Mỹ triển khai oanh tạc cơ B-1B đến Na Uy răn đe Nga

Bốn máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ và gần 200 nhân sự từ căn cứ không quân Dyess đã được triển khai đến căn cứ không quân Orland tại Na Uy.

Trong vòng 3 tuần tới, nhiệm vụ của lực lượng này sẽ bắt đầu ở Vòng Bắc Cực và không phận quốc tế bên ngoài vùng lãnh thổ tây bắc nước Nga.

Các nhiệm vụ quân sự của Mỹ tại Bắc Cực thường xuyên được thực hiện từ căn cứ ở Anh. Theo giới chức Mỹ, việc di chuyển gần đến Nga có nghĩa là Mỹ sẵn sàng phản ứng nhanh hơn với bất kì hành động nào của Nga trong khu vực.

Trong vài tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã liên tiếp triển khai các nhóm máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông như biện pháp thể hiện khả năng triển khai nhanh chóng khí tài quân sự đến bất kì khu vực căng thẳng nào.

Các nhiệm vụ của máy bay ném bom thường mất nhiều tuần để lên kế hoạch, do đó, sự triển khai B-1B đến Na Uy đã được chuẩn bị trong một khoảng thời gian khá dài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump. Trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông Joe Biden đã đề cập đến nhiều vấn đề từ tấn công mạng quy mô lớn đến việc bắt giam lãnh đạo đối lập.

Lầu Năm Góc thường xuyên bày tỏ quan ngại về việc quân đội Nga ngăn cản khả năng tiếp cận của Mỹ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên và những tuyến đường vận tải biển ở Bắc Cực.

Theo bà Barbara Barrett, Thư kí không quân Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, việc duy trì sự hiện diện tại Bắc Cực là điều quan trọng đối với Nga, do gần 25% GDP của nước này đến từ việc khai thác các nguồn nhiên liệu hydrocarbons ở phía bắc Vòng Bắc Cực.

Vào hồi tháng 1-2021, một cường kích Su-24 của Nga đã bay sát tàu khu trục USS Donald Cook thuộc hải quân Mỹ tại biển Đen.

Cuộc tiếp cận dù không gây ra hậu quả gì, tuy nhiên, phía hải quân Mỹ đã khẳng định rằng, nước này cam kết sẽ tiếp tục duy trì tự do hoạt động của mọi quốc gia tại vùng lãnh hải quốc tế ở Biển Đen.

Đặng Vũ