Mỹ cắt thỏa thuận thương mại với Myanmar

Thông cáo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết các giao thiệp giữa hai chính phủ trong khuôn khổ Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư năm 2013 (TIFA) sẽ bị dừng lại “cho đến khi (quyền lực ở Myanmar) trở về một chính phủ được bầu cử dân chủ”.

Theo thỏa thuận trên, Mỹ đồng ý hợp tác với Myanmar về thương mại và đầu tư, để hỗ trợ nước này trong việc hội nhập kinh tế quốc tế.

“Nước Mỹ ủng hộ người dân Myanmar trong nỗ lực khôi phục một chính phủ được bầu cử theo cách dân chủ, vốn đã là nền móng cho cải cách và tăng trưởng kinh tế của Myanmar”, thông cáo của bà Katherine Tai cho biết.

Cuối tuần qua, quân đội Myanmar trấn áp trên quy mô lớn các cuộc biểu tình. Trong đó, ngày 27/3 là ghi nhận số người biểu tình thiệt mạng cao nhất kể từ cuộc chính biến ngày 1/2.

Một số hãng tin cho biết hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh vào ngày 27/3, trong đó có một số trẻ em ở độ tuổi 10-16.

AFP dẫn thông tin từ một nhóm giám sát ở Myanmar cho biết tổng số người thiệt mạng trong các vụ trấn áp của quân đội đã lên tới 510.

Người biểu tình ở Yangon ngày 28/3. Ảnh: AP.

Sau những ngày bạo lực leo thang, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi có một lập trường đoàn kết, toàn cầu để gây sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar. “Tuyệt đối không thể chấp nhận khi bạo lực nhắm vào dân thường ở mức cao như vậy, nhiều người chết như vậy”, ông nói.

Trước đó, quan chức phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell ngày 28/3 (giờ địa phương) khẳng định tình hình bạo lực leo thang ở Myanmar là "không thể chấp nhận".

Cùng ngày, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và người đồng cấp từ 11 nước (bao gồm Đức, Anh và Nhật Bản) ra tuyên bố chung lên án việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.

Kể từ vụ binh biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đang nắm quyền điều hành đất nước. Trong khi đó, người dân liên tục biểu tình phản đối chính phủ quân sự và đòi trả tự do cho các lãnh đạo dân cử.

Trọng Thuấn