Mỳ gạo Thuật Yến và hành trình khẳng định thương hiệu

Anh Nguyễn Văn Thuật (ngoài cùng bên trái) Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP ên Quang) nhận Giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2022.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Thuật bảo, quê anh ở Bắc Giang, nơi có đặc sản Mỳ Chũ Lục Ngạn nổi tiếng. Khi lấy vợ Tuyên Quang, lắm lúc thèm Mỳ Chũ, anh lại gọi điện cho người nhà ở quê gửi xe khách lên, vừa đã cơn thèm, vừa để vợ bán. Năm 2013 vợ chồng anh quyết định chuyển nghề làm mỳ gạo. Lúc đầu cũng gian nan, mỗi ngày 2 vợ chồng chỉ làm 1,5 tạ gạo, sau đó đi gửi các đại lý, cửa hàng bán dần. Do cả hai vợ chồng đều chưa từng học qua nghề này nên công đoạn nào hầu như cũng phải bỏ đi vài mẻ. Làm dần thành thạo, thậm chí chỉ cần nhìn thời tiết, anh chị cũng biết nên xay bột nát hay mịn, ép bột khô hay ướt.

Năm 2015, các sản phẩm mỳ gạo, miến dong trong và ngoài tỉnh phải gánh chịu nhiều điều tiếng thị phi, khi có một thời gian, người ta đồn các loại mỳ gạo hay miến dùng chất tẩy trắng; sử dụng chất phụ gia, bảo quản... Anh Thuật bảo, cú sốc này khiến hai vợ chồng lo lắng, lúc này mới tính đến chuyện xa hơn để sản phẩm mỳ gạo có sức cạnh tranh tạo được dấu ấn hơn trên thị trường. Từ đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Thuật Yến được thành lập vào năm 2016, là xưởng sản xuất mì, bún lớn nhất tại xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Sản phẩm Mỳ gạo Thuật Yến được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Để sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, anh chị xây dựng một xưởng chế biến khép kín hoàn toàn, diện tích hơn 500 m2. Từ công đoạn ép bột, ra sợi đến sấy khô đều thực hiện ngay trong xưởng. Anh còn mày mò tìm hiểu, nghiên cứu thiết kế lò sấy sử dụng hoàn toàn bằng điện năng. Ngay sau khi mỳ được ép ra từ máy sẽ được đưa ngay vào lò sấy công suất 1 tấn/ngày đêm. Lò sấy này sử dụng điện năng hoàn toàn. Khi sợi mỳ ướt, máy tự động tăng nhiệt độ lên 50 - 60 độ C, khi khô sẽ chuyển về nhiệt độ 30 độ C. Nhờ đó, chất lượng mì cũng tăng cao khi không phải sấy bằng củi, than tổ ong. Đặc biệt, quy trình sản xuất không sử dụng bất cứ phụ gia nào.

Theo anh Thuật, công đoạn quan trọng nhất để quyết định sợi mì ngon hay không phần lớn đến từ việc chọn gạo để làm. Loại gạo mà anh sử dụng là một trong những đặc sản của địa phương - gạo bao thai. Mỗi tháng cơ sở sản xuất bún khô sử dụng từ 12 đến 15 tấn gạo và số gạo này được thu mua từ bà con trong xã. Chính điều này đã biến những hạt gạo nơi đây thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn nhiều.

Sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình khép kín. Năm 2017, Mì gạo Thuật Yến được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn, bao bì. Đồng thời, ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Với công suất sản xuất 8 tạ - 1 tấn mỳ/ngày, trung bình 26 tấn/tháng, doanh thu HTX đạt khoảng 3,4 tỷ đồng/năm. Hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay mỳ gạo Thuật Yến đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang…

Ông Lưu Hồng Châm, Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, Hợp tác xã Nông nghiệp Thuật Yến là cơ sở sản xuất mỳ, bún khô lớn của địa phương. Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín, không sử dụng các sản phẩm hóa học nên chất lượng sản phẩm cao, an toàn cho người tiêu dùng. Từ khi đi vào hoạt động, xưởng đã thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Đặc biệt, HTX còn tạo ra chuỗi sản phẩm liên kết tiêu thụ gạo đầu tiên của xã.

Năm 2021, sản phẩm Mỳ gạo Thuật Yến được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; năm 2022, sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh. Điều này đã góp phần khẳng định hơn nữa giá trị và chất lượng sản phẩm của HTX trên thị trường. Theo anh Thuật, HTX đang định hướng phát triển thương hiệu Mỳ gạo Thuật Yến xuất khẩu để khẳng định hơn nữa tên tuổi sản phẩm địa phương.

Bài, ảnh: Thúy Nga