Mỹ đang đẩy Nga-Thổ 'đối đầu nhau' ở Biển Đen

Mỹ đẩy EU đối đầu Nga

Vào cuối tuần trước, đã diễn ra cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Và dĩ nhiên, chủ đề không thể thiếu trong cuộc điện đàm là Nga.

Trong cuộc hội đàm, hai bộ trưởng đã thảo luận về các vấn đề hợp tác an ninh và quốc phòng trong khu vực, đặc biệt, Bộ trưởng Mỹ chỉ ra "sự bất ổn ngày càng gia tăng ở biên giới phía đông và phía nam của NATO".

Nhà báo kiêm bình luận viên chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Güller trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Nga Sputnik đã bình luận rằng, chính những hành động của phía Mỹ là nguồn gốc gây ra sự bất ổn này.

Theo ý kiến của Güller, Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để sáp nhập các nước tuyên bố độc lập sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào phe phương Tây, bằng cách đó, họ tiếp tục bành trướng về phía đông để siết chặt chiếc thòng lọng vây quanh Nga.

Đặc biệt, để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ đã thúc đẩy đưa Bulgaria và Romania trở thành thành viên của EU và NATO. Sử dụng công cụ của "cuộc cách mạng màu" ở Gruzia, họ đã cố gắng lợi dụng đất nước ở Kavkaz này để chống lại Liên bang Nga. Chiến thuật tương tự cũng đã được sử dụng trong trường hợp của Ukraine.

Bình luận về tuyên bố của Austin về kết quả điện đàm của ông chủ Lầu Năm Góc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Güller nói rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng gọi Nga là mối đe dọa sát sườn đối với EU và NATO hơn là Trung Quốc. Trong một cuộc họp của NATO, ông tuyên bố Nga là một "mối đe dọa hiện đại".

Với những tuyên bố hung hăng này, chính quyền mới của Hoa Kỳ đang tìm cách biến Nga thành quỷ dữ, vì họ theo đuổi mục đích đưa EU trở thành công cụ chính trị của mình, giống như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Do đó, Washington, dựa vào NATO, đang cố gắng sắp đặt để EU và Liên bang Nga chống lại nhau.

Mục đích đầu tiên của họ ở đây là chấm dứt hợp tác năng lượng Đức-Nga và Nga-châu Âu, bằng cách tìm mọi biện pháp ép chính quyền của bà Merkel phải từ bỏ dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc - 2” (Nord Stream 2) qua đáy biển Baltic.

Chiến hạm NATO hiện diện ngày càng đông đảo trên Biển Đen

Mỹ muốn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trên Biển Đen

Theo ông, tình huống tương tự cũng áp dụng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Một lần nữa, thông qua NATO, Hoa Kỳ đang cố gắng khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Nga "chạm trán, húc đầu nhau". Các sự kiện ở Biển Đen cũng nhằm mục đích này.

Những tuyên bố ngày càng cứng rắn và sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở Biển Đen gần đây là nỗ lực nhằm làm suy yếu quan hệ hợp tác giữa Ankara với Moscow - điều mà Washington lo ngại sâu sắc.

Để đạt được mục đích này, Hoa Kỳ đang cố gắng tổ chức một mặt trận chống Nga trên tuyến từ Baltic đến Đông Địa Trung Hải. Kế hoạch Baltic mới của NATO dự kiến một đường đi qua Ukraine, Romania và Bulgaria tới Hy Lạp, với điểm cuối là căn cứ ở đảo Crete, tức là một đường đi từ Baltic đến Đông Địa Trung Hải” - Güller nói.

Nhưng theo ông, Hoa Kỳ sẽ không thể thành công trong việc thực hiện chiến lược thúc đẩy các đồng minh đối đầu với Nga.

Hiện nay, quyền bá chủ của Hoa Kỳ đang suy yếu, họ đang mất dần khả năng thực hiện “trò chơi đơn cực”. Hoa Kỳ không còn có khả năng thực hiện toàn quyền kiểm soát đối với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU, chủ yếu là Đức, như trong thời Chiến tranh Lạnh.

Vì NATO gọi Liên bang Nga là mối đe dọa, nên các nước thành viên Liên minh sẽ buộc phải có một lập trường nhất định đối với Nga phù hợp với việc họ thuộc khối NATO, nhưng khả năng điều này sẽ biến thành sự phản đối thù địch kiểu chiến tranh lạnh là không bao giờ xảy ra.

Về phía mình, cả EU và Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sức ép của Mỹ, sẽ tiếp tục phát triển hợp tác với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và năng lượng, bởi các nước châu Âu ngày nay sẽ không dại gì mà vứt bỏ lợi ích quốc gia của mình chỉ để “làm đẹp lòng Mỹ”.

Nhật Nam