Mỹ che giấu thông tin tuyệt mật về MH17?

Mỹ che giấu dữ liệu vệ tinh có liên quan MH17

Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cho biết hôm 09/06 rằng, Hoa Kỳ từ chối công bố các bức ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 7 năm 2014 có liên quan đến vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị rơi ở vùng trời Donetsk, miền đông Ukraine, do đó, Washington đã che giấu những sự kiện có tầm quan trọng nhất.

"Một vài ngày trước, tòa án Hà Lan tuyên bố thẳng rằng, không còn hy vọng người Mỹ sẽ cung cấp những bức ảnh này và đối với tòa án thì vấn đề này đã khép lại. Những sự kiện có tầm quan trọng lớn như vậy bị che giấu" - nhà ngoại giao phát biểu tại diễn đàn "Primakov Readings".

Máy bay Boeing 777 của Malaysia, bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur trên chuyến bay MH17, đã bị rơi vào ngày 17 tháng 7 năm 2014 ở ngoại ô Donetsk. Có 298 người trên máy bay, tất cả đều đã chết.

Mỹ và chính quyền Kiev đổ lỗi cho lực lượng dân quân Donetsk về vụ tai nạn nhưng lực lượng ly khai Donetsk tuyên bố rằng họ không có đủ phương tiện để bắn hạ máy bay ở độ cao như vậy.

Cuộc điều tra được thực hiện bởi Nhóm điều tra chung (SSG) dưới sự lãnh đạo của Tổng công tố viên Hà Lan, Nga không tham gia vào quá trình này nhưng quốc gia có liên quan là Ukraine lại được tham dự.

Nhóm điều tra cho biết, chiếc Boeing đã bị bắn hạ từ hệ thống tên lửa phòng không Buk, thuộc Lữ đoàn Tên lửa Phòng không số 53 của Nga đóng tại Kursk, được cho là đã được điều sang miền đông Ukraine và sau khi vụ việc xảy ra đã quay trở lại Nga.

Nga phản đối việc không được tham gia quá trình điều tra và xét xử vụ MH17 bị bắn rơi

Theo phó Tổng công tố viên Nga Nikolai Vinnichenko tuyên bố, mặc dù vào ngày đầu tiên của phiên tòa, công tố viên thừa nhận họ đã nhận được và nghiên cứu dữ liệu của văn phòng công tố viên Nga, cũng như các tài liệu cho thấy tên lửa tấn công máy bay Boeing 777 thuộc về Ukraine và được phóng đi từ lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Tuy nhiên, sau đó nhóm điều tra của SSG đã bỏ qua dữ liệu radar Nga do Moscow cung cấp.

Bộ Ngoại giao Nga gọi cáo buộc của SSG là vô căn cứ và đáng tiếc, đồng thời cuộc điều tra mang tính thiên vị và phiến diện. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết tất cả các tên lửa Buk thuộc phiên bản 9M38 mà ủy ban Hà Lan trình diễn đã bị Nga loại bỏ sau năm 2011.

Còn Tổng thống Vladimir Putin lưu ý rằng, Nga không được phép tham gia cuộc điều tra, thiếu đi yếu tố này, Moscow không thể công nhận kết quả điều tra.

Điều tra vụ MH17 lâm vào bế tắc

Ngay sau vụ việc xảy ra, Mỹ và Ukraine khẳng định chắc như đinh đóng cột là họ có bằng chứng xác thực là lực lượng ly khai Donbass đã sử dụng tên lửa phòng không Buk do Nga cung cấp để bắn hạ chiếc máy bay Boeing 777. Sau đó, Nga đã rút hệ thống này về nước.

Tuy nhiên, đã gần 7 năm trôi qua, Mỹ đã không trưng ra được bất cứ hình ảnh vệ tinh hay dữ liệu radar nào chứng minh cho điều này. Nếu quả thực họ có bằng chứng trong tay thì chắc chắn là lực lượng ly khai Donbass đã bị quy là “khủng bố quốc tế” và bị tiêu diệt; còn Nga cũng đã bị cả thế giới lên án và Liên Hiệp Quốc trừng phạt.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Boeing-777 của Malaysia gần Shakhtersk, Donetsk

Một vấn đề đáng ngờ khác là sau khi chiếc máy bay bị bắn hạ, Ukraine đã không cung cấp các dữ liệu radar về tình hình hoạt động của các hệ thống phòng không - không quân nước này và đoạn băng trao đổi giữa đài không lưu quốc gia với chiếc máy bay Malaysia.

Ngoài ra, tất cả các dữ liệu về đạn tên lửa 9M38 của hệ thống phòng không Buk Ukraine cùng tất cả các tài liệu kỹ thuật đi kèm các hệ thống này cũng đã bị tiêu hủy trong một vụ cháy nổ đáng ngờ khu kho đạn dược ở gần Chernigov rạng sáng 9/10/2018.

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng Mỹ và Ukraine chẳng có bằng chứng xác thực nào xác nhận cho giả thiết của họ. Hoặc tệ hơn là sự hiện diện những bằng chứng chứng minh Nga, lực lượng dân quân Donetsk vô tội và gây bất lợi đối với Ukraine và Mỹ. Thế là người ta không muốn công bố những bằng chứng này.

Điều này không phải không có cơ sở khi Mỹ, EU và Ukraine luôn muốn hạ thấp uy tín Nga và gán những tội ác tày trời cho lực lượng li khai Donetsk, nên nếu có dù chỉ là bằng chứng cực nhỏ có thể “vu vạ” được thì chắc chắn họ sẽ không bỏ qua mà sẽ công bố ngay lập tức.

Thực tế này cho thấy, 298 hành khách trên chiếc Boeing 777 đã thiệt mạng một cách thảm khốc trên bầu trời Ukraine và người thân của họ sẽ khó mà biết được ai thực sự có lỗi trong thảm kịch này.

Nguyễn Ngọc