". Các động thái chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ đem lại nhiều triển vọng tích cực cho thị trường chứng khoán, giúp minh bạch thị trường và thu hút nhiều hơn các dòng vốn lớn trong thời gian tới.

Mức lãi suất tiết kiệm khá thấp

Kênh tiền gửi tiết kiệm mặc dù là kênh an toàn nhưng mức lãi suất hiện tại khá thấp, chỉ ở mức 4,5 - 5,0% cho kỳ hạn 12 tháng, các kỳ hạn ngắn thậm chí chỉ quanh 1,5 - 3,5%, khá thấp so với mức lợi nhuận cổ tức của nhiều doanh nghiệp trên sàn như VNM, GAS, BMP hay SAB (5 - 8%).

Nhìn nhận về trợ lực từ yếu tố vĩ mô, ông Chen Chia Ken nhận xét, khi hệ thống KRX vận hành sẽ giúp tháo gỡ quy định về ký quỹ trước khi giao dịch, từ đó mở ra cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi của tổ chức xếp hạng tín nhiệm FTSE. KRX cũng là tiền đề để hướng đến nâng hạng bởi MSCI trong tương lai. Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại mới đổ vào, từ đó cải thiện thanh khoản cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với nhà đầu tư, hệ thống KRX sẽ góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán. KRX cũng sẽ cung cấp thêm các sản phẩm đầu tư đa dạng hơn như giao dịch T+0, bán khống, các sản phẩm phái sinh mới…

Nhìn chung đây là những yếu tố mang tính kỳ vọng và có thể không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chung trong ngắn hạn, đặc biệt là cải thiện thanh khoản ngay lập tức. Thêm vào đó, các sản phẩm mới cũng có thể mang đến những rủi ro đầu tư thua lỗ cho các nhà đầu tư nếu không có sự tìm hiểu kỹ càng. Việc ứng dụng hệ thống KRX chắc chắn sẽ là tiền đề để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ hơn trong tương lai./.

Kỳ Phương